(KTSG) - Cơn mưa lớn chiều ngày 1-9 làm ngập phố núi Đà Lạt, dù chỉ trong phạm vi nhỏ nhưng khiến dư luận bất ngờ, và đây không phải lần đầu tiên.
Điểm ngập gây chú ý nhất hôm đó là đoạn có suối Cam Ly đi ngang qua khu vực đường Phan Đình Phùng, nhiều chỗ nước ngập sâu hơn 0,5 mét và cũng là một trong những điểm ngập mới. Ngoài ra, một số nơi khác tại khu trung tâm cũng bị ngập, như đường Ngô Văn Sở, Tô Ngọc Vân, Mạc Đĩnh Chi, Trương Văn Hoàn, Cách mạng Tháng Tám…
Ngoài bị ngập trong mưa lớn do nước mưa thoát không kịp đổ dồn quá mức về những chỗ có địa hình thấp hơn, thậm chí là nước từ suối tràn lên, Đà Lạt ngày nay đã chính thức không còn danh hiệu “thành phố không đèn giao thông”, bên cạnh tình trạng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt.
Ở nước ta, nhiều địa phương sai lầm trong hoạch định phát triển: xây dựng tràn lan, đánh đổi cả cảnh quan, môi trường tự nhiên, các di sản quý giá, mà vấn đề khắc phục lại luôn hết sức khó khăn và tốn kém. Ngập nước xảy ra ngay cả ở những vùng cao như Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng), thậm chí là trên đảo ngoài khơi như Phú Quốc (Kiên Giang).
Phát triển một thành phố đâu nhất thiết cứ phải bê tông hóa với hàng hàng công trình xây dựng kiên cố và nhà cao tầng. Tôi khá ấn tượng với Hội An (Quảng Nam), nơi được đánh giá là hình mẫu cho bảo tồn và phát triển bền vững.
Phố cổ Hội An có quy hoạch gắn chặt quyền lợi người dân với bảo vệ và khai thác di sản giúp phát triển kinh tế. Chính quyền địa phương nơi này đã làm tốt công tác quản lý, đảm bảo cảnh quan với không gian sống, bổ sung nhiều chi tiết cũ và mới theo hướng tích cực, thu hút khách du lịch. Đến nay, phố cổ Hội An vẫn còn nguyên vẹn những ngôi nhà cổ, không gian kiến trúc, cảnh quan môi trường, đặc biệt, người dân vẫn sinh hoạt đời thường, phát triển kinh tế ngay trong vùng di sản.
Đà Lạt cho dù có đầu tư hàng loạt công trình cao tầng kiên cố thì cũng khó có tiện ích hiện đại như các đô thị lớn khác trong nước, càng không thể so sánh với nước ngoài. Liệu ai sẽ dành thời gian du lịch lên phố núi để ngắm những khối bê tông cốt thép vô hồn?
Bất kỳ một thành phố, thậm chí một đô thị nào cũng có giới hạn khả năng phục vụ đời sống con người. Chúng chỉ có thể chứa một lượng người và một lượng nhu cầu nhất định, nếu vượt quá tất dẫn đến những hệ lụy. Cũng giống một căn nhà rộng 30 mét vuông chỉ có thể sống tối đa ba người trong đó, nhưng nếu nó phải chứa tới chín người - gấp ba lần, tất nhiên dẫn đến các sự cố.
Đà Lạt với diện tích khoảng 393 ki lô mét vuông, hơn 90 năm trước, người Pháp khi lập quy hoạch đã cảnh báo nguồn nước ngầm, nước bề mặt chỉ đủ cung ứng cho khoảng 120.000 người. Đến nay, dân số Đà Lạt đã hơn 300.000 người, tình trạng bê tông hóa tràn lan, đặc biệt, các công trình xây dựng, nhà cao tầng, khách sạn nén chặt trong khu vực trung tâm.
