Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hãng xe bán tải điện Rivian được định giá cao hơn Ford

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá cổ phiếu của hãng sản xuất xe bán tải điện Rivian tăng mạnh trong ngày giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq của Mỹ, đưa mức vốn hóa thị trường của hãng vượt 100 tỉ đô la, cao hơn mức vốn hóa hiện tại của hai hãng xe truyền thống hàng đầu của Mỹ hiện nay General Motors (GM) và Ford.

Rivian, có trụ sở ở Wilmington, bang Delaware, vẫn đang thua lỗ và mới chỉ sản xuất vài trăm xe, vì vậy, mức định giá cao của hãng xe này càng cho thấy xu hướng xe điện đang lên ngôi.

Các mẫu xe bán tải điện của Rivian được trưng bay gần trụ sở của sàn giao dịch Nasdaq ở New York hôm 10-11. Ảnh: Getty

Vốn hóa vượt 100 tỉ đô la ngay sau khi chào sàn

Giá cổ phiếu Rivian tăng nóng ngay từ đầu phiên giao dịch lần đầu hôm 10-11, có lúc đạt hơn 119 đô la. Chốt phiên giao dịch, giá cổ phiếu Rivian hạ nhiệt nhưng vẫn tăng gần 30%, lên mức 100,74 đô la, tương đương với mức vốn hóa thị trường pha loãng 107 tỉ đô la, cao hơn vốn hóa hiện nay của GM (86 tỉ đô la) và Ford (77,3 tỉ đô la). Dù có tuổi đời còn non trẻ, Rivian chỉ đứng sau Tesla, Toyota, Volkswagen và Daimler (chủ sở hữu thương hiệu Mercedes-Benz) về mức vốn hóa thị trường.

Trước đó, Vivian đã huy động gần 11,9 tỉ đô la trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), đánh dấu thương vụt IPO lớn nhất của một công ty Mỹ kể từ lúc Facebook tiến hành IPO vào năm 2012. Đây cũng là thương vụ IPO lớn nhất thế giới trong năm nay, tính cho đến thời điểm hiện tại. Phần lớn số tiền huy động được từ IPO sẽ được sử dụng để nâng cao công suất ở nhà máy lắp ráp xe của Rivian ở Normal, bang Illinois và các cơ sở sản xuất khác trong tương lai.

“Tôi nghĩ rằng cơn hưng phấn mà giới nhà đầu tư dành cho doanh nghiệp của chúng tôi là nhờ quy mô của cơ hội. Chúng ta có hơn một tỉ xe trên hành tinh cần được chuyển sang xe điện trong vòng 10 đến 15 năm tới, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Rivian, RJ Scaringe nói trong cuộc trả lời phỏng vấn với hãng tin Financial Times.

Khi RJ Scaringe, một kỹ sư vừa tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), thành lập công ty khởi nghiệp Rivian vào năm 2009, ý định ban đầu của ông là sản xuất xe thể thao chạy điện. Đến năm 2012, Rivian chuyển hướng sang sản xuất xe bán tải và xe SUV điện nhưng vẫn không thu hút được các khoản đầu tư lớn mãi cho đến năm 2017, khi hãng huy động được 450 triệu đô la từ các nhà đầu tư bao gồm Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) cũng như Tập đoàn Abdul Latif Jameel (Saudi Arabia).

Cuộc chơi thực sự thay đổi đối với Rivian vào năm 2019, khi Amazon dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư tham gia góp vốn tổng cộng 700 triệu đô la cho Rivian, đồng thời thông báo kế hoạch đặt mua 100.000 xe tải điện giao hàng do Rivian sản xuất. Trong các năm sau đó, lần lượt các tên tuổi lớn khác như Ford, Cox Automotive và BlackRock cũng rót tiền vào Rivian. Amazon đang nắm giữ số cổ phần lớn nhất tại Rivian (22%), còn tỷ lệ nắm giữ của Ford là 13%.

Mức định giá cao quá mức?

Phản ứng của thị trường cho thấy sự kỳ vọng cao dành cho Rivian, vốn thua lỗ gần 1 tỉ đô la trong nửa đầu năm nay và dự kiến thua lỗ tiếp 1,28 tỉ đô la trong quí 3.

Rivian chỉ mới nhận được hơn 50.000 đơn đặt mua trước của khách hàng cho mẫu xe bán tải R1T và mẫu xe thể thao đa dụng (SUV) R1S. Ngoài ra, Amazon cũng cam kết mua 100.000 xe tải giao hàng của Rivian và số xe này sẽ được giao xong vào năm 2025. Cho đến nay, Rivian chỉ mới giao vài trăm xe cho khách.

Tuy nhiên, giới đầu tư đang đặt cược vào cơn sốt xe điện và sẵn sàng mua cổ phiếu của một công ty xe điện được kỳ vọng sẽ lặp lại thành công của hãng xe điện Tesla, có mức vốn hóa vượt 1.000 tỉ đô la hồi tháng 10.

Cổ phiếu của hãng xe điện Lucid Motors, có trụ sở ở bang California, tăng giá gần 350% trong năm nay dù hãng chỉ mới giao những chiếc xe sedan điện Lucid Air đầu tiên cho khách hàng trong thời gian gần đây. Cơ hội thị trường dành cho các hãng xe điện là rất lớn khi thế giới đang tìm cách giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch để chống biến đổi khí hậu. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, vào cuối năm 2020, thế giới mới chỉ có 10 triệu xe điện lưu thông trên đường nhưng con số này có thể lên 145 triệu hoặc cao hơn nữa vào cuối thập niên này nếu các chính phủ đáp ứng các mục tiêu khí hậu tham vọng.

Giới đầu tư nhìn thấy ở Rivian cơ hội đầu tư hấp dẫn trong làn sóng chuyển đổi sang xe điện. Không chỉ giao 100.000 xe tải cho Amazon, Rivian có thể sẽ tìm kiếm các thỏa thuận bán xe tải điện giao hàng hạng nhẹ với các công ty logistics khác.

Asad Hussain, nhà phân tích công nghệ của Công ty dữ liệu PitchBook, nhận định: “Dòng chảy đơn hàng vào Rivian và sự hẫu thuẫn của Amazon là những sự chứng thực quan trọng đối với giới đầu tư”.

Song David Trainer, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu New Constructs, cho rằng mức định giá hơn 100 tỉ đô la của Rivian là quá cao và hãng xe này cần sản xuất hơn 1 triệu xe vào cuối thập này mới xứng đáng với mức định giá đó.

Tesla bắt đầu sản xuất vào năm 2008 nhưng mãi cho đến năm ngoái, mới đạt công suất giao xe chưa đến 500.000 chiếc. Hãng xe điện giá trị nhất thế giới phải mất một thập niên mới đạt mức vốn hóa 50 tỉ đô la.

Hơn nữa, Rivian sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt vì các hãng xe truyền thống như Volkswagen và GM đang rót hàng chục tỉ đô la để sản xuất xe điện.

Trainer cho rằng mức định giá cao ngất ngưỡng của Tesla và Rivian cứ như thể cho thấy các thương hiệu xe gạo cội đã hết thời hoặc sắp phá sản, ngay cả khi họ vẫn là những doanh số bán xe hàng năm cao nhất hiện nay.

Theo CNBC, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới