Thứ Bảy, 17/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hàng chục công trình thủy lợi xuống cấp, dự án kè chậm tiến độ

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhiều công trình thủy lợi, chống sạt lở vẫn chưa hoàn thành, như hàng chục công trình thủy lợi ở Lâm Đồng xuống cấp vẫn chưa được khắc phục do thiếu kinh phí; dự án kè đoạn từ kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ ở Đồng Tháp còn chậm tiến độ; tình trạng sạt lở bờ sông đoạn qua xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Một đoạn sạt lở ở bờ sông Đà. Ảnh minh họa: TTXVN

TTXVN dẫn thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, địa phương đang có 66 công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, gây ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là mùa mưa lũ đang đến.

Trong số 66 công trình này, có 9 công trình đã được bố trí vốn để cải tạo, sửa chữa; 57 công trình vẫn chưa có kinh phí sửa chữa. Ngoài ra, có 15 công trình xuống cấp khác đang được thi công.

Trước đó, sở đã đề nghị UBND tỉnh cùng các đơn vị liên quan bố trí kinh phí để thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trên địa bàn đến năm 2025. Trong đó, kinh phí để sửa chữa, nâng cấp công trình bị hư hỏng, xuống cấp là 440 tỉ đồng. Còn kinh phí để nâng cao năng lực quản lý, vận hành công trình là 98 tỉ đồng.

Lâm Đồng hiện có 440 công trình thủy lợi gồm 227 hồ chứa, 90 đập dâng, 19 trạm bơm, 91 đập tạm, 12 kênh tiêu cùng với khoảng 1.200 km kênh mương chủ động cấp nước tưới cho khoảng 47.569 héc-ta diện tích đất canh tác. Tính hết tháng 3-2023, đã có 96 công trình được đăng ký là đập an toàn.

Liên quan đến dự án chống sạt lở vào mùa lũ, hiện tại, ở khu vực sông Đà, đoạn chảy qua xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, tình trạng sạt lở vẫn đang diễn ra làm hàng chục héc-ta đất bãi, rau màu của người dân bị nước cuốn trôi.

Cũng theo TTXVN, một số điểm sạt lở đã ăn sâu vào đất liền 70-80 mét, chỉ còn cách đê bối địa phương khoảng hơn 10 mét, đe dọa đời sống sinh hoạt của 150 hộ dân xung quanh.

Trước đó, hồi đầu tháng 2-2023, tỉnh Phú Thọ đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gồm phương án xử lý và xây dựng công trình khẩn cấp. Tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý dự án về xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông này. Kinh phí dự kiến khoảng 20 tỉ đồng.

Hiện tại, một số đoạn được xây kè nhưng vẫn tiếp tục bị sạt lở, lực lượng liên quan đã cắm biển cảnh báo ở vùng sạt lở nguy hiểm và đề nghị cấp có thẩm quyền lên phương án xử lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu tỉnh việc xử lý khẩn cấp khoảng 500 m chiều dài của bờ sông bị sạt lở nhiều nhất.

Còn ở Đồng Tháp, dự án kè từ đoạn kè Bình Thành đến vàm Phong Mỹ được xây dựng ven sông Tiền đã triển khai vào năm 2021. Tuy nhiên, quá trình thi công còn chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Dự án kè có chiều dài 2.400 m với tổng số vốn đầu tư hơn 112 tỉ đồng, huy động từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương.

Việc xây dựng công trình này nhằm xử lý tình trạng sạt lở bờ sông tại khu vực từ chợ Bình Thành đến vàm Phong Mỹ, đảm bảo ổn định an toàn giao thông cho tuyến quốc lộ 30, an toàn tính mạng, tài sản, ổn định sản xuất và đời sống cho khoảng hơn 200 hộ dân ở ven sông Tiền.

Khởi công xây dựng từ tháng 3-2021, đến nay, tổng giá trị khối lượng thực hiện của 3 nhà thầu mới đạt hơn 56% giá trị hợp đồng. Hiện nay, còn một số đoạn kè (không liên tục) thuộc phần đất của 14 hộ dân với tổng chiều dài hơn 360 m chưa thể giải phóng mặt bằng, bàn giao cho đơn vị thi công nên việc tập kết máy móc, thiết bị và triển khai thi công gặp trở ngại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới