(KTSG Online) – TPHCM xác định quy hoạch sông Sài Gòn là trung tâm trong rà soát quy hoạch chung của thành phố thời gian tới và xem đây là điểm nhấn trong xây dựng quy hoạch lần này.
- Sông Sài Gòn – động lực tăng trưởng xanh, bền vững của TPHCM
- Khi con đường dọc sông Sài Gòn được phác vẽ
TTXVN đưa tin, chiều 2-3, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo "Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine." Hội thảo có sự phối hợp của các chuyên gia Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR).
Hiện nay, TPHCM đang thực hiện ba quy hoạch rất quan trọng cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới gồm Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến 2040, tầm nhìn 2060 và xây dựng quy hoạch chung thành phố Thủ Đức cùng thời kỳ với quy hoạch chung TPHCM.
Chính quyền TPHCM xác định quy hoạch sông Sài Gòn là trung tâm trong rà soát quy hoạch chung của thành phố thời gian tới và xem đây là điểm nhấn trong xây dựng quy hoạch lần này.
TPHCM cũng lưu ý đến việc bảo tồn và phát triển các giá trị của sông Sài Gòn trong bối cảnh thành phố đang chịu nhiều tác động, thách thức của biến đổi khí hậu. Trong đó, vấn đề đặt ra là bảo tồn các giá trị tự nhiên văn hóa nhưng cũng khai thác hợp lý trong quá trình phát triển.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tiềm năng kinh tế dọc hành lang sông Sài Gòn bao gồm kinh tế dịch vụ địa phương như du lịch sông nước, văn hóa và giải trí, kinh tế đêm; kinh tế dịch vụ dẫn dắt vùng như thương mại, dịch vụ kinh doanh, logistics; kinh tế xanh và số hướng đến tương lai với các giải pháp kỹ thuật số nhằm tăng hiệu suất và tối ưu nguồn tài nguyên cho các doanh nghiệp và thành phố; phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế và bất động sản.
Đề xuất hành lang sông Sài Gòn với bốn phân khu
Trong báo cáo Quy hoạch Phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn - TPHCM, định hướng sông Sài Gòn trong quy hoạch tổng thể của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR), nhóm nghiên cứu đề xuất phát triển hành lang sông Sài Gòn với bốn phân khu.
- Phân khu 1: dài 48 km, từ thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến ranh giới TPHCM và tỉnh Tây Ninh, được đề xuất phát triển theo hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô.
- Phân khu 2: dài 25 km, từ cầu đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một, tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn, bằng cách xác định ranh giới rõ ràng hơn giữa hai khu vực này.
- Phân khu 3: dài 13,5 km, bao gồm bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận từ quốc lộ 52 đến đường sắt TPHCM-Hà Nội, được đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao và công viên nông nghiệp-giải trí ngập nước rộng 300 ha.
- Phân khu 4: dài 16 km, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến Quốc lộ 52, được đề xuất phát triển khu phức hợp đa chức năng.