Hành trang ngôn ngữ
Lê Hữu Huy
(TBKTSG) - Một trong những cái “cần câu cơm” giúp tôi tồn tại trong buổi ban đầu tự thân lập nghiệp nơi đất khách quê người sau hơn mười năm gắn bó với ngành ngân hàng là dịch vụ dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Singapore. Những kiến thức căn bản về ngôn ngữ học tích lũy được trong thời gian học đại học chuyên ngành Pháp văn ở Đại học Tổng hợp và kinh nghiệm tự học một số ngoại ngữ khác sau khi đặt chân lên đảo sư tử đã giúp tôi nhanh chóng xây dựng được một chương trình đào tạo tiếng Việt khá hoàn chỉnh.
Sách học tiếng Mã Lai và tiếng Tagalog của tác giả. |
Cũng đã hơn 15 năm rồi nên tôi chẳng nhớ bằng cách nào mình có thể quảng cáo miễn phí chương trình này trên một trang web ở Mỹ. Giờ đây khi Facebook hay các mạng xã hội đã phổ biến ở châu Á thì quảng cáo trên Internet là bình thường, nhưng khi đó, việc có mặt trên một trang web uy tín và mang tính toàn cầu ở Mỹ có ý nghĩa lớn về mặt tiếp thị. Có lẽ nhờ vậy mà tôi nhanh chóng có được lớp học đầu tiên sau hơn hai tháng đăng ký kinh doanh.
Theo thiết kế của chương trình, trong buổi học đầu tiên, giáo viên sẽ giới thiệu khái quát về tiếng Việt trong đó quan trọng nhất là sự ra đời của chữ Quốc ngữ, tức là hệ thống mẫu tự La tinh để ký âm tiếng Việt. Thời gian tiết học có hạn nên tôi chủ yếu tập trung cho học viên làm quen với bản chữ cái tiếng Việt. Cách nhớ đơn giản là chữ cái tiếng Việt về cơ bản cũng giống như tiếng Anh hay tiếng Pháp nhưng có thêm những nguyên âm và phụ âm đặc thù. Tôi thường trình bày như thế này: Tiếng Việt có ba chữ A gồm chữ A viết giống tiếng Anh, A có dấu mũ (Â) mà chúng ta gọi “Umbrella” (Cái dù) và A có trăng lưỡi liềm (Ă) mà chúng ta có thể gọi là “Crescent”. Tôi cũng thường động viên học viên rằng tiếng Việt rất dễ học và bảng chữ cái tiếng Việt cũng dễ thuộc bởi chỉ có ba cái dù (Â, Ê, Ô), hai cái dấu móc (Ơ và Ư) và một cái trăng lưỡi liềm.
Lẽ đương nhiên, cái khó trong tiếng Việt là việc phát âm với sáu thanh điệu nhưng phần lớn học viên của tôi đều nhanh chóng nắm được các khái niệm và thực hành theo hướng dẫn. Ngay buổi học đầu tiên, tôi cũng dạy họ đánh máy tiếng Việt theo Unicode. Khả năng tiếp thu của của từng học viên có thể khác nhau nhưng điều làm họ thích thú là ngay sau tiết học đầu tiên, cả lớp đều có thể đánh máy bằng phông chữ tiếng Việt và nói những câu đơn giản.
Những năm sau này, với sự ra đời của điện thoại thông minh, việc dạy và học tiếng Việt lại càng dễ dàng; giao tiếp giữa thầy và trò càng tiện lợi, nhanh chóng hơn. Một số học viên thay vì gửi bài tập về nhà qua e-mail, nay đã gửi qua các ứng dụng như Whatsapp khi công tác ngoài lãnh thổ Singapore. Cũng có lúc họ nhắn tin hay gọi cho tôi hỏi về từ ngữ hay những thắc mắc về văn hóa và con người Việt Nam.
Phần thưởng lớn nhất mà tôi có được sau hơn 15 năm dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và thực hiện những dịch vụ khác có liên quan là những khám phá thú vị về tiếng mẹ đẻ qua việc giao tiếp và học hỏi từ chính những học viên của mình. Ngoài tiếng Quan thoại, tôi còn biết thêm một số phương ngữ khác của người Hoa và có rất nhiều từ gần tiếng Việt. Một ngôn ngữ khác tương tự tiếng Việt về trật tự từ trong câu và thanh điệu là tiếng Thái.
Theo quan sát của tôi, người Việt, người Hoa, người Thái nếu điều kiện và môi trường cho phép thì sẽ giao tiếp rất dễ dàng với nhau vì có rất nhiều tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên, để có thể giao lưu ở mức độ trí tuệ cao hơn thì rất khó bởi tiếng Hoa là ngôn ngữ tượng hình và ngay cả người Hoa ngày nay cũng phải mượn mẫu tự La tinh làm Hanyu Pinyin (Phiên âm Hán ngữ). Chữ viết Thái thì khó học với 44 chữ cái và bản chữ cái cũng không thể hiện thanh điệu như chữ viết tiếng Việt.
Những ngôn ngữ châu Á mà tôi cảm thấy dễ học nhất là tiếng Mã Lai và tiếng Tagalog - hai quốc ngữ của Singapore và Philippines. Tương tự tiếng Việt, tiếng Mã Lai và tiếng Tagalog là những ngôn ngữ được La tinh hóa, tức là chỉ cần nhìn bảng chữ cái và hiểu về nguyên tắc phát âm là có thể đọc được ngay.
Câu chuyện hình thành và phát triển của tiếng Mã Lai đáng được các nhà nghiên cứu người Việt chúng ta tham khảo bởi đây cũng là sản phẩm từ các dòng chảy của chủ nghĩa thực dân và không thể bỏ qua vai trò của các nhà truyền giáo. Nhưng những tài liệu về tiếng Mã Lai và tiếng Tagalog mà tôi đọc được từ sách vở hay trên mạng thì không nhắc đến một cái tên cụ thể của riêng một người nào đã “có công sáng chế” ra chữ viết của người Mã Lai hay người Philippines hiện nay.
Quá trình La tinh hóa của tiếng Mã Lai được từ điển Wikipedia ghi nhận như sau: “Việc sử dụng chữ viết Latinh bắt đầu mở rộng trong các lĩnh vực hành chính và giáo dục, theo đó, ảnh hưởng của văn học và ngôn ngữ tiếng Anh và Hà Lan bắt đầu thâm nhập và lan rộng dần sang ngôn ngữ Malay” (1). Phải chăng những người viết sử của Malaysia không muốn nhắc đến vai trò của những người đã tham gia vào quá trình La tinh hóa tiếng Mã Lai hay việc chuyển tiếng Mã Lai từ hệ thống bảng chữ cái Rencong sang hệ thống chữ cái La tinh là công việc đơn giản và không có gì khó khăn? Với tiếng Tagalog thì có thể kể đến nhà truyền giáo Dòng Tên người Séc Pablo Clain vào đầu thế kỷ 18 với quyển từ điển đầu tiên của tiếng Tagalog (2). Nhưng tôi cũng không rõ các nhà viết sử hay người Philippines có vinh danh và xem ông là “ông tổ” của chữ Tagalog như người Việt với Alexandre de Rhodes và Francisco de Pigna hay không.
Cái cần câu cơm khác không kém phần quan trọng của tôi trong nhiều năm qua và cả trong tương lai dĩ nhiên là tiếng Anh. Thú thật là mỗi ngày tôi vẫn dành không dưới 15 phút để luyện tập phát âm một từ khó đọc, khó nhớ hay ngồi riêng một mình đọc lớn lên một đoạn văn tiếng Anh nào đó. Tiếng Anh đã giúp tôi giới thiệu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam với người nước ngoài và cũng nhờ tiếng Anh tôi đã tiếp cận và học được nhiều thứ tiếng khác. Sách vở, tài liệu tham khảo của tôi chủ yếu cũng là tiếng Anh mặc dù tôi vẫn tranh thủ mỗi ngày đọc ít nhất một bài báo bằng tiếng Pháp và tham khảo các trang web dạy tiếng Hoa trên Facebook.
Điều trớ trêu là có những từ tiếng Việt nào tôi không hiểu rõ thì tôi lại tra từ điển Google Anh-Việt, ví dụ như “phượt” (backpacking) hay “hóng hớt” (stalk). Nhưng cũng có rất nhiều từ mà anh Google không tài nào dịch chuẩn xác được như “xã hội hóa”, “nhân thân tốt” hay “trạm thu giá”. Tiếng Việt thật ra là một ngôn ngữ năng động và phát triển không ngừng với những biến đổi bất ngờ và thú vị trong bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội muôn màu muôn vẻ. Với tôi, muốn giỏi tiếng Anh hay các ngoại ngữ thì tiếng Việt là nền tảng hay nói cách khác là người Việt phải giỏi ngôn ngữ của chính mình. Để làm được điều đó thì tiếng Việt phải rõ ràng và trong sáng và người Việt không còn phải quanh co để hiểu nhau bằng những khái niệm mập mờ bị đánh tráo.
(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore
(1) https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_the_Malay_language
(2) https://en.wikipedia.org/wiki/Tagalog_language