Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hàng loạt nhiệm vụ để liên kết Vùng đồng bằng sông Hồng

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Không phân mảnh, không chia cắt, phát huy sức mạnh tổng hợp để tăng cường liên kết Vùng đồng bằng sông Hồng, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương, góp phần phát triển vùng, phát triển đất nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương tại hội nghị Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng - Ảnh: Baochinhphu.vn

Baochinhphu.vn đưa tin, ngày 20-7, tại hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đổi mới cơ chế điều phối, thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng-an ninh là những bước cụ thể triển khai Nghị quyết số 30-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phân tích thêm về vị trí, vai trò, tiềm năng của vùng, Thủ tướng nêu rõ, vùng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chiếm 6,42% diện tích cả nước; có trình độ phát triển kinh tế thứ hai trên cả nước sau vùng Đông Nam bộ. Giai đoạn 2005-2020, tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 7,94%/năm; năm 2020, chiếm 29,4% GRDP cả nước, thu nhập bình quân gấp 1,3 lần bình quân cả nước, tỉ lệ đô thị hóa trên 41%, trên 99% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Vùng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc; là vùng đất rất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển. Trong đó Thủ đô Hà Nội là hạt nhân phát triển vùng; trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, kinh tế-xã hội vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động. Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỉ lệ thấp. Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước ở một số địa phương chưa bền vững; kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu.

Hạ tầng giao thông thiếu kết nối. Hạ tầng du lịch còn yếu. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp; chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung…

Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng vì thế có nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong liên kết, kết nối vùng. Tuy nhiên các tỉnh, thành phố cũng cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại.

TTXVN đưa tin, tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh 6 nội dung quan trọng về liên kết, kết nối vùng, trước hết là trong việc thúc đẩy 3 đột phá chiến lược: Kết nối hạ tầng giao thông, nhất là tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng, tuyến đường ven biển từ Thanh Hóa ra Quảng Ninh; kết nối hạ tầng kỹ thuật về điện, nước, viễn thông.

Kết nối phát triển, đào tạo và sử dụng nhân lực; Kết nối xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi, đặc thù, vượt trội cho vùng; Liên kết phát triển hạ tầng xã hội, nhất là nhà ở; y tế, giáo dục, văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Về tài chính, cần sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho vùng và tạo liên kết, phát huy vai trò nguồn vốn của các địa phương theo tinh thần Nghị quyết 30 là cho phép ngân sách địa phương đầu tư các dự án vùng và liên kết vùng. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết, hợp tác công tư theo Luật PPP và liên kết thu hút đầu tư FDI, sử dụng nguồn vốn ODA.

Tinh thần là không phân mảnh, không chia cắt. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các địa phương trong vùng. Thủ tướng nhấn mạnh.

Vùng đồng bằng sông Hồng - Ảnh minh họa: TL

Thủ tướng cũng chỉ rõ 11 nhiệm vụ cụ thể trong triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Trong đó, các bộ, địa phương khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ điều phối cấp bộ, cấp tỉnh tinh gọn và giao việc cụ thể, bảo đảm bắt tay ngay vào các nhiệm vụ liên quan đến điều phối và liên kết vùng. Đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch vùng và các tỉnh, thành phố trong quí 3-2023, riêng Hà Nội trong quí 4-2024.

Về cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi, vượt trội cho Vùng đồng bằng sông Hồng và xây dựng Luật Thủ đô, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các cơ chế, chính sách đổi mới nhằm phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách về điều phối, phát triển liên kết vùng. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.

Khẩn trương chuẩn bị các công việc, thủ tục để triển khai các dự án cụ thể, trong đó có dự án cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng; nghiên cứu phát hành trái phiếu trong nước hoặc vay vốn ODA với cơ chế đột phá để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, đường sắt kết nối Hà Nội với Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hòa Lạc… Nghiên cứu thành lập hình thành quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Về nghiên cứu triển khai các dự án liên kết vùng trong bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, trong bối cảnh nhiều nước có các phản ứng, chính sách mới về biến đổi khí hậu; Vùng đồng bằng sông Hồng cần tiên phong trong vấn đề này. Bộ Công Thương tham mưu, phối hợp với các địa phương tăng cường liên kết trong phát triển các khu công nghiệp, khu thương mại, bảo đảm không lãng phí nguồn lực.

Về liên kết trong hình thành, phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thành việc chuyển giao quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội trong tháng 8-2023, phát huy vai trò của Khu công nghệ cao Hòa Lạc với cả vùng.

Đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, đa dang hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, tổ chức các hội thảo khoa học, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; liên kết trong cơ chế ứng phó thiên tai, sự cố, biến đổi khí hậu.

1 BÌNH LUẬN

  1. Có nhiều vấn đề trong việc liên kết vùng kinh tế, tôi có thể chỉ ra chỉ 1 vấn đề là thị trường tài chính, việc huy động vốn tại các địa phương nghèo khó như Tây Bắc, mặt khác hệ thống tài chính tạo tiền và tài trợ những dự án tại các trung tâm như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng dẫn tới việc thiếu hụt vốn để phát triển địa phương; chưa kể việc rót vốn vào phần lớn các dự án bất động sản đẩy giá tài sản gia tăng, khi sụp đổ thị trường bđs khiến giá trị các khoản nợ tại ngân hàng giảm giá, nguy hại tới thị trường tài chính, NHTW không còn được độc lập trong CSTT.

    Trong khi khu vực Tây Bắc không đảm bảo cân đối thu chi, năm tài chính 2020 tỉnh Sơn La chỉ thu thuế được khoảng 6-7 ngàn tỷ đồng, vốn chủ yếu từ Trung ương về để phát triển cơ sở hạ tầng, chi phí cho bộ máy hành chính nhà nước,… trong khi lẽ ra việc tự phát triển địa phương hoàn toàn có thể đạt được, vốn từ TW nên dành cho việc phát triển cơ sở hạ tầng liên kết các tỉnh – đường cao tốc Mộc Châu – Hòa Bình, đặc biệt cần xây đường sắt cho khu vực này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới