(KTSG Online) - Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đáp ứng nhu cầu nội địa, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp CNHT phát triển, từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng linh, phụ kiện cho thị trường trong nước, khu vực.
Theo báo cáo, Hậu Giang hiện có 2 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích là 490,85ha tỷ lệ lấp đầy 81,7%; 4 cụm công nghiệp (CCN) tập trung và 6 CCN, với tổng diện tích là 744,94ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%, thu hút được 110 dự án, đã có 69 dự án đi vào hoạt động, với tổng mức thu hút đầu tư là 77.531 tỉ đồng và 3.802,5 triệu đô la Mỹ.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hoạt động chủ yếu trong các ngành như: sản xuất giấy, thủy sản, giày dép; may mặc, hóa chất, dược liệu, đồ uống,… với sự phát triển tương đối ổn định. Quy mô nhà máy được mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm đã đóng góp cao vào giá trị công nghiệp toàn tỉnh. Cơ cấu ngành công nghiệp đã tăng từ 13,87% năm 2015 lên 20,24% năm 2020; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân giai đoạn 2015-2020 là 8%/năm (5 năm trước là 7,1%).
Cơ cấu lao động khu vực công nghiệp chiếm 14,25% trong tổng số lao động của toàn tỉnh và chiếm 84% lao động khu vực II. Năng suất lao động khu vực công nghiệp đến năm 2020 là 129,1 triệu đồng/lao động/năm.
Trong thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như: Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND ngày 6/12/2019 của HĐND tỉnh Hậu Giang về quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 27/2018/QĐ-UBND ngày 31/12/2018 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng kinh phí và quy định mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Hậu Giang và Quyết định số 13/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của UBND tỉnh Hậu Giang về việc ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Hậu Giang,...
Thực tế, lĩnh vực CNHT của tỉnh vẫn chưa tăng trưởng chưa tương xứng với kỳ vọng. Các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực CNHT chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có tiềm lực về vốn và trình độ sản xuất, quản lý còn hạn chế; chưa tạo ra sản phẩm CNHT được sản xuất của chính cơ sở. Một vài doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Hậu Giang về sản xuất giày thể thao, giấy cứng bao bì nhưng đa phần doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu và phụ liệu hoặc mua của các tỉnh, thành phố khác trong nước.
Việc CNHT của tỉnh còn chậm phát triển một phần do khả năng tham gia thị trường của những doanh nghiệp ngành này còn yếu, chưa có đủ công nghệ, năng lực sản xuất yếu kém và khả năng quản lý còn hạn chế, nên chủ yếu tập trung vào các sản phẩm đơn giản như bao bì, nhãn mác, giày da,...
Nhằm đẩy mạnh việc phát triển lĩnh vực CNHT, UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND triển khai thực hiện chương trình phát triển CNHT trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào CNHT từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh quy mô nhỏ và vừa; Ưu tiên phát triển các sản phẩm CNHT đáp ứng nhu cầu nội địa với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp CNHT phát triển. Xây dựng và hình thành các KCN, CCN liên ngành phục vụ cho các ngành CNHT.
Cụ thể, đối với lĩnh vực linh kiện phụ tùng, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu hình thành và phát triển các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su, điện - điện tử, trong đó tập trung lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng cho các máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ngành công nghiệp chế biến nông sản, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất thiết bị y tế,... Đến năm 2025, phát triển 01 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng cung ứng nhu cầu trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Đối với lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày, tỉnh đặt mục tiêu duy trì, tăng cường năng lực các cơ sở sản xuất hiện có, thu hút đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị vào khâu sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may. Đặc biệt, khâu dệt, nhuộm và hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, giảm dần tỷ lệ nhập khẩu. Đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu và CNHT ngành da giày nhằm tạo giá trị tăng thêm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu của ngành, nâng cao năng lực tự thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, ưu tiên sản xuất giày, dép da thời trang và cặp, túi ví chất lượng cao phục vụ thị trường mới, thị trường cao cấp và thị trường nội địa.
Đối với lĩnh vực CNHT cho công nghệ công nghệ cao, tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, phát triển ngành CNHT ngành điện tử để có thể từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng linh, phụ kiện cho thị trường trong nước, khu vực.