(KTSG Online) - Ngành công nghiệp may mặc khổng lồ của Bangladesh đang tìm cách soán ngôi của Trung Quốc với tư cách là nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất sang Liên minh châu Âu (EU). Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine và những căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu khác đã giúp quốc gia Nam Á này thu hút lượng đơn hàng lớn từ châu Âu.
- Hàng dệt may chất đống các kho ở Bangladesh khi phương Tây giảm đơn hàng
- Dệt may Bangladesh bươn chải tìm thị trường mới ở châu Á
Đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Banladesh
Tăng cường xuất khẩu sang châu Âu một chiến lược quan trọng của Bangladesh, nơi các nhà sản xuất quần áo may sẵn đóng góp khoảng 20% GDP và hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu quần áo của Bangladesh sang EU tăng gần 42% so với cùng kỳ năm trước đó, lên 19,4 tỉ đô la Mỹ. Campuchia và Việt Nam đứng ở các vị trí thứ 2 và thứ 3 về mức tăng trưởng xuất khẩu quần áo sang EU. Trong cùng kỳ, các lô hàng may mặc của Trung Quốc xuất sang khối này tăng khoảng 22%, lên 25,5 tỉ đô la, theo dữ liệu mới nhất từ Văn phòng phòng thống kê châu Âu (Eurostat)
“Rất nhiều đơn đặt hàng may mặc từ Trung Quốc được chuyển sang Bangladesh vì cuộc chiến thương mại gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ”, Shahidullah Azim, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), nói với Nikkei Asia. Căng thẳng dâng cao giữa Washington và Bắc Kinh đã thúc đẩy nhiều thương hiệu thời trang tìm kiếm các nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc trong các lĩnh vực từ dệt may đến hàng điện tử tiêu dùng và điện thoại thông minh.
Những thương hiệu thời trang của EU đặt may quần áo lớn nhất ở Bangladesh bao gồm H&M, Primark, Zara, G-Star Raw và Marks & Spencer.
Thúc đẩy xuất khẩu hàng may mặc có ý nghĩa sống còn đối với Bangladesh khi nước này đang vật lộn ứng phó nguồn dự trữ ngoại hối cạn kiệt, ngay cả khi được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) duyệt gói cho vay giải cứu kinh tế trị giá 4,7 tỉ đô la vào đầu năm nay.
Với dân số gần 170 triệu người, Bangladesh có lực lượng lao động tiềm năng khá lớn và là một trong khoảng 45 nước đang phát triển hiện được hưởng quyền tiếp cận miễn thuế và không hạn ngạch đối với tất cả các thị trường ở EU, ngoại trừ vũ khí và đạn dược. Ngược lại, hàng dệt may Trung Quốc phải chịu thuế khi bán hàng sang châu Âu.
Ashikur Rahman Tuhin, Giám đốc điều hành của TAD Group (Bangladesh), một công ty kinh doanh đa ngành, bao gồm cả sản xuất quần áo, nói: “Khách hàng thích Bangladesh hơn do có các cơ sở xuất khẩu miễn thuế sang các thị trường EU”.
Tập trung vào quần áo chất lượng cao
Các nhà sản xuất ở Bangladesh cũng đang dần chuyển trọng tâm từ thời trang nhanh sang quần áo chất lượng cao hơn và mang lại nhiều lợi nhuận hơn.
“Bangladesh đang chuyển hoạt động sản xuất ở các nhà máy của mình từ các sản phẩm cơ bản sang các quần áo cao cấp, có giá trị gia tăng. Nỗ lực này cũng đang giúp Bangladesh gia tăng thị phần tại thị trường EU, nơi các mặt hàng đó đang ngày càng có nhu cầu cao hơn”, Azim cho biết..
Nhưng các nhà xuất khẩu quần áo Bangladesh đang đối mặt với những cản lực mới khi họ tìm cách thâm nhập sâu hơn vào châu Âu. Từ năm 2026, Bangladesh sẽ không còn được coi là quốc gia kém phát triển nhất (LDC) theo hướng dẫn của Liên Hợp Quốc. Và sau đó, nước này sẽ không còn đủ điều kiện để hưởng nhiều lợi thế thương mại hiện tại từ EU. Tuy nhiên, Bangladesh đang đàm phán tham gia chương trình hệ thống ưu đãi phổ cập cộng (GSP +) của EU, để cho phép nước này giữ lại một số đặc quyền thương mại.
“Chúng tôi sẽ hoạt động tốt hơn nữa sau không còn được xem là LDC, và dự kiến Bangladesh sẽ nhận được các đặc quyền của chương trình GSP+ trong khối EU”, Ashikur Rahman Tuhin nói.
Tháng trước, trong chuyến thăm tới Dhaka, thủ đô của Bangladesh, Paul Marchant, Giám đốc điều hành Primark, thương hiệu bán lẻ thời trang của Anh, tiết lộ công ty ông có kế hoạch tăng cường tìm nguồn cung ứng từ nước này.
Ngành công nghiệp may mặc của Bangladesh từng rơi vào khủng hoảng vào một thập kỷ trước, khi hơn 1.100 người thiệt mạng trong vụ sập nhà máy may cao tám tầng ở Dhaka, chỉ vài tháng sau vụ hỏa hoạn tại một nhà máy may khác làm chết 112 người thiệt mạng. Kể từ đó, giới chức trách đã phối với với các thương hiệu thời trang phương Tây để thúc đẩy các nhà máy may mặc trong nước nâng cao an toàn sản xuất. Bên cạnh đó, khách hàng phương Tây cũng yêu cầu các công ty may mặc địa phương sử dụng các phương pháp sản xuất bền vững hơn.
Mohiuddin Rubel, Giám đốc BGMEA, nói: “Ngành may mặc của Bangladesh hiện nay tuân thủ các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn môi trường, tiết kiệm nước và năng lượng cũng như phúc lợi của người lao động”.
Các nhà sản xuất may mặc trong nước tự tin rằng họ sẽ sớm trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu sang châu Âu. Ahsan H. Mansur, Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu chính sách của Bangladesh đánh giá: “Bangladesh nằm gần thị trường EU, Bangladesh so với Trung Quốc, vậy nên, trong vòng 4-5 năm nữa, chúng tôi có thể vượt qua nước này. Thị phần quần áo may mặc của Trung Quốc đang giảm trên toàn thế giới. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc không có lợi ích chiến lược để bảo vệ thị phần này. Bắc Kinh hiện tập trung vào phát triển và sản xuất hàng hóa có giá trị cao hơn như ô tô điện, vì vậy, sẽ không tập trung vào ngành may mặc như trước”.
Theo Nikkei Asia