(KTSG Online) - Bên cạnh các yếu tố như dòng chảy, xây dựng cơ sở hạ tầng, địa chất yếu…, thì việc hàng chục triệu tấn cát bị lấy đi mỗi năm đã khiến sạt lở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng nghiêm trọng hơn.
Phát biểu tại hội thảo “Khởi động triển khai hoạt động xây dựng ngân hàng cát và kế hoạch duy trì ổn định hình thái sông ở ĐBSCL” diễn ra hôm nay, 3-3, ông Lê Thanh Chương, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, qua thống kê tháng 12-2021, thì khu vực ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài 610 km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm có 147 điểm với chiều dài 127 km; sạt lở nguy hiểm có 137 điểm với tổng chiều dài 193 km; còn lại là các điểm sạt lở bình thường.
Theo ông Chương, thống kê các điểm sạt lở ở 13 địa phương ĐBSCL thì An Giang, Cà Mau và Tiền Giang là ba địa phương có nhiều điểm sạt lở; các địa phương có nhiều điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm ở ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang và Cần Thơ.
Cũng theo ông Chương, qua các nghiên cứu và tổng hợp, thì ĐBSCL có gần 30 hố xói sâu trên sông Tiền và sông Hậu, trong đó, tập trung ở các khu vực như Tân Châu, Châu Đốc, Mỹ Thuận, Sa Đéc, Thanh Bình. “Các hố sâu này có những điểm xuất hiện âm hơn 40 mét và điều này rất nguy hiểm cho ổn định bờ sông”, ông Chương cho biết.
Về nguyên nhân dẫn đến sạt lở ở khu vực ĐBSCL, ông Chương cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó, có những nguyên nhân chính: thứ nhất, yếu tố dòng chảy, nhất là ở khu vực đoạn sông cong; thứ hai, yếu tố địa chất của khu vực bờ sông yếu, khả năng chống xói lở kém; thứ ba, việc xây dựng các công trình, hồ đập ở thượng lưu, dẫn đến giảm sút lượng bùn cát về ĐBSCL; thứ tư, vấn đề phát hạ tầng ven sông; thứ năm, giao thông thuỷ - phương tiện di chuyển quan trọng của người dân ĐBSCL - cũng là yếu tố gây sạt lở bờ sông.
Đặc biệt, việc khai thác cát dẫn đến hạ thấp đáy sông, làm thảy đổi dòng chảy dẫn đến tăng nguy cơ sạt lở.
Về khai thác cát, ông Chương dẫn một nghiên cứu quốc tế gần đây (Bravard và nhóm nghiên cứu) cho thấy, tổng lượng cát bị khai thác ở lưu vực sông Mekong khoảng 50 triệu tấn/năm, trong đó, Campuchia khai thác 30 triệu tấn/năm; Việt Nam 12,4 triệu tấn/năm; Thái Lan 6 triệu tấn/năm; Lào 1,5 triệu tấn/năm.
Riêng tại Việt Nam, qua các tài liệu thu thập được, theo ông Chương, lượng khai thác cát được cấp phép hàng năm ở các tỉnh ĐBSCL là 15 triệu m3/năm. “Tuy nhiên, số liệu có thể lớn hơn nhiều so với các tài liệu công bố, có thể lên đến 22,5-28 triệu tấn/năm, gấp đôi con số quốc tế công bố”, ông cho biết.
Trong khi lượng cát bị lấy đi lớn, thì việc lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn về sụt giảm càng khiến tình trạng sạt lở ở ĐBSCL nghiêm trọng hơn.
Theo đó, trước đây lượng phù sa về ĐBSCL mỗi năm 150-160 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy, lượng phù sa về ĐBSCL hiện tại chỉ còn khoảng 25-35% so với trước đây và trong tương lai có thể tiếp tục giảm, còn dưới 10% khi các đập thuỷ điện trên dòng chính và dòng nhánh được xây dựng.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đánh giá, sạt lở trên hệ thống các sông ở ĐBSCL diễn biến hết sức phức tạp cả về phạm vi lẫn mức độ ảnh hưởng.
“Riêng tại TP Cần Thơ, giai đoạn 2010-2020, trên địa bàn có 226 điểm sạt lở với chiều dài 9 km”, ông Nghiêm cho biết và nói rằng, năm ngoái, trên địa bàn TP Cần Thơ cũng xảy ra 23 điểm sạt lở, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và kinh tế của người dân.
Theo ông Nghiêm, nguyên nhân dẫn đến sạt lở do tác động cộng hưởng từ việc lượng bùn cát phù sa từ thượng nguồn về vùng giảm, trong khi khai thác cát không theo quy hoạch làm biến dạng dòng chảy.
Ông Chương cho biết, các tác động dẫn đến xói lở kênh rạch từ việc giảm lượng phù sa hay khai thác cát phục vụ phát triển hạ tầng sẽ tiếp tục trong thời gian tới, cho nên, tình trạng sạt lở bờ sông sẽ tiếp tục diễn ra cả về mặt cường độ lẫn phạm vi.
Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, ông Chương gợi ý, cần có phương án quy hoạch chỉnh trị tổng thể hệ thống sông rạch lớn, đảm bảo vừa chống được sạt lở, vừa đảm được sự phát triển bền vững.
Đối với các công trình kiên cố, theo ông Chương, cần đầu tư tập trung ở những khu vực trọng điểm, nhất là khu vực đông dân cư, khu vực cơ sở hạ tầng và khu vực những công trình lớn ảnh hưởng đến lòng sông…
Tuy nhiên, theo ý kiến của của một số chuyên gia, trong bối cảnh lượng bùn cát từ thượng nguồn về vùng ĐBSCL ngày càng hạn chế, thì cần thiết phải tìm vật liệu khác để thay thế trong phục vụ phát triển kinh tế, tránh khai thác cát quá mức như hiện nay.
Nghiêm cấm hút cát lên san nền, làm đường! Quá phí phạm và ấu trĩ, ai muốn làm đường lấy xỉ than mà làm vừa tốt vừa giải quyết môi trường.