Đà Lạt vẫn đang sử dụng nước sinh hoạt từ mạng lưới đường ống cũ chưa đáp ứng nhu cầu. Dân số đã tăng đột biến, nếu tiếp tục gia tăng thì càng tạo áp lực lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu về cấp nước, thoát nước, giao thông.
Mở rộng bê tông hóa càng khiến mất dần cảnh quan và mảng xanh ở khu vực trung tâm, nguồn nước ngầm càng suy giảm, vượt quá khả năng chống đỡ với môi trường sống thì sinh hoạt người dân tất sẽ bị đảo lộn: thiếu thốn, ô nhiễm, giảm chất lượng sống…
Quy hoạch và thiết kế đô thị (1/500) khu Hòa Bình từng được công bố là sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo khu trung tâm Đà Lạt rộng hơn 30 héc ta. Theo đó, đồi Dinh rộng 4,43 héc ta có tên trong danh sách bảo tồn đặc biệt cũng lọt vào kế hoạch di dời - nâng lên cao hơn 28 mét và xây tổ hợp khách sạn 10 tầng với nhà hàng, khu thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ.
Dự án nếu thành hình e là sẽ làm hỏng cảnh quan kiến trúc, nơi có địa hình cao nhất giữa trung tâm Đà Lạt, không chỉ mất đi mảng xanh mà hàng loạt di sản độc đáo cùng với con người cũng sẽ bị “nuốt chửng” vào bên trong quần thể đó.
Quy hoạch đô thị phải căn cứ trên mật độ dân số, yếu tố môi trường tự nhiên cũng như hạ tầng thoát nước, cấp nước, giao thông. Thiếu một trong những điều kiện này, đô thị không chỉ khó phát triển mà còn phản tác dụng, gây thiệt hại kéo dài qua nhiều thế hệ khi con người và mọi sinh hoạt đời sống, lao động sản xuất bị dồn nén trong một diện tích quá hẹp.
Mong sao các cấp thẩm quyền thận trọng nghiên cứu, xử lý tốt mối quan hệ giữa hiện đại hóa xây dựng với bảo vệ cảnh quan, bảo vệ các giá trị nhân văn sâu xa có chứa đựng cả tình cảm cư dân trong đó. Điều kiện tiên quyết vẫn nên là giữ gìn vẻ đẹp cảnh quan, bảo tồn di sản, chỉ cho phép đầu tư những dự án theo hướng hài hòa và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tập trung khắc phục các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến dân sinh; đầu tư hệ thống cống đồng bộ giải quyết thoát nước kịp thời, nhất là cho các khu vực bị ngập; tăng cường khả năng trữ nước, cấp nước sinh hoạt cho khu vực trung tâm; quy hoạch giao thông theo hướng tăng phương tiện giao thông công cộng với năng lượng xanh và sạch, như xe buýt điện, xe đạp, đi bộ thay cho phương tiện cá nhân, nhất là xe máy.
Nói chung, Đà Lạt cần quy chế quản lý phù hợp, gắn quyền lợi người dân với bảo vệ và khai thác cảnh quan, di sản, giúp phát triển kinh tế - một lối phát triển phù hợp, hài hòa, như Hội An đã làm được.
Không chỉ riêng Đà Lạt, ở nhiều nơi trên khắp đất nước ta, từ bắc vào nam, từ miền núi đến đồng bằng… nơi nào cũng đang diễn ra tình trạng tương tự. Không phải là kêu gọi nữa, mà cần một lệnh cấm toàn diện, có hiệu lực cho Đà Lạt, nhằm sớm trả lại không gian sinh thái của con người và của các loài cây. Chậm ngày nào sẽ hối hận ngày đó.
Hết chỗ rồi hay sao mà bứng cả di tích để xây nhà cao tầng? Đà Lạt giờ đã chật chội nơi trung tâm, kẹt xe, ngập nước chẳng khác gì HN, TPHCM. Thức tỉnh đi, giờ tuy đã muộn nhưng còn hơn không.