(KTSG Online) - Sau vụ sạt lở đất đá lấp ngang thân khiến hàng chục xe ô tô bị mắc kẹt tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội hồi đầu tuần này, nhiều tờ báo đã chụp ảnh bằng flycam toàn khu vực. Thật đáng lo ngại khi một vùng rộng lớn với vài chục nhà nghỉ, biệt thự được xây dựng theo kiểu tối kỵ: khoét vào đồi núi và che lấp suối tự nhiên.
- Đã tìm được thi thể 4 người bị vùi lấp trong vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc
- Kiểm tra nguy cơ sạt lở hai tuyến đường cửa ngõ vào Đà Lạt
Sáng 4-8, mưa lớn khiến nhiều ô tô bị mắc kẹt vì đất đá bao phủ quá nửa bánh xe ở chung quanh hồ Ban Tiện xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Tại xã Minh Trí cùng huyện cũng xảy ra tình trạng mưa lớn kèm theo đất đá cuốn từ đồi chảy tràn xuống đường.
Sự việc được vị đại diện chính quyền huyện Sóc Sơn giải thích là "do mưa lớn kèm độ dốc của địa hình nên nước đổ xuống kèm theo sỏi đá và đất khiến xe bị đất bao vây chứ không có chuyện sạt lở đất"(1).
Các vị đại diện chính quyền xã, huyện ở đây cũng cho biết thêm là sẽ kiểm tra và xử lý tình trạng xây cất trái phép. Thế nhưng có vẻ là mọi chuyện đã khá muộn màng vì ảnh từ flycam trên nhiều tờ báo cho thấy cả một khu vực rộng lớn phía trên rừng đã bị san ủi không còn cây cối để lấy mặt bằng xây dựng.
Một số người dân địa phương ở chân đồi cho báo chí biết, sau khi nhiều ngôi nhà được xây ở lưng chừng đồi, cứ mưa là nước kèm bùn đất đổ xối xả tràn xuống khiến họ phải đục tường rào để thoát bùn đất.
Hai khu vực "view đẹp" nhìn xuống hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) và hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) được xây nhà nghỉ đầu tiên. Ban đầu các nhà nghỉ và biệt thự ở gần hồ nhưng về sau hầu như tất cả vị trí "view đẹp" nhìn ra ruộng, sông suối, ao hồ đều được khai thác triệt để. Hệ quả là các khu nhà ngày càng lùi dần lên cao về phía rừng và khoét sâu vào đồi núi. Không chỉ xây nhà trên rừng, người ta còn xẻ rừng làm cả một con đường dài 300 mét nối vào khu nhà và xây nhà cả trên suối thoát nước(2).
Việc xây dựng tràn lan này không phải mới. Thử đọc một bản tin rao trên website batdongsan.com.vn ngày 25-7-2011, cách đây đúng 12 năm sẽ thấy rõ: "Bán căn villa tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Diện tích 4000m², vị trí view đẹp nhất khu quần thể. Giá bán 13 tỉ đồng"(3). Khu vực xã Minh Phú là rừng phòng hộ, thế nhưng hàng chục năm trước đã có người xây biệt thự rao bán công khai.
Việc xây dựng như vậy ở huyện Sóc Sơn đang tạo ra những trái bom nổ chậm vì phạm vào nhiều điều tối kỵ trong xây dựng ở khu vực đồi núi. Với địa hình dốc cao từ trên núi xuống dưới hồ, việc xây dựng cắt vào chân sườn đồi tạo thành những vách ta-luy thẳng đứng sẽ khiến kết cấu phía trên bị yếu. Nguy cơ còn cao hơn khi người ta lại xây nhà che lấp cả suối, làm giảm đường thoát nước tự nhiên đã tồn tại lâu nay.
Khi sườn đồi núi tự nhiên bị tác động vào như làm đường, san lấp mặt bằng để xây nhà, chặt cây… sẽ làm mất đi lớp phủ thực vật bảo vệ tự nhiên và làm ứ đọng nước trên sườn dốc thì khi đó sườn dốc không còn tự nhiên nữa, rất dễ mất ổn định, nhất là khi mưa lớn kéo dài dễ xảy ra sạt lở.
Kết cấu đồi núi bị yếu phía chân và nước thoát chậm tích tụ lại là hai điều kiện dẫn đến sạt lở, mức độ có thể rất kinh khủng. Những bài học nhãn tiền còn nóng hổi từ các vụ sạt lở ở tỉnh Lâm Đồng trong tháng 6-7 vừa qua đều có chung hai nguyên nhân này.
Vụ sạt lở hôm 4-8 ở Sóc Sơn có thể mới chỉ là một cú rùng mình nhẹ của thiên nhiên mang tính cảnh báo. Nếu chính quyền địa phương tiếp tục buông lỏng quản lý để xây dựng tự phát tràn lan như hàng chục năm qua thì rất có thể một ngày nào đó thảm hoạ sẽ xảy ra với cái giá phải trả vô cùng đắt về sinh mạng!
-------------------
Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ. Đó là quy luật chung của mọi vấn đề. May mắn thay, con người dù sao vẫn là sinh vật thượng đẳng, còn có lý trí và lương tâm. Hai thứ này có thể là dây cương dẫn dắt nhân loại tỉnh táo, tiếp bước. Làm sao để phòng tránh được những thảm họa toàn cầu xem ra theo dự báo đang diễn ra ngày càng trầm trọng ? Lý trí và lương tâm, là nhân tố quan trọng nhất. Nhưng để thành công, đó phải là lý trí và lương tâm của đại đa số nhân loại, chứ không phải của vài tiếng kêu gọi, cầu cứu đơn lẻ.
Một người tỉnh thức, vẫn còn hơn không có ai tỉnh thức. Lý trí < Lương tâm. Bởi vì lý trí đi đôi với tính toán so bì, thiệt hơn, còn lương tâm cho phép con người chấp nhận, dám dấn thân vì sự nghiệp cao cả. Muốn chiến thắng thảm họa nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu đang cận kề xảy ra, con người trước hết phải đánh thức lương tâm.