Thứ ba, 19/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hàng loạt startup non trẻ của Mỹ đóng cửa giữa cơn ‘hạn hán’ nguồn vốn

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các công ty khởi nghiệp (startup) non trẻ ở Mỹ đang “chết héo” giữa cơn “hạn hán” nguồn vốn. Nhiều startup buộc phải đóng cửa và bán tài sản do giới đầu tư trở nên chọn lọc hơn, đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn khi quyết định xuống tiền. Sự thay đổi chiến lược của họ đe dọa hàng trăm startup đang cần được bơm thêm tiền để duy trì hoạt động.

Nguồn vốn đầu tư trên thị trường khởi nghiệp của Mỹ ngày càng eo hẹp và chọn lọc do lãi suất tăng. Ảnh: WSJ

Một năm rưỡi trước, Matt Redler ký một thỏa thuận huy động 20 triệu đô la cho startup thanh toán Panther ở bang Florida do anh sáng lập. Lúc đó, Redler có kế hoạch đầy tham vọng để thu hút những khách hàng lớn hơn và tăng gấp đôi doanh thu.

Song giờ đây, anh cho biết, các nhà đầu tư đã rút lui sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine làm chao đảo thị trường tài chính. Redler đã chuyển sang mô hình kinh doanh khác, giúp các công ty thuê lao động ngắn hạn thay vì toàn thời gian để tiết kiệm tiền mặt. Anh đã dành cả năm tiếp theo để thuyết phục hơn 50 nhà đầu tư nhưng không nhận được bất kỳ kỳ cam kết lớn nào. Hồi tháng 6, anh ấy quyết định đóng cửa Panther, ngăn chặn nguy cơ phá sản.

Các startup non trẻ của Mỹ đang chết dần chết mòn trong cơn “hạn hán” lịch sử về nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Tình cảnh này cho thấy Thung lũng công nghệ Silicon đang chịu tổn thương như thế nào ngay cả khi cổ phiếu công nghệ phục hồi và các nhà đầu tư chạy đua rót tiền vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

Đóng cửa vì hết tiền

Từ lâu, sự thật là hầu hết các startup đều không phát triển đến giai đoạn trưởng thành. Nhưng trong thập niên qua, trong bối cảnh thừa vốn và lãi suất thấp, họ thường có thể dựa vào các vòng gọi mới mới để tiếp tục thực hiện ý tưởng kinh doanh.

Giờ đây, các startup được thành lập trong thời kỳ bùng nổ khởi nghiệp gần đây nhận ra một thực tế chua chát rằng, họ không thể duy trì hoạt động khi giới đầu tư

hạn chế chi tiêu.

“Không ai muốn tài trợ cho các startup phát triển chậm chạp. Trong 12 tháng tới, chúng ta sẽ thấy nhiều startup phá sản hơn nữa”, Jenny Fielding, đối tác quản lý của quỹ mạo hiểm Everywhere Ventures, nhận định.

Các nhà đầu tư mạo hiểm đang tránh tài trợ cho các doanh nghiệp thiếu dấu hiệu rõ ràng về tăng trưởng doanh thu hoặc con đường dẫn đến lợi nhuận.  Tiêu chuẩn cao hơn của họ dẫn đến nguồn tài trợ giảm mạnh. Đầu tư vào các startup công nghệ của Mỹ giảm 49% trong năm kết thúc vào ngày 30-6, theo dữ liệu của PitchBook.

Dữ liệu cho thấy, trong quí 2, các nhà đầu tư cũng cắt giảm khoảng một nửa số tiền tài trợ cho các startup ở giai đoạn đầu của Mỹ, xuống còn 10 tỉ đô la. Sự thoái lui đã làm tăng tốc làn sóng đóng cửa các startup non trẻ vì nguồn tài trợ này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp mới thành lập.

Không có dữ liệu đầy đủ để theo dõi sự sụp đổ của các startup do cạn vốn. Nhưng một loạt startup đã đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh của họ trong những tháng gần đây.

Nền tảng thanh toán doanh nghiệp Plastiq đã nộp đơn xin phá sản hồi tháng 5 sau khi vụ hủy bỏ vụ sáp nhập vào một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Goldfinch Bio, startup công nghệ sinh học, ngừng hoạt động vào đầu năm nay do không huy động được thêm tiền. Giới đầu tư chùn tay sau khi dữ liệu nghiên cứu cho thấy một loại thuốc điều trị bệnh thận mà công ty này phát triển gây thất vọng. Trước đó, Goldfinch Bio đã huy động được tổng cộng 214 triệu đô la qua 6 vòng gọi vốn.

Sau khi huy động được 20 triệu đô la từ những người nổi tiếng bao gồm huyền thoại bóng rổ Michael Jordan, ứng dụng phát sóng trực tiếp sự kiện thể theo Buzzer, cũng đóng cửa vào tháng 6, với lý do các động lực bất lợi trên thị trường.

Poparazzi, ứng dụng chia sẻ hình ảnh từng đứng đầu lượt tải trên cửa hàng App Store của iPhone, cũng ngừng hoạt động.

Hopin, một startup tổ chức sự kiện ảo nổi tiếng, đã huy động được gần 1 tỉ đô la trong vòng chưa đầy một năm, Tuy nhiên, gần đây, công ty đã bán mảng kinh doanh chính với giá 15 triệu đô la.

Con số đó chỉ là một phần rất nhỏ so với mức định giá hơn 7 tỉ đô la của Hopin trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Hopin, từng được những người khổng lồ trong ngành đầu tư mạo hiểm như Andreessen Horowitz hậu thuẫn, cũng đang trả lại một lượng lớn tiền mặt đã huy động được cho các nhà đầu tư.

Giới đầu tư muốn nhìn thấy tăng trưởng doanh thu

Trước khi thị trường trở nên kén chọn, startup xử lý thanh toán Panther của Redler đã có thể huy động tiền mặt từ các nhà đầu tư với mức định giá lên tới 60 triệu đô la. Trong năm qua, anh phải vật lộn tìm kiếm sự quan tâm của giới đầu tư bằng cách hạ mức định giá công ty xuống còn còn 10 triệu đô la. Nhưng các nhà đầu tư không muốn đặt cược vào công ty non trẻ, chưa được chứng minh trong một ngành đầy rẫy thủ cạnh tranh.

Năm ngoái, startup phát triển phần mềm Toolchain bắt đầu mời gọi nhà đầu tư tham gia vòng gọi vốn Series A. Công ty đã huy động được 6 triệu đô la và đang ký hợp đồng với các nhà phát triển phần mềm. Công ty có kế hoạch sử dụng số tiền mặt mới để thực hiện chiến dịch bán hàng và tiếp thị chớp nhoáng.

Kể từ đó, CEO của Toolchain, Benjy Weinberger, bị hơn 60 nhà đầu tư từ chối góp vốn thêm. Weinberger cho biết họ nói với ông rằng, công ty không tăng trưởng doanh thu đủ nhanh để biện minh cho nguồn tài trợ mới. Ông ghi nhận công việc kinh doanh đã bị ảnh hưởng do làn sóng cắt giảm chi phí trong ngành công nghệ vào năm ngoái, khiến các khách hàng tiềm năng hủy bỏ các cuộc đàm phán mua phần mềm. Toolchain đã đóng cửa hoạt động vào mùa hè này.

Hunter Walk, một nhà đầu tư ban đầu của Toolchain, cho biết khi thị trường đã thay đổi với các nhà đầu tư muốn thấy bằng chứng doanh thu tăng trưởng hơn là số lượng người dùng. Điều này khiến Toolchain gặp khó khăn trong việc huy động vốn mới. Ông nói, cơn sốt đầu tư kết thúc vào đầu năm ngoái, khiến hàng loạt startup phải đóng cửa khi triển vọng huy động vốn giảm dần.

Ông nói: “Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay là một cơn bão hoàn hảo, dẫn đến số lượng startup ngừng hoạt động nhiều hơn bình thường”.

Các vòng gọi vốn thường cung cấp cho các startup đủ nguồn tài chính để hoạt động trong ít nhất hai năm. Nghĩa là những startup vòng gọi vốn lần cuối vào năm 2021 có thể sớm hết tiền.

Theo Lee Edwards, đối tác của Root Ventures, ngày nay, “để có được nguồn tài trợ Series A, bạn cần có doanh thu nghiêm túc”.

Redler, người sáng lập Panther, cho biết công ty của anh đã đấu tranh sinh tồn trong hơn một năm trước khi anh đưa ra quyết định đóng cửa.

Theo WSJ

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới