(KTSG Online) – UBND tỉnh Hậu Giang vừa kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng đề án du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Đây là bước đi tiếp theo nhằm khai thác du lịch hiệu quả, bền vững tại khu đất ngập nước tiêu biểu phía Tây sông Hậu.
Lung Ngọc Hoàng nằm phía Tây sông Hậu thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, có diện tích khoảng 2.800 héc ta. Đây là vùng đất ngập nước tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là nơi bảo tồn sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, sự đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa cũng như các loài động, thực vật đặc hữu, quý hiếm.
Cụ thể, nơi đây có khoảng 206 loài, trong đó, có 9 loài chim quý hiếm, bao gồm bạc má, cà cuốc, cò ốc, giang sen, cò lạo xám..., và các loài thú như dơi chó, rái móng, chồn mực, cáo mèo cùng các loài quý hiếm khác như càng đước, cua đinh, rùa vàng, ếch giun…
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng sẽ là nơi nghiên cứu khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý, tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại của khu vực ĐBSCL.
Đây là vùng đất được UBND tỉnh Hậu Giang xác định sẽ là nơi phát triển du lịch sinh thái bền vững của địa phương.
UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị nội dung như nêu trên, bởi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan hướng dẫn địa phương thực hiện đề án đúng quy định của pháp luật, bảo đảm mục tiêu vừa bảo tồn bền vững thiên nhiên, môi trường, sinh thái kết hợp với khai thác du lịch hợp lý, khoa học và hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh một cách lâu dài, bền vững.
Vào tháng 6 năm ngoái, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã có quyết định phê duyệt đề án du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.
Theo đó, mục tiêu của đề án lúc bấy giờ là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học gắn với khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của rừng đặc dụng một cách hợp lý để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái và giáo dục môi trường tại khu vực này.
Ngoài ra, đề án cũng hướng đến mục tiêu từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thiết lập các tuyến du lịch sinh thái, tạo dựng các điểm đến hấp dẫn làm cơ sở đưa Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng là trung tâm du lịch lớn của tỉnh, là khu du lịch quốc gia giai đoạn đến năm 2030.
Đề án được xây dựng để làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê môi trường rừng của khu bảo tồn này lập dự án đầu tư du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật.
Song song đó, thông qua hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường; thực hiện chính sách chia sẻ lợi ích đối với người dân địa phương, gắn với phát triển du lịch sinh thái; tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho người dân vùng đệm bằng các dự án phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Các sản phẩm du lịch được định hướng phát triển, bao gồm sản phẩm theo hướng truyền thống (du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên gắn với hệ động thực vật; du lịch vui chơi giải trí; du lịch gắn với bản sắc địa phương); sản phẩm theo hướng độc đáo (du lịch con đường tràm; du lịch trải nghiệm, khám phá thuần thiên nhiên; du lịch nghiên cứu khoa học...).
Đề án cũng định hướng các tuyến du lịch nội khu, gồm tuyến (1) trung tâm điều hành đón tiếp – hệ sinh thái đất ngập nước – điểm du lịch Lung Sen – Lung Lớn – mô hình canh tác nông nghiệp; (2) trung tâm điều hành đón tiếp- hệ sinh thái rừng tràm – điểm nuôi động vật bán hoang dã – điểm giáo dục môi trường – điểm du lịch sinh thái Lung Sen – Lung Lớn; (3) trung tâm điều hành đón tiếp – hệ sinh thái rừng tràm – điểm câu cá – khu vui chơi giải trí – khu lâm viên – mô hình canh tác nông nghiệp; (4) khu nghỉ dưỡng sinh thái.
Đề án được phân kỳ đầu tư hai giai đoạn, giai đoạn 1 từ 2021-2025 và giai đoạn 2 từ 2026-2030 với tổng mức đầu tư khoảng 370 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 khoảng 353 tỉ đồng và giai đoạn 2 khoảng 17 tỉ đồng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được thành lập theo Quyết định số 13/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 1 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2011 của UBND tỉnh Hậu Giang.Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có diện tích khoảng 2.800 héc ta, gồm các phân khu chức năng: khu bảo vệ nghiêm ngặt 1.015 héc ta; phân khu phục hồi sinh thái 937 héc ta; phân khu hành chính dịch vụ 852 héc ta.