Thứ hai, 6/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hàng hóa bị mắc kẹt, doanh nghiệp thiếu tiền mặt

Ngọc Thạnh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chậm trễ trong khâu vận chuyển đang khiến hàng tỉ đô la hàng hóa mắc kẹt trong chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, khiến các công ty rơi vào tình trạng khủng hoảng tiền mặt.

Tàu container tại cảng Savannah ở Georgia. Thời gian vận chuyển một container từ Trung Quốc đến các điểm đến của Mỹ kéo dài do độ tin cậy về lịch trình của các hãng tàu giảm sút.Ảnh: JEREMY POLSTON/GEORGIA PORTS AUTHORITY

Sự kết hợp của các đơn hàng lớn và chậm trễ kéo dài trong quá trình vận chuyển, nguồn tiền mặt bị thắt chặt đang gây căng thẳng tài chính cho một loạt công ty khi họ tìm cách trang trải chi phí cho hàng hóa đang chờ giao.

Hàng tỉ đô la hàng tồn kho đang trên các con tàu nằm chờ tại các cảng biển và phải mất nhiều thời gian hơn để đến các nhà máy và cửa hàng do tắc nghẽn tại các cảng và mạng lưới phân phối nội địa làm chậm dòng hàng hóa. Các chuyên gia hậu cần cho rằng điều đó đang thúc đẩy người mua và nhà cung cấp kéo dài thời hạn thanh toán và có được nguồn tài chính mới nhằm hỗ trợ chi phí bảo toàn hàng tồn kho.

Rắc rối tiền mặt đặc biệt nghiêm trọng đối với các công ty nhỏ.

Sanne Manders, Giám đốc điều hành của Công ty giao nhận hàng hóa Flexport Inc. cho biết: “Nhu cầu tiền mặt của nhiều doanh nghiệp tăng vọt vì thời gian vận chuyển đã tăng gấp ba lần, điều đó có nghĩa là họ cần lượng vốn lưu động nhiều gấp ba”.

Mức tồn kho của các công ty Mỹ đã sụt giảm nghiêm trọng kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid 19 vào đầu năm 2020, nhưng chi phí lưu trữ hàng tồn kho đã tăng mạnh do hàng hóa mắc kẹt trong chuỗi cung ứng lâu hơn dự đoán.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, vào tháng 6-2020, giá trị hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm. Kể từ đó, mức tồn kho đã phục hồi nhưng tổng số 642,8 tỉ đô la hàng tồn kho mà các doanh nghiệp bán lẻ Mỹ nắm giữ vào tháng 12-2021 vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu vẫn ở gần mức thấp nhất trong 30 năm trở lại đây.

Chỉ số đo lường chi phí hàng tồn kho trong Chỉ số Quản lý hậu cần, một đánh giá hàng tháng do Đại học Bang Arizona phối hợp với các chương trình chuỗi cung ứng của các trường đại học khác phát hành, đã tăng mạnh kể từ năm 2020, đạt mức cao nhất 89,4 vào tháng 6-2021, cao hơn gần 26 điểm so với tháng 6 năm trước đó. Chỉ số chi phí hàng tồn kho tháng 12-2021 là 84 so với 63,4 vào tháng 12-2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 giáng đòn mạnh lên chuỗi cung ứng.

Chi phí hàng tồn kho ngày càng tăng do sự chậm trễ vận chuyển khiến hàng hóa bị lưu giữ lâu hơn.

Theo nhà cung cấp dữ liệu ngành hàng hải Sea-Intelligence, tỷ lệ tàu container đến đúng lịch của năm 2021 đã giảm còn 35,8% từ mức 78% vào năm 2019.

Trong báo cáo Chỉ số Tàu đến đúng lịch trên Đại dương mới đây, Flexport cho biết phải mất trung bình 109 ngày để giao một container từ Trung Quốc đến điểm đến cuối cùng ở Mỹ, tăng từ 40-60 ngày trước đại dịch.

Nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng thương mại có trụ sở tại Minneapolis Bancorp là U.S. Bancorp cho biết, hoạt động kinh doanh hỗ trợ tài chính cho chuỗi cung ứng, trong đó ngân hàng thanh toán sớm các khoản tiền chiết khấu cho nhà cung cấp trong khi cho người mua thêm thời gian thanh toán, cũng tăng gấp đôi số dư trong năm qua, một phần do người mua tích trữ hàng hóa và kéo dài thời hạn thanh toán.

Một nhân viên vận hành xe nâng tại trung tâm phân phối Home Depot ở Stonecrest, bang Georgia vào tháng 11-2021. Ảnh: ELIJAH NOUVELAGE / BLOOMBERG NEWS

Chris Caplice, giám đốc điều hành của Trung tâm Vận tải và Hậu cần thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết nhiều chủ hàng muốn kiểm soát hàng tồn kho nhiều nhất có thể nhằm theo dõi hàng hóa, chọn hãng vận chuyển và kết hợp các lô hàng vào một container. Ông nói, giờ đây việc kiểm soát đang ngày càng trở nên đắt đỏ hơn khi các công ty “gánh chịu tất cả chi phí hàng tồn kho trong khi hàng đang trên tàu”.

Rắc rối tiền mặt đặc biệt nghiêm trọng đối với các công ty nhỏ.

Theo công ty phân tích sức khỏe tài chính của doanh nghiệp RapidRatings International Inc., riêng đối với các công ty có doanh thu từ 10-50 triệu đô la, hàng tồn kho trung bình tăng từ 64 ngày vào cuối năm 2019 lên 103 ngày trong quí 2-2021. Còn các công ty với doanh thu trên 100 triệu đô la đã giữ hàng tồn kho trong 81 ngày trong quí 2-2021, ngang bằng với cuối năm 2019.

Tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn (hệ số khả năng thanh toán tức thời) - thước đo khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn của các công ty - trung bình đã giảm đối với các công ty nhỏ kể từ khi phục hồi sau đợt đại dịch ban đầu, một phần từ việc mua số lượng lớn hàng dự trữ.

(Theo The Wall Street Journal)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới