Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hàng dệt may chất đống các kho ở Bangladesh khi phương Tây giảm đơn hàng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các lô hàng quần áo đang ứ đọng tại các nhà kho ở Bangladesh - nước sản xuất hàng dệt may lớn thứ hai thế giới, khi người tiêu dùng ở Mỹ, châu Âu và các thị trường lớn khác “thắt lưng buộc bụng” trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát.

Ngành công nghiệp may mặc giúp hơn 160 triệu người, chủ yếu là phụ nữ, ở Bangladesh thoát khỏi cảnh nghèo. Nhưng hiện tại các công ty mặc ở nước này đang trải qua những tháng khủng hoảng do đơn hàng giảm, chi phí năng lượng tăng cao. Ảnh: Getty

Theo các nhà sản xuất hàng may mặc của Bangladesh, đơn đặt hàng đã chậm lại kể từ tháng 7 do cuộc chiến ở Ukraine và lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, cũng như tác động của các sự kiện này đối với lạm phát, lãi suất và các khoản vay thế chấp trên toàn thế giới.

Faruque Hassan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), nói với Financial Times: “Mọi thứ đều tăng giá, vì vậy, ngân sách mua sắm quần áo (ở phương Tây) bị thắt chặt. Đó là lý do vì sao một số thương hiệu, một số nhà nhập khẩu hàng thời trang cắt giảm đơn đặt hàng của họ”.

Hassan tiết lộ một số nhà bán lẻ thời trang phương Tây đã yêu cầu các nhà cung cấp Bangladesh ngừng sản xuất hàng may mặc hoặc trì hoãn giao hàng trong tối đa 3 tháng.

“Điều đó đã gây ra tác động rất lớn bởi vì tất cả các nhà máy của chúng tôi đều đã mua vải để sản xuất, và giờ đây họ đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng”.

Sự suy giảm nhu cầu quần áo toàn cầu xảy ra khi chính phủ của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đối mặt với giá khí đốt nhập khẩu cao hơn, dẫn đến các đợt cắt điện, ảnh hưởng đến một số nhà sản xuất hàng may mặc.

Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) đối lập đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn trong những tuần gần đây nhằm tận dụng sự bất mãn dâng cao khi nền kinh tế đang suy yếu để lôi kéo cử tri trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

Trong tháng này, Bangladesh đã nhận được khoản tín dụng 2,3 tỉ đô la Mỹ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và 1,3 tỉ đô la Mỹ khác từ Quỹ phục hồi và bền vững của tổ chức này, có sứ mệnh giúp các nước nghèo giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các thách thức dài hạn khác.

Không giống như các nước láng giềng khu vực Sri Lanka và Pakistan, Bangladesh không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản toàn diện. Nhưng dự trữ ngoại hối của quốc gia Nam Á này đã giảm mạnh trong năm nay trong bối cảnh đồng đô la Mỹ tăng giá, gây áp lực lên giá cả và nhu cầu của người tiêu dùng.

Sản xuất quần áo và hàng dệt, ngành công nghiệp lớn nhất ở Bangladesh, được hưởng lợi từ doanh số bán hàng tăng vọt sau khi lệnh phong tỏa kiểm soát Covid-19 trên toàn cầu được dỡ bỏ.

Theo BGMEA, Bangladesh đã xuất khẩu hàng may mặc trị giá 42,6 tỉ đô la Mỹ và hàng dệt trị giá 2,6 tỉ đô la Mỹ trong 12 tháng tính đến cuối tháng 6, chiếm khoảng 85% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của đất nước.

Sản xuất quần áo cho các nhà bán lẻ thời trang như Walmart, Primark, H&M, Target cũng như các chuỗi toàn cầu khác đã giúp hơn 160 triệu người, chủ yếu là phụ nữ, ở Bangladesh thoát khỏi cảnh nghèo.

Theo Ranjan Mahtani, Giám đốc điều hành Epic Group, một doanh nghiệp thời trang lớn của Mỹ, có nhà máy ở Bangladesh, doanh số bán quần áo đã tăng đột biến ở thời kỳ hậu Covid-19, nhưng giờ đây đang giảm xuống, dẫn đến khối lượng hàng tồn kho khổng lồ ở các nhà bán lẻ.

Trong những tháng đầu tiên của đại dịch, các nhà sản xuất hàng may mặc của Bangladesh đã bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều nhà bán lẻ thời trang ở phương Tây hủy đơn hàng. Một số nhà sản xuất phản ứng bằng cách chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân khi nhu cầu về những sản phẩm đó tăng nhanh chóng.

Vidiya Amrit Khan, Giám đốc Công ty Desh Garments, chuyên cung cấp cho các thương hiệu bao gồm Calvin Klein và Tommy Hilfiger ở Mỹ cũng như Crew Clothing ở Anh, nói: “Ở một đất nước trông có vẻ hỗn loạn nếu nhìn từ bên ngoài, mọi người đều thực sự tập trung vì chúng tôi cần phải sống sót”.

Chủ tịch BGMEA Hassan cho biết trong đợt giảm đơn hàng mới nhất, các nhà bán lẻ không hủy đơn đặt hàng ngay lập tức. Thay vào đó, họ yêu cầu giảm giá hoặc tính phí lưu kho vào số tiền mà họ đã trả cho các nhà sản xuất đối với những lô hàng quần áo mà họ không thể bán ngay lập tức.

Hassan nói thêm rằng ngành công nghiệp may mặc đã yêu cầu Ngân hàng trung ương Bangladesh thúc ép các ngân hàng thương mại cho phép trì hoãn thanh toán các khoản vay để các nhà máy may mặc có thể ưu tiên thanh toán tiền lương và hóa đơn điện nước.

Việc cắt điện gây ra khó khăn hơn nữa cho các nhà sản xuất hàng dệt may. Syed Naved Husain, Giám đốc điều hành Beximco, một trong những công ty may mặc lớn nhất của Bangladesh, nói: “Năng lượng là một vấn đề khiến nhiều công ty may mặc trải qua những tháng tồi tệ”.

Husain nói rằng ông nghĩ các công ty may mặc nên mua năng lượng với giá hiện nay ngay cả khi điều đó khiến chi phí sản xuất quần áo tăng mạnh.

Trong một ngành cạnh tranh khốc liệt với tỷ suất lợi nhuận thấp, các nhà sản xuất quần áo ở Bangladesh đặc biệt dễ bị tổn thương trước những thay đổi về thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu.

Khi các chuỗi bán lẻ thời trang phải đối phó với áp lực từ người tiêu dùng và các cổ đông trong việc cải thiện các hoạt động bền vững của họ, các nhà sản xuất hàng may mặc ở các nước đang phát triển như Bangladesh cần phải đầu tư vào máy móc và thiết bị nhằm giảm tiết kiệm việc sử dụng nước, điện và các tài nguyên khác.

Công ty may mặc của Faruque Hassan đã lắp đặt các tấm pin mặt trời, máy giặt jean mới và các thiết bị khác. Ông nói: “Điều đang xảy ra hiện nay là ngành thời trang đang bị tấn công”.

Bộ trưởng Thương mại Bangladesh Tipu Munshi xác nhận xuất khẩu hàng may mặc của đất nước đang chậm lại, nhưng lưu ý mọi người “vẫn phải mặc quần áo” ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn hơn.

Ông nói: “Có thể bạn chỉ mua 2 trong số 4 sản phẩm quần áo mà bạn dự định mua nhưng bạn vẫn phải mua. Và không có nước nào có thể đánh bại mức giá quần áo phải chăng của chúng tôi”.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới