Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hành trình theo đuổi tăng trưởng xanh của ‘ông lớn’ bất động sản ngoại

Han Phan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Gamuda Land, doanh nghiệp bất động sản tiếng tăm đến từ Malaysia, là một trong những chủ đầu tư đi đầu trong việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh tại Việt Nam với một chiến lược bài bản và thống nhất. Theo Gamuda Land, phát triển dự án bất động sản xanh đòi hỏi sự thay đổi lớn ở tất cả các khâu trong quá trình phát triển và vận hành.

Theo Báo cáo Liên Hợp Quốc năm 2021, ngành xây dựng và bất động sản toàn cầu ghi nhận mức năng lượng tiêu thụ lên đến 36% với tổng lượng khí thải CO2 phát thải là 37%. Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang đưa ra cam kết phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bền vững, Savills Việt Nam đánh giá trong thập kỷ tới, các nhà phát triển bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đầu tư mới hoặc phá dỡ bất động sản để đảm bảo đúng các cam kết tiêu chuẩn ESG phù hợp với quy định mới.

Gamuda Land là một trong những doanh nghiệp bất động sản đầu tiên công bố mô hình hoàn chỉnh về quá trình phát triển dự án đô thị xanh.

Tại Việt Nam, Gamuda Land là một trong những doanh nghiệp bất động sản đầu tiên công bố mô hình hoàn chỉnh về quá trình phát triển dự án đô thị xanh và bền vững tại 2 dự án lớn ở Hà Nội và TPHCM. Chia sẻ tại diễn đàn Nhịp cầu Phát triển với chủ đề “Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững” mới đây, ông Angus Liew, Chủ tịch HĐTV Gamuda Land Việt Nam khẳng định việc phát triển một dự án bất động sản xanh không đơn thuần chỉ là trồng cây xanh mà đòi hỏi sự phát triển hài hòa giữa con người hệ sinh thái tự nhiên.

“Xanh” ở mọi bước phát triển

Lãnh đạo Gamuda Land Việt Nam cũng cho rằng đối với mỗi nền kinh tế, từng doanh nghiệp là một mắt xích. Việc hướng đến phát triển xanh và bền vững đòi hỏi một nỗ lực đa hướng của cả tập thể. Chỉ cần mỗi doanh nghiệp hiểu được mình có thể làm được gì và nỗ lực làm tốt điều đó, khi cộng hưởng lại sẽ tạo ra những kết quả xứng đáng.

Ông Angus Liew cho biết trong lộ trình hướng đến nền kinh tế xanh của Gamuda Land, doanh nghiệp đề cao cách tiếp cận chiến lược và toàn diện. Ở vị trí của một nhà phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản, Gamuda Land cụ thể hóa việc đóng góp cho tăng trưởng xanh bằng những phương thức quy hoạch tổng thể dự án bền vững và thân thiện với môi trường. Mô hình xây dựng tuần hoàn của doanh nghiệp này cân nhắc tất cả các tác động trong vòng đời dự án từ thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì đến cuối cùng là phá dỡ ngay từ bước lập ý tưởng ban đầu.

Ông Angus Liew – Chủ tịch HĐTV Gamuda Land Việt Nam nhận định, ngành bất động sản sẽ mang đến những đóng góp đáng kể cho mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nếu theo đuổi con đường phát triển dự án xanh.

Bên cạnh đó, ở cấp chiến lược, Tập đoàn Gamuda Berhad (Công ty mẹ của Gamuda Land Việt Nam) đã công bố chiến lược Gamuda Green Plan - GGP. Đây là khuôn khổ để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững áp dụng cho tất cả các nhóm ngành của tập đoàn trong vòng 5 năm tới, tầm nhìn mở rộng đến năm 2030 và xa hơn.

Chiến lược này đề ra với 4 trụ cột chính: quy hoạch, thiết kế bền vững và xây dựng tuần hoàn; cộng đồng và doanh nghiệp; bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học; tăng cường tính bền vững thông qua số hóa. Ông Angus Liew nhấn mạnh đây là định hướng được doanh nghiệp đề ra và áp dụng làm chủ đạo, chi phối mọi hoạt động kinh doanh của Gamuda.

Những thành tựu “xanh”

Với nền tảng chiến lược vững chắc và các hành động cụ thể, chủ đầu tư này đã triển khai được nhiều dự án với kết quả ấn tượng tại Việt Nam. Cụ thể, tại dự án Khu đô thị Celadon City (quận Tân Phú, TPHCM), Gamuda Land đã áp dụng Công nghệ Quản lý Chất thải 6R để giảm thiểu chất thải thải ra môi trường ngoài từ dự án. Đồng thời, chủ đầu tư này cũng cho thu gom và xử lý rác thực phẩm của cư dân trong để chuyển đổi thành phân bón cho mảng xanh rộng hơn 21 ha của khu đô thị.

Về năng lượng tái tạo, từ tháng 5-2021 vừa qua, Gamuda Land đã đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời thân thiện với môi trường tại khu liên hợp thể thao Celadon Sports & Resort Club (CSRC) với quy mô 1.677 tấm pin, quy mô 4.800m2. Sản lượng điện trung bình của hệ thống này là 2.800 kWh/ngày, tương đương 84.000 kWh/tháng vào giai đoạn cao điểm mùa hè. Lượng điện này không chỉ đủ để vận hành toàn bộ khu CSRC và khối văn phòng Gamuda Land mà còn đủ để cung cấp cho lưới điện quốc gia.

Bên cạnh đó, ở trụ sở chính tại Malaysia, tập đoàn Gamuda Berhad đã khai trương nhà máy ứng dụng hệ thống IBS đầu tiên, giúp giảm tối đa khí thải CO2 sản sinh trong quá trình xây dựng. Công nghệ này đã được lên kế hoạch triển khai tại Việt Nam trong tương lai gần.

Về khía cạnh quản trị, doanh nghiệp này đã tăng cường chuyển đổi số, áp dụng phương thức xử lý điện tử trong các thủ tục hành chính, xây dựng nền tảng giao dịch bất động sản trực tuyến với tên gọi “Stay home - Buy home” cho dự án Gamuda City tại Hà Nội và sớm áp dụng đối với dự án Celadon City tại TPHCM.

Celadon City (Quận Tân Phú, TPHCM) phát triển bởi Gamuda Land là một trong những dự án tiêu biểu đáp ứng được các tiêu chí bất động sản xanh, bền vững.

“Trong thời gian tới, Gamuda Land sẽ mang đến thị trường nhiều sáng kiến xanh hơn nữa, trong cách chúng tôi lập quy hoạch tổng thể và triển khai chiến lược GGP để tạo ra nhiều dự án khu đô thị sinh thái hơn. Toàn bộ các dự án do Gamuda Land phát triển trong tương lai sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn xanh và tiết kiệm năng lượng. Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2030 sẽ giảm 50% lượng khí thải CO2 tại các dự án của mình so với các dự án cùng quy mô khác”, ông Angus Liew nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới