Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hàng loạt yếu tố hỗ trợ, chứng khoán chờ thêm gió đông

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dù chịu nhiều áp lực gần đây trước những biến động của thị trường tài chính quốc tế nhưng VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng được thiết lập từ giữa tháng 11 năm ngoái đến nay.

Biến số tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ là tâm điểm được theo dõi sát sao trong giai đoạn tới. Ảnh: LÊ VŨ

Hàng loạt yếu tố hỗ trợ

Trong bối cảnh hàng loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng đã được triển khai, có thể hiểu được vì sao TTCK trong nước không bị ảnh hưởng quá lớn bởi diễn biến của TTCK quốc tế.

Đầu tiên phải kể đến những giải pháp đột phá trong Nghị định 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế, nhằm tháo gỡ bế tắc thanh khoản và khôi phục niềm tin với kênh TPDN. Theo đó, doanh nghiệp có thể được gia hạn nợ tối đa hai năm, thanh toán trái phiếu bằng tài sản, ngưng hiệu lực thi hành quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31-12-2023,…

Mới đây nhất, vào những ngày cuối tháng 3-2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11, điều 4 của Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán TPDN. Theo đó, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mua lại TPDN thỏa điều kiện theo quy định đến hết ngày 31-12-2023.

Điểm hạn chế lớn nhất hiện nay với TTCK có lẽ là tăng trưởng vẫn đang suy yếu khi hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp. Do đó, biến số tăng trưởng sẽ là tâm điểm được theo dõi sát sao trong giai đoạn tới.

Lý giải cho đề xuất này, NHNN cho biết, trong bối cảnh thị trường TPDN, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì cần thiết phải có các giải pháp, quy định kịp thời từ nhiều phía để hỗ trợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các thị trường này, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong một năm qua, những khó khăn của thị trường TPDN nói chung cũng như các doanh nghiệp bất động sản nói riêng đã lây lan, ảnh hưởng rất lớn lên thị trường cổ phiếu. Do đó, khi hai câu chuyện này được giải quyết ổn thỏa, sẽ giúp thị trường cổ phiếu phục hồi vững chắc hơn.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ vẫn đang nỗ lực thúc đẩy các dự án đầu tư công cũng được kỳ vọng giúp lan tỏa sang nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác trong nền kinh tế, từ ngành xây dựng, vật liệu xây dựng như sắt, thép, đá đến kinh doanh bất động sản… - những ngành đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và có lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng vốn hóa không nhỏ trên TTCK.

Ở các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn vĩ mô, từ lạm phát, tỷ giá cho đến lãi suất, từ đầu năm đến nay cũng đã hạ nhiệt trở lại và ổn định hơn rất nhiều. Cụ thể, tiền đồng có xu hướng lên giá trở lại so với đô la Mỹ, tạo điều kiện cho NHNN mua ngoại tệ trở lại để gia tăng dự trữ ngoại hối; chỉ số giá tiêu dùng liên tục đi xuống trong ba tháng qua, là cơ sở quan trọng kéo lãi suất giảm trong thời gian qua.

Chờ thêm gió đông

Điểm hạn chế lớn nhất hiện nay với TTCK có lẽ là tăng trưởng vẫn đang suy yếu khi hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục bị thu hẹp, một phần do bị ảnh hưởng bởi nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế lớn cũng là đối tác thương mại chính của Việt Nam trong nhiều năm qua. Do đó, biến số tăng trưởng sẽ là tâm điểm được theo dõi sát sao trong giai đoạn tới.

Dù vậy, quá khứ cho thấy khi tăng trưởng suy yếu và có nguy cơ rơi vào suy thoái, ngân hàng trung ương các nước sẽ buộc phải ngừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ, thậm chí đảo chiều sang nới lỏng trở lại. Và điều này dường như đang ứng với Việt Nam, khi NHNN chỉ trong vòng nửa tháng qua đã có đến hai lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời triển khai thêm các gói tín dụng hỗ trợ cho một số lĩnh vực đặc thù.

Đây có lẽ cũng là gió đông mà TTCK chờ đợi bấy lâu nay. Nếu như đợt giảm lãi suất điều hành hồi giữa tháng 3 được đánh giá sức lan tỏa chưa cao, TTCK chưa thật sự phản ứng rõ rệt, thì đợt giảm mới nhất (có hiệu lực từ ngày 3-4-2023) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường đi lên mạnh mẽ hơn, khi ba loại lãi suất quan trọng là lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên đều được giảm mạnh 0,5 điểm phần trăm/năm.

TTCK ngay trong phiên đầu tuần này (3-4-2023) đã phản ứng đầy tích cực, với VN-Index tăng gần 15 điểm, tương ứng gần 1,4%, đặc biệt là khối lượng giao dịch tăng vọt lên gần 779 triệu cổ phiếu tính riêng trên sàn HOSE, gấp hơn 1,5 lần khối lượng giao dịch bình quân 20 ngày gần nhất. Đáng lưu ý là hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng trần, trong khi nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng hay chứng khoán cũng tăng tích cực. Đây là những nhóm ngành thâm dụng vốn vay lớn và hưởng lợi lớn khi lãi suất đi xuống.

Riêng đối với nhóm bất động sản còn đón nhận thông tin ngày 1-4-2023, NHNN đã có văn bản gửi các ngân hàng thương mại, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, gói cho vay trị giá 120.000 tỉ đồng này có thể kéo dài đến hết năm 2030, với lãi suất ưu đãi áp dụng đến hết ngày 30-6-2023 là 8,7%/năm đối với chủ đầu tư và 8,2%/năm đối với người mua nhà. Kể từ ngày 1-7-2023, định kỳ sáu tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình.

Chương trình này được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản tái cơ cấu lại hoạt động, phân khúc khách hàng và sản phẩm cung cấp ra thị trường, từ đó vượt qua những khó khăn, thách thức. Chẳng những vậy, các nhóm ngành xây dựng, vật liệu xây dựng cũng sẽ hưởng lợi chung từ chính sách này, khi cầu tiêu thụ sản phẩm của nhóm này có thể phục hồi trở lại.

Đối với nhóm chứng khoán, triển vọng TTCK khả quan hơn cũng sẽ giúp nhóm này quay trở lại giai đoạn tăng trưởng tích cực hơn. Lãi suất liên tục giảm, dòng tiền lớn có thể sớm quay lại với TTCK, cùng với nhu cầu vay margin cao hơn có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn cho nhóm này sau hơn một năm suy giảm vừa qua.

Thời gian tới, nhà đầu tư có thể trông chờ thêm thông tin về thời điểm hệ thống nền tảng giao dịch mới KRX của thị trường được đưa vào vận hành, mà được cho là từ giữa năm 2023. Qua đó có thể hỗ trợ cho những giải pháp giao dịch mới trên thị trường, triển khai các cơ chế thanh toán bù trừ, giúp cho TTCK Việt Nam tiệm cận với các thông lệ của quốc tế, và có thể được cộng điểm trong quá trình đánh giá nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới