Hậu M&A: 'nợ cũ' ai trả?
Trần Nguyễn Phương Anh (*)
(KTSG) - Việc thay đổi cổ đông và tên gọi có làm mất đi trách nhiệm trả nợ của công ty? Ai sẽ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty đã có trước khi M&A?
Bất kể việc Công ty Minh Quân đã đổi tên thành Công ty Nam Hà Nội và thay đổi cổ đông, nghĩa vụ của Công ty Minh Quân (giờ là Công ty Nam Hà Nội) vẫn không hề thay đổi. Trong ảnh: Công nhân công ty Minh Quân thu gom rác. Ảnh: moitruong.net |
“Nợ cũ” - một trong những tranh chấp điển hình hậu M&A
Đầu năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị hữu quan thanh tra công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn quận Nam Từ Liêm của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (Công ty Minh Quân). Nay, Công ty Minh Quân một lần nữa bị gọi tên vì nợ lương hơn 200 công nhân thu gom rác từ tháng 7-2020. Trên thực tế, Công ty Minh Quân đổi tên thành Công ty cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội (Công ty Nam Hà Nội) từ tháng 11-2020.
Bà Trần Thị Bích, đại diện Công ty Nam Hà Nội, xác nhận đã biết về việc nợ lương công nhân qua sổ sách kế toán khi mua lại cổ phần của Công ty Minh Quân vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, bà Bích cho rằng khoản nợ này thuộc trách nhiệm của công ty cũ, bà không nắm những gì trước đó mà Công ty Minh Quân làm(1). Dù vậy, đến nay, Công ty Nam Hà Nội cũng đã tạm ứng 500 triệu đồng để trả lương cho công nhân và cam kết sẽ trả đầy đủ trước ngày 10-7-2021(2).
Cần phải rõ ràng rằng nghĩa vụ trả lương là nghĩa vụ của công ty Minh Quân với tư cách là người sử dụng lao động và một pháp nhân độc lập với các cổ đông của công ty. Thay đổi cổ đông sẽ không dẫn đến việc thay đổi tư cách người sử dụng lao động của công ty trong quan hệ với người lao động. |
Từ các thông tin nêu trên, chúng ta thấy một số sự kiện quan trọng: (i) đã có một thương vụ mua bán cổ phần (M&A) trong Công ty Minh Quân; (ii) khoản nợ lương công nhân được bên mua coi là một nghĩa vụ của công ty cũ trước khi M&A; và (iii) Công ty mục tiêu (Công ty Minh Quân) đã đổi tên thành Công ty Nam Hà Nội.
Các sự kiện này làm phát sinh một số vấn đề pháp lý: Việc thay đổi cổ đông và tên gọi có làm mất đi trách nhiệm trả nợ của công ty? Ai sẽ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty đã có trước khi M&A?
Đổi tên, đổi chủ chứ không đổi công ty
Một trong những lý do dẫn đến việc nợ lương là Công ty Minh Quân có sự thay đổi cổ đông sau M&A và đổi tên công ty. Về việc này, cần phải rõ ràng rằng nghĩa vụ trả lương là nghĩa vụ của Công ty Minh Quân với tư cách là người sử dụng lao động và một pháp nhân độc lập với các cổ đông của công ty. Thay đổi cổ đông sẽ không dẫn đến việc thay đổi tư cách người sử dụng lao động của công ty trong quan hệ với người lao động, và do vậy, không miễn trách nhiệm thanh toán khoản nợ lương.
Tương tự như vậy, việc đổi tên không làm thay đổi tư cách pháp nhân của Công ty Minh Quân, mà cụ thể hơn là mã số doanh nghiệp vẫn giữ nguyên như khi chưa đổi tên. Nghị định 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp có quy định rõ ràng: “Việc thay đổi tên doanh nghiệp không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp”.
Tóm lại, theo luật, bất kể việc Công ty Minh Quân đã đổi tên thành Công ty Nam Hà Nội và thay đổi cổ đông, nghĩa vụ của Công ty Minh Quân (giờ là Công ty Nam Hà Nội) vẫn không hề thay đổi.
Xử lý nợ trong M&A: phải rõ ràng ngay từ đầu
Điều đáng lưu ý là việc nợ lương này có liên quan đến giao dịch M&A giữa các cổ đông cũ (người bán) và cổ đông mới (người mua) của Công ty Minh Quân. Các khoản nợ của công ty là vấn đề rất dễ gây ra tranh chấp trong các giao dịch M&A. Thông thường, tranh chấp phát sinh khi bên bán che giấu các khoản nợ, và bên mua chỉ phát hiện ra sau khi tiếp quản công ty. Trong trường hợp này, theo phát biểu của bà Bích, khoản nợ lương có thể hiện trong sổ sách kế toán của Công ty Minh Quân; nghĩa là nợ phát sinh trước khi hoàn tất giao dịch và đã tiết lộ cho bên mua.
Khi cổ đông cũ (bên bán) bán cổ phần cho cổ đông mới (bên mua), về nguyên tắc, khoản nợ của công ty không ảnh hưởng đến lợi ích của bên bán vì bên bán bán cổ phần của mình và nhận được tiền chuyển nhượng số cổ phần ấy, chứ bên bán không bán tài sản của công ty. Nhưng nợ của công ty sẽ khiến giá bán cổ phần giảm đi, thông thường, bên mua sẽ yêu cầu bên bán giảm giá tương ứng với số nợ của công ty.
Tất nhiên, dù nợ của công ty độc lập với nghĩa vụ của bên bán, các bên trong giao dịch M&A có thể thỏa thuận về việc xử lý khoản nợ lương này nếu họ muốn. Thông thường, các bên sẽ yêu cầu bên bán thanh toán khoản nợ lương thay cho công ty trước khi hoàn tất giao dịch M&A.
Vì bên bán trả nợ thay cho công ty, do vậy, công ty nợ lại bên bán khoản tiền đã trả thay - lúc này công ty trở thành con nợ của bên bán (cổ đông cũ). Do vậy, để tránh phiền phức giữa công ty và cổ đông cũ, trong một số trường hợp, bên bán (cổ đông cũ) chấp nhận xóa khoản nợ này cho công ty để “cắt đứt” quan hệ giữa các bên sau khi bên bán bàn giao công ty cho bên mua.
Chúng ta không biết có những thỏa thuận tương tự giữa các cổ đông mới và cũ của Công ty Minh Quân hay không; nếu các bên có thỏa thuận thì sẽ áp dụng thỏa thuận đó để giải quyết. Thực tế là khoản nợ lương vẫn chưa được thanh toán cho người lao động. Vì vậy, công ty Minh Quân, nay là Công ty Nam Hà Nội, hiện vẫn là chủ thể phải thanh toán tiền lương cho người lao động của công ty.
(*) Công ty Luật Global Vietnam Lawyers
(1) https://tuoitre.vn/tru-so-cong-ty-no-luong-khong-bong-nguoi-cong-nhan-moi-truong-khoc-nghen-20210612192413839.htm
(2) https://laodong.vn/cong-doan/tu-vu-cong-ty-minh-quan-doanh-nghiep-duoc-cham-tra-luong-trong-bao-lau-924707.ldo