Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hãng chip lớn nhất thế giới cảnh báo cơn suy thoái sẽ tiếp tục

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – TSMC (Đài Loan), hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới, cảnh báo cơn suy sụp của ngành chip sẽ còn kéo dài đến cuối năm nay. Hãng cho rằng cơn bùng nổ nhu cầu chip trí tuệ nhân tạo (AI) không đủ bù đắp cho phân khúc chip điện tử tiêu dùng vốn đang chịu tổn thương do kinh tế toàn cầu bất ổn và Trung Quốc phục hồi chậm chạp.

Các kỹ thuật viên lạm việc trong một nhà máy sản xuất chip của TSMC ở Đài Loan. Ảnh: Taiwan News

Trong báo cáo thu nhập công bố hôm 20-7, TSMC ghi nhận lợi nhuận ròng quí 2 giảm 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 181,8 tỉ Đài tệ (5,85 tỉ đô la Mỹ). Mức giảm này thấp hơn dự báo của giới phân tích khi nỗ lực kiểm soát chi phí của TSMC và tỷ giá hối đoái thuận lợi giúp hạn chế tổn thất do công suất hoạt thấp và giá điện tăng cao ở Đài Loan, nơi TSMC đặt phần lớn các nhà máy sản xuất chip.

TSMC hiện dự báo ​​doanh thu năm 2023 giảm 10%, thay vì mức dưới 5% như dự báo vào ba tháng trước. Điều này có nghĩa là doanh thu của hãng sẽ giảm 15% trong nửa cuối năm so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên trong 14 năm qua doanh thu hàng năm của TSMC suy giảm.

“Bây giờ chúng tôi không còn lạc quan như 3 tháng trước. Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn chúng tôi kỳ vọng, vì vậy, nhu cầu của thị trường cuối (end-market) không như chúng tôi mong đợi. Dù chúng tôi có nhu cầu thị trường cuối về AI rất tốt, nhưng điều đó không đủ để bù đắp điểm yếu ở phân khúc chip điện tử tiêu dùng”,  C.C. Wei, CEO của TSMC, nói với các nhà đầu tư hôm 20-7.

Thậm chí, hồi đầu năm, Wei còn lạc quan hơn với dự báo doanh thu của công ty tăng trưởng nhẹ trong năm 2023.

Dự báo mới nhất của TSMC cho thấy các điều kiện trên thị trường chip tồi tệ hơn dự đoán, dẫn đến cơn suy sụp kéo dài.

Theo ước tính của hãng nghiên cứu Canalys, doanh số điện thoại thông minh toàn cầu đã giảm 11% quí 2, đánh dấu mức giảm hàng quí lần thứ 6 liên tiếp.

Wei cho biết, các bất ổn hiện nay đang khiến triển vọng của ngành chip trở nên khó dự đoán trong năm 2024. Ông lưu ý, lạm phát cao hơn ở các nước phương Tây và đà phục hồi kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến nhu cầu chip.

Trong những điều kiện như vậy, “khách hàng của chúng tôi thận trọng hơn trong việc kiểm soát hàng tồn kho của họ trong nửa cuối năm nay”, Wei nói.

Lãnh đạo của một nhà cung cấp lớn cho biết, TSMC “đã thoát khỏi đáy vào tháng 5, nhưng tốc độ phục hồi rất chậm chạp”.

Các đối thủ của TSMC cũng đang chịu tổn thương. Lợi nhuận của Samsung Electronics, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, giảm 96% trong quí kết thúc vào tháng 6. Micron Technology, hãng chip nhớ lớn nhất của Mỹ, ghi nhận lỗ ròng 1,9 tỉ đô la trong quí 3, kết thúc vào tháng 6, theo năm tài chính của hãng này.

Cảnh báo trên được TSMC đưa ra khi sự phát triển của các mô hình ngôn ngữ lớn, giúp vận hành các dịch vụ AI tạo sinh như ChatGPT, thúc đẩy nhu cầu chip cao cấp ở các trung tâm dữ liệu. Hoạt động sản xuất chip AI của TSMC đang tăng trưởng bùng nổ nhờ các đơn hàng của Nviada, công ty chip AI hàng đầu thế giới hiện nay.

TSMC cho biết, nhu cầu chip AI tăng mạnh đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt công suất, và vấn đề này có thể kéo dài cho đến cuối năm sau.

Wei thừa nhận, nhu cầu mạnh mẽ từ AI tạo sinh “chỉ củng cố niềm tin của chúng tôi vào sự tăng trưởng dài hạn”. Ông đồng thời cho biết thêm rằng, mảng kinh doanh chip AI sẽ tăng trưởng gần 50% hàng năm trong vài năm tới và sẽ chiếm 10% doanh thu của TSMC so với mức 6% hiện nay. Các chip AI đòi hỏi quy trình đóng gói tiên tiến hơn và không thể lắp đặt ngay các dây chuyền sản xuất được tích hợp quy trình này.

Trong năm 2023, TSMC dự kiến doanh thu của tất cả các phân khúc sản phẩm khác, chẳng hạn chip cho điện thoại thông minh, ô tô và các ứng dụng công nghiệp, sẽ suy giảm. Chi phí điện tăng cao, nỗ lực áp dụng quy trình công nghệ mới nhất và mở rộng sản xuất ở nước ngoài sẽ bào mòn đáng kể biên lợi nhuận của TSMC vào cuối năm nay,

Theo Chủ tịch TSMC Mark Liu, biên lợi nhuận gộp của TSMC dự kiến giảm thêm 3-4 điểm phần trăm vào cuối năm, sau khi giảm 2,2 điểm phần trăm trong quí 2.

Công ty cũng đang phải đối mặt với những thách thức ở khoản đầu tư 40 tỉ đô la để mở rộng năng lực sản xuất tại Mỹ. Liu cho biết, thời điểm bắt đầu sản xuất hàng loạt tại một nhà máy mà TSMC đang xây dựng ở bang Arizona sẽ bị lùi lại đến năm 2025, chậm một năm so với kế hoạch ban đầu.

“Chúng tôi đang bước vào giai đoạn quan trọng để xử lý các thiết bị chip tiên tiến nhất. Tuy nhiên, chúng tôi đang gặp phải những thách thức vì thiếu công nhân lành nghề”, Liu nói.

Hiện tại, TSMC phải điều thêm nhân viên từ Đài Loan sang Mỹ để đào tạo kỹ thuật viên sản xuất chip.

Theo Financial Times, Nikkei Asia

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới