Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hàng Trung Quốc tránh thuế Mỹ

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Biên giới Mỹ và Mexico có những hàng dài xe tải lũ lượt chở hàng từ Mỹ qua Mexico như ở cửa ngõ Otay Mesa nối liền California với thành phố Tijuana, Mexico. Tuy nhiên đoàn xe không tiến sâu vào Mexico mà dừng ở những kho hàng cách biên giới chừng 15 cây số, dỡ hàng từ các container xuống.

Hàng sau đó được phân thành hàng ngàn các gói nhỏ và được chở ngược trở về Mỹ. Và thế là hàng Trung Quốc do người Mỹ mua, nhập vào Mỹ, tạm tái xuất qua Mexico rồi nhập vào Mỹ trở lại nhưng hoàn toàn không chịu thuế nhập khẩu.

CPI của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó là bởi các nhà bán lẻ tận dụng khe hở của luật, theo đó hàng hóa có giá trị dưới 800 đô la thì được miễn thuế, gọi là quy tắc tối thiểu (de minimis). Theo tờ Economist, năm nay dự kiến có chừng 1,4 tỉ kiện hàng như thế, trị giá ít nhất là 66 tỉ đô la được nhập vào Mỹ theo con đường này, tăng mạnh từ mốc 500 triệu đô la vào năm 2019. Khe hở này tạo ra sự cạnh tranh không sòng phẳng cho những nhà nhập khẩu chính thức, chịu thuế cao nhưng lại có lợi cho dân Mỹ chuyên săn hàng Trung Quốc giá rẻ.

Quốc hội Mỹ thông qua việc miễn thuế “de minimis” vào thập niên 1930 để giảm phiền hà cho việc nhập những gói hàng giá trị nhỏ, nhất là khách đi du lịch mang về những gói quà đơn giản. Năm 2016 các nhà lập pháp nâng mức miễn thuế từ 200 đô la lên 800 đô la để tiết kiệm chi phí thực thi. Tuy nhiên khi chính quyền ông Trump bắt đầu đánh thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, quy tắc miễn thuế hàng giá trị nhỏ này lại trở nên quan trọng. Trong thời gian diễn ra đại dịch, nhập khẩu quần áo, đồ điện tử giá rẻ có giá trị dưới mức tối thiểu tăng vọt. Hiện nay cứ 10 gói hàng “de minimis” thì có đến 7 gói xuất phát từ Trung Quốc; Shein và Temu, hai hãng bán lẻ lớn hàng đầu Trung Quốc lại chiếm tỷ lệ lớn, cứ 10 gói hàng thì 3 gói là của hai nơi này.

Hàng hóa nhập khẩu theo dạng “de minimis” cũng làm rối loạn số liệu - Trung Quốc báo cáo lượng hàng xuất qua Mỹ nhiều hơn lượng hàng Mỹ nhập từ Trung Quốc đến 73 tỉ đô la; còn một số nhà kinh tế cho rằng mức chênh lệch thật sự còn cao hơn, lên đến 150 tỉ đô la. Số liệu của Hải quan Mỹ cho thấy ít nhất 37 tỉ đô la hàng hóa trong mức chênh lệch này là từ các gói hàng trị giá dưới 800 đô la. Tính toán của tờ Economist cho rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc cao hơn số liệu chính thức đến 13%, với phần còn lại của thế giới cũng cao hơn 5%.

Giá trị hàng hóa được miễn thuế theo kiểu này có thể cao hơn vì đến 16% gói hàng được khai có giá trị dưới 1 đô la. Vì giá trị quá nhỏ, không ai mất công kiểm tra xem độ chính xác đến đâu trong khi một cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ vào năm 2018 cho thấy thông tin các chủ hàng khai báo thường chỉ là những dữ liệu “mơ hồ, không đâu vào đâu”. Các cơ quan hữu quan của Mỹ cũng cho biết một phần mười các gói hàng vi phạm quy định nhập khẩu, chủ yếu là ghi sai loại hàng và giá trị nhập khẩu.

Nhiều chủ hàng chẻ đơn hàng của khách thành nhiều gói để đạt mức miễn thuế. Thậm chí nhiều sàn thương mại điện tử khuyên khách mua hàng nên chia thành nhiều đơn mỗi khi tổng giá trị đơn hàng vượt quá 800 đô la. Cách nói ở đầu bài cũng là mánh lới tránh thuế phổ biến khi hàng nhập vào Mỹ dưới dạng “hàng ngoại quan”, tức dù vào Mỹ vẫn được xem là quá cảnh, không chịu thuế. Đến khi quay về Mỹ, chúng biến thành các gói hàng giá trị dưới 800 đô la nên được miễn thuế. Cách này tiết kiệm cho người bán chừng 6-12% giá trị hàng bán.

Tuy nhiên hưởng lợi trực tiếp chính là người tiêu dùng Mỹ. Theo tính toán của một công ty logistics, nếu không có việc miễn thuế, người tiêu dùng phải trả thêm chừng 7,8 tỉ đô la tiền thuế vào năm 2021. Cộng với việc nhà sản xuất cũng giảm giá để hàng dưới mức tối thiểu, người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm chừng 22 tỉ đô la mỗi năm. Đáng chú ý, cứ hai gói hàng “de minimis” thì một gói gửi về địa chỉ có mã vùng là khu vực nghèo vì người nghèo thường thích mua hàng giá rẻ từ Trung Quốc.

Các khu vực gần biên giới cũng hưởng lợi nhờ hàng hóa luân chuyển nhộn nhịp. Các hãng đua nhau xây kho hàng, như hãng vận chuyển DHL xây đến 15 kho hàng mới ở Mexico kể từ năm 2016. Sàn thương mại điện tử Amazon xây 340.000 mét vuông mặt bằng làm kho chứa hàng trong hai năm 2021-2022. Cũng có những bên chịu thiệt hại như các nhà bán lẻ nhập hàng nguyên kiện, chẳng hạn nhập áo thun từ Trung Quốc phải nộp 16,5% thuế nhập khẩu và vì hàng từ Trung Quốc nên chịu thuế bổ sung thêm 7,5% nữa. Hãng thời trang H&M năm 2022 phải nộp đến 205 triệu đô la tiền thuế nhập khẩu; GAP nộp còn cao hơn, đến 700 triệu đô la trong khi hai hãng Trung Quốc - Shein và Temu không chịu đồng thuế nào.

Quốc hội Mỹ đang bàn cách lấp khe hở “de minimis”, lúc đó hàng có giá trị dưới 800 đô la vẫn chịu thuế nhập khẩu, chừng 15% hoặc đặt ngưỡng tối thiểu theo nước đối tác, như Trung Quốc đang ấn định mức hàng được miễn thuế nếu dưới 50 nhân dân tệ, tức chừng 7 đô la.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới