Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hành hương núi Thị Vải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hành hương núi Thị Vải

Điện Quan Âm trên núi Thị Vải.

(TBKTSG Online) – Từ TPHCM đi khoảng 80 ki lô mét theo quốc lộ 51 về hướng Vũng Tàu, qua khỏi khu Vạn Phật Quang (Đại Tòng Lâm) 100 mét du khách sẽ thấy núi Thị Vải nằm bên trái. Từ quốc lộ 51 vào đến chân núi khoảng 3 ki lô mét.  

Núi có độ cao gần 500 mét so với mực nước biển, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mặc dù nơi đây không phải là điểm được các công ty du lịch, lữ hành mở tour đưa khách đến tham quan, nhưng lượng người hành hương chiêm bái tại các ngôi chùa trên núi Thị Vải thường xuyên rất đông đảo, nhất là những người theo đạo Phật từ các tỉnh miền Đông Nam bộ.  

Tên núi Thị Vải có lẽ do lâu ngày gọi trại ra mà thành. Sách Gia Định Thành Thông Chí và Đại Nam Nhất Thống Chí đều ghi tên núi là Thị Vãi; hay còn gọi là núi Nữ Tăng.  

Tài liệu lưu giữ tại chùa Sắc Tứ Linh Sơn Bửu Thiền có ghi: “Bà Lê Thị Nữ là người đầu tiên lên tu hành tại núi này, lấy pháp danh là Diệu Thiện. Ni sư Diệu Thiện từng có công cứu chúa Nguyễn Phúc Ánh thoát nạn truy lùng của quân Tây Sơn.

Nguyễn Phúc Ánh sau khi lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long (1802-1819) đã sắc phong cho ni sư Diệu Thiện là Linh Sơn thánh mẫu và cho xây dựng lại thảo am, nơi ẩn tu của ni sư, đồng thời đặt tên Sắc Tứ Linh Sơn Bửu Thiền tự”.  

Theo hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế, Viện chủ Sắc Tứ Linh Sơn Bửu Thiền tự, ngọn núi có tên Thị Vãi bắt nguồn từ sử tích vừa nêu trên.  

“Tam bộ nhất bái” lên núi Thị Vải. Ảnh: Suốt chặng đường lên núi cứ mỗi ba bước đi họ lạy một lần.

Sau đời ni sư Diệu Thiện, người kế tục tu hành tại núi Thị Vãi là hòa thượng Thích Từ Thuận. Tương truyền ngài là người tu hành đắc đạo và cứu nhân độ thế nổi tiếng khắp vùng này, đặc biệt đã cảm hóa được hổ dữ tu hành cùng với ngài đến khi qua đời.

Hiện nay trên núi vẫn còn lưu lại dấu tích hang hổ, nằm cách chùa Linh Sơn Bửu Thiền khoảng 100 mét. Hàng trăm năm sau với nhiều đời trụ trì nối tiếp nhau, núi Thị Vãi – chùa Linh Sơn Bửu Thiền ngày càng hưng thịnh.    

Kể từ năm 2000 đến nay, hòa thượng Thích Trí Quảng đã lần lượt đại trùng tu các chùa, điện Phật Di Lặc, điện Quan Âm, điện Tỳ Lô Giá Na, cũng như các thắng cảnh khác nằm rải rác trên núi. Cụm chùa trên núi Thị Vải hiện nay gồm có ba ngôi chính: chùa Liên Trì (chùa Chân), chùa Hồng Phúc (chùa Trung), chùa Linh Sơn Bửu Thiền (chùa Thượng hay chùa Tổ).  

Hòa thượng viện chủ cho biết, trong thời gian xây dựng chùa, những người thợ tình cờ phát hiện được một mỏ cát tự nhiên trên núi, đá xây cũng được khai thác từ nguồn tại chỗ, nhờ đó nhà chùa đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Nơi là mỏ cát trước đây, nay biến thành hồ sen rộng hàng trăm mét vuông nằm dưới cầu Sanh tử thuộc khu vực chùa Tổ.  

Từ chân núi leo đến chùa Thượng, khách hành hương phải trải qua 1.340 bậc thang đá. Dọc đường đi du khách sẽ chứng kiến từng đàn khỉ nô đùa ven theo sườn núi hoặc trên những tán cây cổ thụ. Có khi chúng còn dạn dĩ đến gần du khách để xin thức ăn trái cây, chuối, bánh kẹo. Nhiều người có thú mê uống trà thường lấy nước suối chảy ra từ khe núi ở chùa Tổ mang về.  

Vườn Lộc Uyển tại khu vực chùa Thượng là một cảnh quan đẹp ở nơi này cùng với điện Tỳ Lô Giá Na, cầu Sanh tử, hang Hổ…

Khi lên núi Thị Vải vãn cảnh, du khách có thể chọn một trong rất nhiều vị trí để phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh. Phía xa xa là cảng Thị Vải, cảng Phú Mỹ, những ống khói mù mịt xả ra từ các nhà máy trong các khu công nghiệp ở hai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai. Du khách có thể nhìn sông Đồng Nai uốn lượn như con trăn bò giữa đồng bằng.

Lên núi Thị Vải, bạn đừng quên đem theo nước uống và thức ăn nhẹ, bởi dọc đường đi không có bất kỳ hàng quán nào. Bạn cũng có thể ghé vào những ngôi chùa nằm dọc đường để xin nước uống, nghỉ chân. Nếu bạn thích leo núi nhưng đôi chân không khỏe lắm thì hãy tìm cho mình chiếc gậy tre để… chống!  

Sau khi hạ sơn, chia tay núi Thị Vải, trên đường về bạn có thể ghé vào khu Đại Tòng Lâm, đi theo bảng chỉ đường đến ni viện Thiện Hòa để dùng cơm chay, bún riêu và bánh xèo chay miễn phí!

Bài và ảnh: UYÊN VIỄN

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí viết: “Núi Nữ Tăng” ở đông nam huyện Long Thành 12 dặm, tục gọi là núi Thị Vãi, đất đá xen lộn, cây cối lên cao, từ tỉnh Gia Định trông đến như hòn ngọc Thượng đế trưng bày, tượng trưng tốt đẹp. Nhân dân ở đây nhờ nhiều món lợi (cây gỗ, dầu thông, chim muông, than củi). Xưa có Ni cô là Lê Thị Nữ dựng am ở tại núi ấy, nên gọi là “Núi Nữ Tăng”.

***

Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có viết: “Núi Nữ Tăng, tục gọi là núi Bà Vãi, ở địa phận Long Thành, xưa có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, nhưng bị lỡ thời, sau khi cha mẹ mất rồi mới có chồng, không được bao lâu chồng chết, bà thề không tái giá, lại bị kẻ cường hào cậy mai mối thường đến quấy nhiễu. Bà bèn cạo đầu lập am ở đỉnh núi, tự làm thầy Cả cùng bọn đồng tộc giữ lòng tu trì, sau thành chánh quả. Người ta nhân đó đặt tên núi”.

   

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới