Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hãng công nghệ Nhật Bản chần chừ vào Việt Nam vì lo khó tuyển được nhân sự

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhiều nhà sản xuất Nhật Bản, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, chần chừ khi đầu tư vào Việt Nam, vì lo ngại khó tuyển dụng được lực lượng lao động chất lượng cao và tìm được nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Nhiều máy móc và công nghệ hiện đại được giới thiệu tại METALEX Vietnam 2022. Ảnh: Lê Hoàng

Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM, đã chia sẻ với KTSG Online như trên tại buổi khai mạc Triển lãm quốc tế về sản xuất và gia công cơ khí (METALEX Vietnam 2022) và Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2022 tại SECC, TPHCM ngày 6-10.

Theo ông Matsumoto Nobuyuki, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, đáng chú ý là doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc dành nhiều quan tâm đến Việt Nam trong quá trình dịch chuyển và mở rộng sản xuất nhằm đa dạng chuỗi cung ứng, nhưng rào cản thiếu lao động chất lượng cao cũng như nguồn cung ứng nguyên liệu tại chỗ đang khiến các kế hoạch bị chần chừ.

Theo người đứng đầu JETRO tại TPHCM, hiện nay và trong tương lai gần Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các ngành sản xuất cần nhiều lao động, tận dụng chi phí nhân sự giá rẻ. Tuy nhiên, chi phí lao động giá thấp hoặc rẻ tại TPHCM không còn, nên các nhà đầu tư Nhật Bản đã và đang dịch chuyển đầu tư sang các tỉnh lận cận hoặc các vùng khác có chi phí nhân công cạnh tranh hơn.

Song song đó, vốn đầu tư từ Nhật Bản cũng đang có sự dịch chuyển sang các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn và đi cùng với đó là nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao. Theo ông Matsumoto Nobuyuki, xu hướng đầu tư này tập trung vào sự đa dạng hóa gia nhập trong chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó chuyển dịch này không giới hạn ở quốc gia doanh nghiệp Nhật Bản đang hiện diện mà diễn ra trên phạm vi toàn cầu.

"Về một mặt nào đó, lao động giá rẻ vẫn quan trọng trong các quyết định của nhà đầu tư Nhật Bản. Tuy nhiên ở khía cạnh khác, nhà đầu tư Nhật Bản cần được quan tâm hơn trong xu hướng này là nhu cầu tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao, có trình độ", ông Matsumoto Nobuyuki nói, và cho rằng: "Lợi thế của TPHCM là trung tâm đào tạo lớn, có sẵn nguồn nhân lực chất lượng cao, song có thể nói hiện vẫn chưa thể đáp ứng đủ trong xu hướng mở rộng chuỗi cung ứng của nhà đầu tư quốc tế, trong đó có cả các doanh nghiệp Nhật Bản".

Những trở ngại về nguồn lao động có chất lượng cao đã khiến cho nhà đầu tư Nhật Bản mới dừng ở mức độ quan tâm thị trường Việt Nam, chứ chưa mạnh dạn rót vốn đầu tư, ngay cả tại TPHCM.

Cũng theo người đại diện JETRO ở TPHCM, trên thực tế, một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghệ hoặc sản phẩm, thiết bị điện tử Nhật Bản ở Việt Nam cũng chia sẻ với JETRO rằng hiện nay về cơ bản họ tạm đủ nhân sự có chất lượng để làm việc. Tuy nhiên, nếu như có một lượng doanh nghiệp công nghệ hoặc kỹ thuật của Nhật Bản cùng vào đầu tư thì chắc chắn sẽ bị gặp khó về việc tuyển nhân sự phân khúc này và khi đó họ sẽ bị cạnh tranh về tuyển lao động ở phân khúc này.

Tuy vậy, ông Matsumoto cũng lưu ý, theo khảo sát của JETRO, có đến 55,3% doanh nghiệp nghiệp Nhật Bản đã trả lời “sẽ mở rộng” phát triển kinh doanh tại Việt Nam trong 1 đến 2 năm tới, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản từ năm 2021 đã thực hiện chính sách viện trợ như việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài. Qua 5 đợt tuyển chọn dự án viện trợ nếu chia số lượng dự án theo quốc gia thì đã có 103 dự án được chọn, Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất với 41 dự án, Điều này đã thể hiện được mức độ quan tâm đến Việt Nam cao thế nào.

Ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Công ty RX Tradex Việt Nam, đơn vị đồng tổ chức triển lãm, cho rằng so với các thị trường đang phát triển khác trong khu vực, Việt Nam đang nổi lên như là một thị trường hàng đầu trong việc cung ứng và sản xuất chi phí thấp, với đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. "Sự phát triển của ngành công nghiệp máy móc tại Việt Nam là phù hợp với sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó nhiều lĩnh vực đã đạt được những bước phát triển nổi bật trong thập kỷ gần đây", ông Tài nói.

Tuy nhiên, vị đại diện JETRO ở TPHCM cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức. “Để tận dụng cơ hội đầu tư và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các tập đoàn quốc tế, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân lực”.

Triển lãm "METALEX Vietnam 2022" năm nay diễn ra từ ngày 6 đến 8-10 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC). Bên cạnh những máy móc tiên tiến để phát triển ngành gia công kim loại, sự kiện đồng địa điểm với "Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2022" được phối hợp tổ chức bởi JETRO để kết nối quan hệ giữa các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy các ngành sản xuất trụ cột tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.Trong triển lãm năm nay, các nhà mua hàng Nhật Bản đã chọn cách thức trưng bày những sản phẩm, linh kiện sản xuất muốn mua thay cho đi tìm sản phẩm mà các nhà cung ứng Việt Nam đem đến triển lãm. "Cách thức triển lãm này từng được tổ chức ở một số nước và đem lại tỉ lệ kết nối thành công khá cao", ông Matsumoto Nobuyuki nói. Năm nay triển lãm thu hút hơn 250 thương hiệu đến từ 20 quốc gia và 8 nhóm gian hàng quốc tế, góp phần tăng cường mua bán với khách hàng chất lượng.Triển lãm do Công ty RX Tradex Việt Nam kết hợp với JETRO tại TPHCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC), Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ (CSID) TPHCM tổ chức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới