Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hãng kim cương nhân tạo lớn thứ hai của Mỹ phá sản

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - WD Lab Grown Diamonds (WD), nhà sản xuất kim cương nhân tạo lớn thứ hai của Mỹ, nộp đơn xin phá sản, trở thành "nạn nhân" lớn đầu tiên của ngành do tình trạng dư thừa nguồn cung và giá giảm mạnh.

Các viên kim cương nhân tạo của WD Lab Grown Diamonds được sản xuất trong phòng thí nghiệm dựa vào kỹ thuật lắng đọng hơi hóa học. Ảnh: WD Lab Grown Diamonds

Hôm 12-10, WD, có trụ sở tại Washington đã nộp đơn xin phá sản theo Chương 7 của Luật phá sản Mỹ tại tòa án phá sản ở bang Delaware. Điều này có nghĩa là công ty có ý định thanh lý tài sản. WD đang có tổng nợ phải trả là 44 triệu đô la Mỹ nhưng tổng tài sản chỉ là 3 triệu đô la.

Trong những năm gần đây, kim cương sản xuất trong phòng thí nghiệm đã gây mối đe dọa đáng kể cho lĩnh vực kim cương tự nhiên khi người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở Mỹ chọn mua đồ trang sức đính kim cương nhân tạo. Kim cương nhân tạo là loại có cấu trúc về mặt hóa học giống hệt với các kim đá quí được được đào lên từ lòng đất.

Theo Paul Zimnisky, nhà phân tích kim cương độc lập, thị phần của những viên đá quí nhân tạo trên thị trường kim cương toàn cầu đã tăng từ 3,5% vào năm 2018 lên mức dự kiến là 16,5%, tương đương 14,6 tỉ đô la vào năm 2023. Trong khi đó, doanh số bán kim cương tự nhiên tính bằng đô la không thay đổi kể từ năm 2015.

Giá của một viên kim cương tự nhiên 1 carat đã đánh bóng giảm hơn 1/4 kể từ mức đỉnh năm 2022 xuống còn 5.185 đô la, mức thấp nhất trong 8 năm khi thị trường kim cương tự nhiên đối mặt với một nguồn cạnh tranh mới.

Tuy nhiên, các công ty khai thác kim cương tự nhiện, bao gồm cả công ty dẫn đầu ngành De Beers, từ lâu cảnh báo rằng lĩnh vực kim cương nhân tạo sẽ sụp đổ do tình trạng sản xuất quá mức đẩy ngành này vào tình trạng thua lỗ do giá giảm sâu. Giá kim cương nhân tạo sản xuất phòng thí nghiệm tính trên mỗi carat giảm hơn ba lần trong bảy năm qua, khi nguồn cung tràn ngập thị trường.

Được thành lập vào năm 2008, WD là công ty đạt doanh thu đến 33 triệu đô la vào năm ngoái. Paul Zimnisky cho biết, WD từng là “người đại diện” cho ngành công nghiệp kim cương nhân tạo ở phương Tây. Cú sụp đổ của công ty cho thấy rất khó để cạnh tranh với các nhà sản xuất kim cương trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Sự sụp đổ của một nhà sản xuất kim cương nhân tạo lớn mang lại sự nhẹ nhõm cho các nhà khai thác kim cương tự nhiên. Trong những năm qua, những công ty này đã chịu áp lực lớn khi giá kim cương giảm do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu giữa lúc các đối thủ kim cương nhân tạo gia tăng chiếm thị phần.

De Beers đã tung ra dòng sản phẩm kim cương sản xuất phòng thí nghiệm với thương hiệu Lightbox. Tuy nhiên, tháng trước, công ty tuyên bố dừng bán nhẫn đính hôn đính kim cương nhân tạo do giá giảm. Trong khí đó, hãng xa xỉ phẩm LVMH (Pháp), chủ sờ hữu của hãng trang sức cấp cao Tiffany & Co., bắt đầu tung ra thị trường các sản phẩm đồng hồ và trang sức đính kim cương nhân tạo.

WD sử dụng một kỹ thuật gọi là lắng đọng hơi hóa học (CVD) để phun vật liệu bay hơi lên bề mặt, tạo ra những viên kim cương mà người tiêu dùng không thể phân biệt được với kim cương tự nhiên. Vào năm 2020, WD kiện các nhà sản xuất kim cương sản xuất trong phòng thí nghiệm khác, cáo buộc họ vi phạm bằng sáng chế của WD.

Diamond Foundry, một nhà sản xuất kim cương nhân tạo lớn khác ở Mỹ, đang tìm kiếm triển vọng tăng trưởng bên ngoài lĩnh vực trang sức. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Martin Roscheisen, CEO của Diamond Foundry, cho biết với chi phí sản xuất ngày càng giảm, công ty sẽ cung cấp tấm nền kim cương cho ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Zimnisky dự đoán, giá kim cương nhân tạo sẽ giảm tiếp giống như công nghệ đang phát triển khác như điện thoại di động và tivi màn hình phẳng. “Công nghệ này đang phát triển rất nhanh dẫn đến việc tạo ra nhiều viên kim cương lớn hơn, chất lượng cao hơn từ phòng thí nghiệm với chi phí sản xuất thấp hơn”, ông nói.

Song Roscheisen không đồng ý với nhận định này vì cho rằng sự phức tạp về công nghệ liên quan đến sản xuất những viên kim cương nhân tạo lớn cũng như nhu cầu thị trường sẽ giúp giá ổn định. “Chúng tôi đang bán kim cương nhân tạo với giá rất cạnh tranh và không có đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu”, ông nói.

Theo Financial Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới