(KTSG Online) - Giá hàng hóa nguyên liệu thô bao gồm dầu khí, kim loại cơ bản cho đến các sản phẩm nông nghiệp giảm mạnh trong những tuần gần đây.
Nhu cầu ảm đạm của Trung Quốc cùng sự cải thiện nguồn cung khiến nhà đầu tư tăng tốc “thoát hàng”. Diễn biến này đang hỗ trợ cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu.
- Giá nguyên liệu thô toàn cầu tăng nhanh, nguy cơ lạm phát 'tăng nhiệt'
- Giới buôn hàng hóa lãi hơn 100 tỉ đô la trong năm thứ hai liên tiếp
Hàng hóa giảm giá đồng loạt
Chỉ số hàng hóa giao ngay Bloomberg, theo dõi một loạt hàng hóa trong lĩnh vực năng lượng, kim loại và lương thực, giảm gần 6% trong tháng 7, đánh dấu tháng giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 5-2023. Chỉ số này đã giảm hơn 10% so với mức đỉnh vào giữa tháng 5-2024.
Giá đồng tương lai trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm hơn 6% trong tháng 7, xuống dưới 9.000 đô la Mỹ/tấn sau khi đạt mức cao kỷ lục trên 11.000 đô la hồi tháng 5. Trong cùng tháng, giá dầu Brent giảm 8% và giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ giảm hơn 20%.
Trên thị trường nông nghiệp, giá bắp, lúa mì và đậu nành tương lai đều giảm trong tháng trước. Đáng chú ý là giá bắp giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2020.
Một số mặt hàng quan trọng, không nằm trong Chỉ số hàng hóa giao ngay của Bloomberg, cũng chịu áp lực. Trong đó, giá quặng sắt kỳ hạn ở Sàn giao dịch Singapore giảm xuống dưới 100 đô la Mỹ/tấn.
Trong tháng 7, giá quặng sắt giao tháng Chín trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc) giảm 7%, xuống còn 779 nhân dân tệ (107,45 đô la)/ tấn. Giá quặng sắt giảm do các nhà máy Trung Quốc sản xuất ít thép hơn trong khi các công ty khai mỏ sản xuất được nhiều quặng sắt hơn.
Đà giảm giá nguyên liệu thô sẽ giúp củng cố đà giảm tốc độ lạm phát vào thời điểm các ngân hàng trung ương bao gồm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc hạ lãi suất. Tuy nhiên, đây sẽ là một thách thức đối với các nhà sản xuất, chẳng hạn như các thành viên của nhóm sản xuất dầu thô OPEC+. Các tập đoàn khai khoáng và kinh doanh hàng hóa cũng có thể đối mặt áp lực.
Trong các cổ phiếu liên quan đến hàng hóa, cổ phiếu niêm yết tại Úc của BHP Group, công ty khai mỏ nhất thế giới, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ năm 2022 vào đầu tháng này.
Hôm 31-7, Rio Tinto, công ty khai mỏ lớn thứ hai thế giới, nhấn mạnh mức độ suy thoái trầm trọng của thị trường bất động sản Trung Quốc khi cho biết nhu cầu thép trong lĩnh vực đó giảm tới 30% so với mức đỉnh điểm vào năm 2020.
Peter Cunningham, Giám đốc tài chính của Rio Tinto cho biết, trong nửa đầu năm, giá của quặng sắt, nhôm và đồng sau điều chỉnh theo lạm phát giảm về dưới mức trung bình của 10 năm qua.
Tuy nhiên, không phải mọi hàng hóa đều. Vàng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Chỉ số hàng hóa giao ngay Bloomberg, tăng hơn 2% trong tháng 7. Triển vọng giảm lãi suất của Fed đang hỗ trợ thị trường vàng.
Nhu cầu yếu của Trung Quốc gây áp lực bán
“Các nhà đầu cơ không còn hào hứng với hàng hóa nguyên liệu thô”, Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của ngân hàng ING bình luận và cho biết thêm tăng trưởng suy yếu của Trung Quốc đang gây áp lực lên nhu cầu.
Patterson nhận định, triển vọng nhu cầu yếu kém của Trung Quốc sẽ chi phối thị trường dầu mỏ. Trong khi đó, với dự trữ trong nước dồi dào, Trung Quốc gần đây xuất khẩu khối lượng đồng lớn ra thị trường toàn cầu.
Dữ liệu của ngân hàng JPMorgan cho thấy, tính đến cuối tháng 7, các quỹ phòng hộ và nhà đầu cơ khác cắt giảm 31% (tương đương 41 tỉ đô la Mỹ) vị thế mua ròng hàng hóa nguyên liệu thô, từ mức đỉnh 132 tỉ đô la vào cuối tháng 5.
Hành động “thoát hàng” này khiến các kim loại cơ bản giảm giá mạnh. Bên cạnh đồng và quặng sắt, các kim loại khác như nhôm, quặng sắt, chì, thiếc cũng bị bán tháo. Trong phiên giao giao dịch hôm 30-7, giá nhôm kỳ hạn trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) chạm mức thấp nhất chạm mức thấp nhất là 2.209,5 đô la /tấn.
Tracey Allen, nhà chiến lược hàng hóa của JPMorgan cho biết, áp lực bán đồng và kim loại cơ bản của nhà đầu tư là rất do nhu cầu suy yếu và thiếu vắng chính sách hỗ trợ đáng chú ý ở Trung Quốc.
Đợt bán tháo trên diện rộng đánh dấu sự đảo chiều mạnh mẽ so với chỉ hơn hai tháng trước khi một số mặt hàng, bao gồm đồng, đạt mức giá cao kỷ lục.
Với rủi ro xung đột rộng lan rộng ở Trung Đông sau vụ ám sát một nhà lãnh đạo chính trị của tổ chức vũ trang Hồi giáo Hamas tại Iran, giá hàng hóa phục hồi hôm 31-7, với giá đồng tăng 2,8% lên 9.225 đô la Mỹ /tấn. Tuy nhiên, giá kim loại này quay đầu giảm hôm 1-8 khi thị trường đón nhận dữ liệu kinh tế gây thất vọng của Trung Quốc.
Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong ngành sản xuất, giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7.
“Tâm lý thị trường đối với hàng hóa thực sự tồi tệ. Triển vọng chắc chắn yếu trong vài tháng tới khi hy vọng đặt vào Trung Quốc bắt đầu giảm hoàn toàn”, Sabrin Chowdhury, người đứng đầu bộ phận phân tích hàng hóa của BMI, một công ty dữ liệu hàng hóa thuộc Fitch Group bình luận.
Tăng trưởng kinh tế chậm và mùa thu hoạch bội thu ở Trung Quốc cùng với nguồn cung ngũ cốc toàn cầu tăng cao đang làm dấy lên lo ngại nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với mặt hàng như lúa mì và bắp sẽ suy yếu. Nhập khẩu ròng đối với đồng của Trung Quốc rơi xuống ở mức thấp nhất 13 trong vào tháng 6, một phần do nước này xuất khẩu kỷ lục 157.000 tấn đồng khi thị trường dư cung.
Theo Zhang Jiefu, nhà phân tích cấp cao của Zhengxin Futures, kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu đồng của Trung Quốc trong nửa đầu năm là quá lạc quan và đã “tan vỡ”.
“Theo logic thực tế này, giá của tất cả hàng hóa đều bị kéo xuống do nhu cầu yếu của Trung Quốc”, ông nói.
Theo Bloomberg, Financial Times