(KTSG Online) – Người tiêu dùng Hàn Quốc ngày càng ưa chuộng các sản phẩm có giá siêu rẻ từ các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như AliExpress và Temu. Các đối thủ Hàn Quốc đang lo ngại xu hướng này có thể khiến họ mất thị phần ngay trên “sân nhà”.
- Brazil điều tra chống bán phá giá đối với hàng giá rẻ Trung Quốc
- Podcast 18-11-2023: Căng thẳng thương mại gia tăng từ việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu ‘hàng ế’
Nhanh chóng thu phục người tiêu dùng Hàn Quốc bằng giá rẻ
Huấn luyện viên lặn người Hàn Quốc Park Soo-hong trở thành khách “ruột” của AliExpress, dịch vụ mua sắm trực tuyến của người khổng lồ công nghệ Alibaba, kể từ khi anh săn được phụ kiện ô tô giá hời 5 năm trước. Người đàn ông 54 tuổi này thường xuyên so sánh giá bán sản phẩm trên nền tảng AliExpress với Naver Shopping của Hàn Quốc và đối thủ Amazon của Mỹ. Gần đây, anh mua máy đo mức dầu động cơ với giá 86.000 Won (64 đô la) trên AliExpress. Thiết bị này được quảng cáo với giá khoảng 540.000 won trên các trang bán lẻ trực tuyến trong nước.
“Hầu hết các sản phẩm trên nền tảng Trung Quốc này đều rẻ đến mức khó tin. Thời gian giao hàng chậm nhưng tôi có thể chấp nhận nếu giá rẻ hơn 70-80%”, anh nói.
Những người Hàn Quốc có ý thức mua sắm tiết kiệm đang chuyển sang các thị trường trực tuyến của Trung Quốc như AliExpress và Temu. Những nền tảng này đang tích cực mở rộng ra nước ngoài trong bối cảnh tiêu dùng nội địa suy yếu. Hãng thời trang nhanh Shein của Trung Quốc cũng đang tiến vào thị trường Hàn Quốc.
25% người người tiêu dùng Hàn Quốc hiện sử dụng các nền tảng mua sắm của Trung Quốc. AliExpress và Temu, thuộc sở hữu của PDD Holdings của Trung Quốc, là những nền tảng bán lẻ trực tuyến phát triển lượng người dùng Hàn Quốc nhanh nhất vào năm ngoái.
Số lượng người dùng AliExpress ở Hàn Quốc tăng lên 8,18 triệu trong tháng 2 từ mức 3,5 triệu một năm trước đó. Temu mới đến Hàn Quốc vào tháng 7-2023 sau AliExpress 5 năm. Tuy nhiên, nền tảng này nhanh chóng thu hút được hơn 5 triệu người dùng trong năm đầu tiên kinh doanh tại Hàn Quốc.
Nhờ đó, Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành lựa chọn mua hàng hàng đầu của người mua hàng trực tuyến Hàn Quốc. Trong tổng số 6,75 nghìn tỉ won (5 tỉ đô la) mà người mua sắm Hàn Quốc chi tiêu trực tiếp ở nước ngoài, các nền tảng Trung Quốc chiếm 3,28 nghìn tỉ won, tương đương khoảng 48% vào năm 2023.
Hội đồng Tổ chức người tiêu dùng quốc gia Hàn Quốc, đánh giá việc “xuất khẩu giảm phát” của Trung Quốc là điều tích cực đối với các hộ gia đình Hàn Quốc có ý thức tiết kiệm trong thời kỳ lạm phát cao.
Nhưng một số chuyên gia cảnh báo, xu hướng mua sắm hàng giá rẻ của Trung Quốc có thể giáng một đòn mạnh vào các nhà sản xuất Hàn Quốc. Theo họ, các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ của Hàn Quốc không thể cạnh tranh các đối thủ Trung Quốc về chi phí.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể ngừng hoạt động và phá sản trong trường hợp xấu nhất. Bởi hiện nay, cánh cửa đang rộng mở hơn để hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc vào Hàn Quốc”, Jeong Eun-ae, nhà nghiên cứu của Viện Doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc cảnh báo.
5 năm trước, thặng dư thương mại hàng năm của Hàn Quốc so với Trung Quốc là hơn 50 tỉ đô la Mỹ. Điều này là nhờ sự phân công lao động giữa hai nước. Hàn Quốc xuất khẩu hàng hóa trung gian sang Trung Quốc, sau đó Trung Quốc gia công và tái xuất sang các nước khác. Tuy nhiên, khi Trung Quốc bắt đầu tự chủ hơn về hàng hóa trung gian, Hàn Quốc hiện thâm hụt thương mại 18 tỉ đô la với Trung Quốc. Mức thâm hụt này dự kiến tăng lên khi nền tảng trực tuyến của Trung Quốc tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường hàng tiêu dùng của Hàn Quốc.
Các đối thủ bản địa lo mất thị phần
Động thái đột phá của các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc vào một quốc gia dẫn đầu về kết nối Internet tốc độ cao và có lực lượng người tiêu dùng am hiểu kỹ thuật số như Hàn Quốc là diễn biến đáng lo ngại đối với những đối thủ bản địa hiện tại.
Theo Euromonitor International, thị trường bán lẻ của Hàn Quốc có trị giá hàng năm khoảng 200.000 tỉ won (148 tỉ đô la Mỹ), với gần một nửa doanh được thực hiện trực tuyến. Hàn Quốc cũng có mức chi tiêu trực tuyến bình quân đầu người cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Lee Seung-jin, người phát ngôn của Musinsa, nền tảng kinh doanh thời trang hàng đầu Hàn Quốc, chia sẻ: “Tại đây, họ (các nền tảng Trung Quốc) đang phát triển nhanh hơn dự kiến bằng cách bán sản phẩm với mức giá thấp nhất. Chúng tôi đang lo mất thị phần. Chúng tôi không thể làm gì nhiều trước cuộc tấn công quy mô lớn của họ”.
Các tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động kinh doanh thị trường nước ngoài khi tốc độ tăng trưởng sụt giảm ở trong nước. Temu, chỉ mới ra mắt cách đây hai năm, đã thâm nhập vào các thị trường quốc tế mới với chiến dịch tiếp thị rầm rộ và các khoản trợ cấp lớn để thu hút người dùng và người bán hàng thứ ba.
Trao đổi với Financial Times, đại diện của Temu cho biết, việc gia nhập thị trường Hàn Quốc mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm chất, đa dạng và giá cả phải chăng. “Người mua hàng ở Hàn Quốc được tiếp cận trực tiếp với các nhà sản xuất hàng đầu, tránh được mức tăng giá do các bên trung gian áp đặt”, người đại diện nói.
Các nhà phân tích lưu ý, gần đây, AliExpress lôi kéo các công ty Hàn Quốc bán hàng trên nền tảng này với ưu đãi “không hoa hồng”. Nghĩa nghĩa là họ không phải trả phí 10-20% từ doanh số bán hàng thường được các nền tảng thương mại điện tử áp dụng.
Công ty Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh thời gian giao hàng nhanh cho khách Hàn Quốc bằng cách mở rộng công suất kho hàng ở tỉnh Sơn Đông, gần bán đảo Triều Tiên.
“Chúng tôi là một công ty mới nổi trong không gian thương mại điện tử Hàn Quốc, chuyên cung cấp cho các thương hiệu và doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc khả năng tiếp cận các thị trường mở rộng. Đồng thời, đưa ra cho người mua sắm địa phương sự lựa chọn đa dạng về các sản phẩm chất lượng”, AliExpress cho biết trong một tuyên bố.
Wi Jong-hyun, giáo sư kinh doanh tại Đại học Chung-Ang ở Seoul nhận định, thị trường thương mại điện tử của Hàn Quốc có thể sẽ nằm dưới sự kiểm soát của các công ty Trung Quốc vì chất lượng sản phẩm của họ được cải thiện trong những năm gần đây. Hơn nữa, giá bán của họ ngày càng thấp hơn nhờ quy mô kinh tế. Hàn Quốc không thể thắng trong cuộc chiến giá cả với Trung Quốc.
Chỉ chiếm ưu thế ở phân khúc giá rẻ
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, những lo ngại trên bị thổi phồng quá mức. Angela Hong, nhà phân tích của ngân hàng Nomura ở Seoul chỉ ra rằng, hầu hết các giao dịch mua hàng của người tiêu dùng Hàn Quốc trên các nền tảng Trung Quốc chỉ giới hạn ở danh mục sản phẩm giá rẻ. Theo ước tính của Nomura, các nền tảng này chỉ chiếm khoảng 2% thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc xét về tổng giá trị giao dịch hàng hóa hàng năm.
Chi nhánh của AliExpress ở Hàn Quốc cũng bị nhiều khiếu nại về việc giao hàng trễ và gửi sai sản phẩm, cũng như lo ngại về hàng giả trên nền tảng này.
Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc đang xem xét cáo buộc AliExpress thiếu bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu cá nhân của Hàn Quốc đang điều tra việc xử lý dữ liệu người tiêu dùng ở các nền tảng mua sắm lớn của nước ngoài. Động thái này diễn ra khi cuộc kiểm toán của quốc hội Hàn Quốc hồi năm ngoái cảnh báo khả năng rò rỉ thông tin cá nhân của người Hàn Quốc sang Trung Quốc thông qua AliExpress và Temu.
Ngoài ra, Hàn Quốc dự kiến sửa đổi Đạo luật Thương mại điện tử để bắt buộc các nhà khai thác nền tảng trực tuyến lớn của nước ngoài phải thành lập văn phòng địa phương tại Hàn Quốc.
Alibaba có kế hoạch đầu tư 1,1 tỉ đô la Mỹ trong 3 năm tới để xây dựng mạng lưới hậu cần tại Hàn Quốc nhằm rút ngắn thời gian giao hàng. Alibaba cũng công bố một loạt biện pháp bảo vệ người tiêu dùng ở nước này, gồm thiết lập một tổng đài phụ trách khách hàng. AliExpress cho biết sẽ chi 10 tỉ won trong ba năm để sàng lọc hàng giả bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc vẫn chỉ tin tưởng một số mặt hàng trên các nền tảng của Trung Quốc.
“Tôi sẽ không bao giờ sử dụng nền tảng của Trung Quốc mua các sản phẩm để ăn hoặc bôi lên cơ thể vì lo ngại về sức khỏe”, YS Chung, một sinh viên đại học 23 tuổi sử dụng AliExpress để mua các linh kiện điện tử cấp thấp như ốp điện thoại thông minh, bộ sạc và dây cáp điện chia sẻ.
Các quy định chống độc quyền mới của Hàn Quốc được thiết kế để cải thiện tính cạnh tranh. Nhưng chúng đang tạo ra mối lo ngại đối với một số nền tảng của Hàn Quốc vì những công ty lớn nhất thị trường sẽ bị nhắm tới, tạo điều kiện cho các đối thủ Trung Quốc mở rộng thị phần.
Sunny Moon, giám đốc nghiên cứu của Euromonitor International, nhận định sẽ mất nhiều thời gian để các nền tảng Trung Quốc tăng thị phần ở phân khúc cao cấp hơn trên thị trường mua sắm trực tuyến..
“Các công ty Trung Quốc đang hy sinh lợi nhuận để xây dựng nền tảng người dùng ở Hàn Quốc. Nhưng liệu họ có thể duy trì mô hình kinh doanh như vậy trong bao lâu?”, bà nói.
Bà cho biết thêm, nếu Alibaba chuyển sang thị trường bán buôn ở Hàn Quốc, điều đó sẽ giáng một đòn mạnh vào nhiều thương nhân nhỏ Hàn Quốc, những người đặt sản xuất gia công sản phẩm giá rẻ ở Trung Quốc và bán lại chúng trên các chợ trực tuyến của Hàn Quốc.
Theo Financial Times, Korea Times