Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hàng loạt nhà kinh doanh tiếp tục đối mặt cơn suy giảm sâu

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong quí 2 vừa qua, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi so với quí trước đó. Điều này dẫn đến tình trạng màu xám tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong bức tranh hoạt động của các doanh nghiệp qua nửa đầu năm.

Mùa báo cáo tài chính quí 2 và 6 tháng đầu năm nay của doanh nghiệp đang dần hé lộ cho thấy các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như dệt may, sắt thép, da giày, đồ gỗ, bán lẻ sản phẩm công nghệ... cho kết quả sụt giảm sâu.

Doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực có kết quả kinh doanh sụt giảm nhiều sau khi chặng đường nửa thời gian 2023 đã đi qua, trong đó đáng chú ý là doanh nghiệp sắt thép giảm sâu. Ảnh minh họa: TTXVN

Dệt may tiếp tục ảm đạm do thiếu đơn hàng

Trong bối cảnh thiếu đơn hàng sản xuất, giá bán thấp dẫn đến hoạt động kinh doanh cũng như lợi nhuận quí 2 vừa qua và 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đầu ngành dệt may như Dệt may Thành Công (TCM), Sợi Thế Kỷ (STK), TNG, HTG,... đều sụt giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, lạm phát cao, người dân khắp nơi thắt chặt chi tiêu khiến đơn hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU... giảm sâu. Điều này khiến doanh nghiệp dệt may bị ảnh hưởng nặng nề, ngay cả những doanh nghiệp quy mô lớn.

Công ty cổ phần Dệt may- Đầu tư- Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) gần đây công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay với doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm.

Cụ thể kết quả kinh doanh của TCM trong quí 2 vừa qua với khoản doanh thu thuần đạt 714,4 tỉ đồng, thấp hơn 32% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính tăng 42% lên 17,8 tỉ đồng.

Kết quả là lợi nhuận sau thuế của TCM sụt giảm còn hơn 2,2 tỉ đồng, giảm tới 95,8% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận kể từ quí 3/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, TCM ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.591 tỉ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 57,2 tỉ đồng, giảm 55,5% so với cùng kỳ. Với kết quả này, TCM chỉ mới thực hiện được 39,7% kế hoạch doanh thu và 42,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Thiếu đơn hàng cũng là nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) sụt giảm trong quí vừa qua. Cụ thể doanh thu của Sợi Thế Kỷ trong quí 2 giảm 23% so với cùng kỳ, xuống 407 tỉ đồng. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm tới 43%, còn 60 tỉ đồng. Qua đó, kéo theo biên lãi gộp giảm từ mức 20% của cùng kỳ xuống còn 15% trong quý này.

Sau khi trừ chi phí, Sợi Thế Kỷ ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 36 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế  đạt 37,5 tỉ đồng, giảm lần lượt 52,7% và 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình của Sợi Thế Kỷ, doanh số và giá bán bình quân trong quí 2 vừa qua thấp hơn cùng kỳ là do khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng. Mặc dù chi phí tài chính và thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn không cải thiện được chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế của công ty.

Lũy kế nửa đầu năm nay, doanh thu của công ty đạt hơn 695 tỉ đồng, giảm 40,6% so với 6 tháng đầu năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 39,1 tỉ đồng, tương ứng giảm 73,5%. Do đó, đã trải qua nửa thời gian của năm, công ty chỉ mới thực hiện được 32,3% kế hoạch doanh thu và 15,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Doanh nghiệp dệt may cũng trải qua 6 tháng kinh doanh tồi tệ khi mà đơn hàng sản xuất bị sụt giảm sâu. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) dù ghi nhận doanh thu thuần quí 2 tăng 1% so với cùng kỳ, lên hơn 1.995 tỉ đồng. Nhưng giá vốn tăng mạnh hơn, kéo lãi gộp giảm 24% còn 238 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 16% xuống 12%.

Kết quả, Lợi nhuận sau thuế của công ty giảm gần 37% so với cùng kỳ, đạt 55 tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do đơn giá giảm so với cùng kỳ, nhưng chi phí trả cho người lao động và chi phí sản xuất không giảm.

Tính chung nửa đầu năm, TNG đạt doanh thu gần 3.334 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, song lãi sau thuế giảm 21%, còn gần 99 tỉ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, công ty thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và 33% mục tiêu lợi nhuận năm.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (GMC) quí vừa qua chỉ ghi nhận doanh thu thuần hơn 100 triệu đồng, giảm tới 99,92% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, Garmex Sài Gòn lỗ sau thuế 12,5 tỉ đồng, kéo dài chuỗi 4 quí lỗ liên tiếp. Tính chung lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm của GMC hơn 33 tỉ đồng.

Hàng loạt công ty khác cũng liên tục bị sụt giảm mạnh đơn hàng buộc phải cắt giảm lao động, hoặc thậm chí không có đơn hàng nên phải tạm thời đóng cửa.

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 18,6 tỉ đô la Mỹ, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,7 tỉ đô la, giảm 21%.

Nửa đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, lạm phát cao khiến đơn hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản đều giảm sâu.

Tình hình tại các doanh nghiệp dệt may vẫn đang rất căng thẳng và chưa có tín hiệu rõ nét về sự hồi phục của đơn hàng. Đáng chú ý, bên cạnh việc thiếu đơn hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh của mình, các doanh nghiệp còn đang phải đối mặt với khó khăn do đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với bình thường khiến tình hình rất nan giải.

Kinh doanh thiết bị công nghệ đối mặt hàng loạt khó khăn

Nhiều báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường dự báo 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức với ngành hàng bán lẻ ICT.

Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) gần đây công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, với doanh thu lũy kế đạt 56.570 tỉ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, và đạt được 42% kế hoạch doanh thu năm.

Dù không công bố lợi nhuận, nhưng tình hình kinh doanh của Thế Giới Di Động trong nửa thời gian năm 2023 phần nào đã phản ánh bức tranh của ngành bán lẻ công nghệ tại Việt Nam khi đối mặt với lạm phát và sức mua sụt giảm.

Trong đó, dẫn dắt doanh thu của Thế Giới Di Động vẫn là hai chuỗi Điện Máy Xanh và thegioididong.com, đóng góp hơn 41.500 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm vào doanh thu của toàn công ty, giảm khoảng 27% so với cùng kỳ. Riêng Bách Hóa Xanh, 6 tháng đầu năm đạt doanh thu 13.600 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy doanh thu sụt giảm chủ yếu do mảng điện máy, điện thoại.

Doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm công nghệ cũng đã trải qua những tháng kinh doanh khó khăn. Ảnh minh họa: T.L

Còn Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán: FRT) cũng đã công bố kết quả kinh doanh quí 2/2023 cũng ghi nhận doanh thu thuần của công ty mẹ là 3.605 tỉ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ, lỗ sau thuế công ty mẹ 252 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 47,5 tỉ đồng.

Theo giải trình từ phía FPT Retail, nguyên nhân doanh thu sụt giảm là do cầu hàng hóa tiếp tục giảm mạnh khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt với những mặt hàng giá trị cao, không thiết yếu vì điều kiện vĩ mô không thuận lợi: xuất nhập khẩu giảm, thu nhập giảm, thất nghiệp tăng,...

Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong ngành bán lẻ điện tử tiếp tục diễn ra mạnh mẽ khi các nhà bán lẻ cạnh tranh giá bán để giành thị phần.

Xét trên góc độ hợp nhất, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quí 2/2023 đạt 7.170 tỉ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 14,8% lên 1.084 tỉ đồng, biên lợi nhuận ở mức 15%.

Tuy nhiên, trong quí 2 lại ghi nhận các chi phí tăng mạnh như chi phí lãi vay tăng 48,5% lên 73 tỉ đồng, chi phí bán hàng tăng 24,2% lên 963 tỉ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 167% lên 256 tỉ đồng.

Kết quả, FPT Retail lỗ sau thuế hợp nhất 215 tỉ đồng trong quí 2/2023. Riêng lỗ ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 218,6 tỉ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất là 14.924 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, lỗ sau thuế 213 tỉ đồng.

Tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết trong lĩnh vực công nghiệp ICT, số doanh nghiệp công nghệ số cả nước đến nay đạt khoảng 72.000 doanh nghiệp, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022. Dù vậy, doanh thu trong 6 tháng đầu năm của lĩnh vực đạt hơn 1,44 triệu tỉ đồng, giảm 10,35% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 38,87% kế hoạch năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 51,51 tỉ đô la, giảm 9,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 37,88% kế hoạch năm 2023. Nguyên nhân sụt giảm doanh thu do suy thoái kinh tế ở nhiều nước, thị trường tiêu dùng công nghệ thông tin giảm sút, khả năng tăng trưởng thấp, tác động trực tiếp đến nhu cầu thị trường dịch vụ công nghệ thông tin.

Ngành thép có dấu hiệu phục hồi nhẹ, nhưng...

Bức tranh tài chính kinh doanh quí 2/2023 của doanh nghiệp thép cũng dần được công bố, với ngành thép đang cho thấy tình hình bán hàng trong quí 2 vừa qua có phần cải thiện nhẹ nhưng tình hình chung doanh nghiệp tiếp tục bị sụt giảm nhiều, dẫn đến thua lỗ.

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TIS) ghi nhận quí 2 lỗ với doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm từ 3.187 tỉ đồng năm ngoái xuống còn 1.946 tỉ đồng.

Kinh doanh dưới giá vốn khiến Gang thép Thái Nguyên báo lỗ gộp 24 tỉ đồng. Chi phí tài chính chủ yếu là chi phí lãi vay tăng mạnh; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp đôi, dẫn đến lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 114 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 16,8 tỉ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh, TIS báo lỗ 98 tỉ đồng sau thuế. Đây là quí thứ 4 liên tiếp Gang thép Thái Nguyên báo lỗ; đồng thời là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử của công ty này.

Lý giải nguyên nhân thua lỗ, theo doanh nghiệp do quí 2/2023, thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán giảm trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào cao. Sản lượng tiêu thụ thép cán giảm 42.708 tấn tương ứng giảm 24,5% so với cùng kỳ. Giá thép bình quân giảm mạnh 15,3% trong khi đó giá vốn giảm thấp hơn 12,9%. Chi phí quản lý tăng chủ yếu do hoàn nhập dự phòng tiền lương. Lỗ hoạt động tài chính do tăng chi phí lãi vay và trích lập dự phòng đầu tư dài hạn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của TIS giảm từ 6.920 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống còn 4.360 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp do đó giảm còn 31,6 tỉ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh chủ yếu là chi phí lãi vay dẫn đến Gang thép Thái Nguyên báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 133 tỉ đồng trong khi năm ngoái vẫn có lãi 58 tỉ đồng. Sau khi trừ chi phí phát sinh, lỗ sau thuế 6 tháng qua của TIS là 117 tỉ đồng.

Tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sắt thép đang có chiều hướng phục hồi nhẹ nhưng kết quả kinh doanh vẫn giảm nhiều. Ảnh minh họa: TL

Trong khi đó Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) vừa thông tin kết quả kinh doanh sơ bộ quí 2-2023 cho thấy doanh thu tiếp tục đi xuống với lợi nhuận sau thuế giảm mạnh. Trong kỳ này, HPG đạt doanh thu 29.800 tỉ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế 1.448 tỉ đồng, giảm 64%.

Dù đi xuống so với cùng kỳ năm 2022, song lợi nhuận trong quí 2 năm nay của HPG vẫn gấp 3,7 lần so với kết quả quí liền trước. Từ mức lãi 10.351 tỉ đồng đạt được trong quí 3-2021, kết quả kinh doanh của HPG dần đi xuống khi nhu cầu thị trường thép lao dốc. Tới quí 3 và 4-2022, lỗ lần lượt 1.786 tỉ và gần 2.000 tỉ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, HPG ghi nhận 56.665 tỉ đồng doanh thu, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 1.830 tỉ đồng, giảm 85%.

Như vậy, sau nửa năm HPG mới chỉ hoàn thành 23% về lợi nhuận, 37% về doanh thu của mục tiêu đặt ra năm 2023.

Trước đó, Công ty cổ phần Thép Mê Lin (MEL) là doanh nghiệp ngành thép đầu tiên báo cáo kết quả kinh doanh quí 2/2023 với lợi nhuận sau thuế quí 1/2023 vỏn vẹn 1 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu năm tới nay, lợi nhuận của Thép Mê Lin đạt 3 tỉ đồng, giảm 75% so với năm ngoái.

Còn với HSG, ước tính lợi nhuận trong quí 2/2023 của HSG có thể giảm hơn 10% so với cùng kỳ do giá thép trong khu vực giảm. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là sản lượng tiêu thụ có dấu hiệu phục hồi nhờ kênh xuất khẩu.

Trong báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2023 phát hành ngày 5-7, VNDirect nhận định, vẫn còn quá sớm để khẳng định nhu cầu thép đã phục hồi, tuy nhiên một số tín hiệu tích cực đã xuất hiện như nhiều dự án bất động sản quy mô lớn đã được khởi công trở lại;... điều này đồng nghĩa với việc công ty đang kỳ vọng nhu cầu thép hồi phục trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác cũng có kết quả kinh doanh sụt giảm do ảnh hưởng tình hình chung của nền kinh tế thể giới, lạm phát tăng cao cho thấy các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Trong khi đó, tình hình tại các doanh nghiệp sản xuất vẫn đang rất căng thẳng và chưa có tín hiệu rõ nét về sự hồi phục của đơn hàng, sản xuất, kinh doanh. Có doanh nghiệp đã buộc phải rời khỏi thị trường sau thời gian dài gồng mình bám trụ.

Trên thực tế theo số liệu của Tổng cục Thống kê, do hoạt động kinh doanh khó khăn và không thể cầm cự mà trong 7 tháng năm 2023, cả nước có 113.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính bình quân mỗi tháng có 16.200 doanh nghiệp đóng cửa.

Cụ thể cả nước có 66.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 36.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới