Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hệ thống tài chính toàn cầu đối mặt thách thức do lãi suất cao

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ủy ban Ổn định tài chính (FSB), cơ quan quốc tế giám sát và tư vấn về hệ thống tài chính toàn cầu cảnh báo, ngành ngân hàng đối mặt với các cú sốc và thách thức trong những tháng tới khi lãi suất cao kìm hãm đà phục hồi kinh tế và đe dọa các lĩnh vực quan trọng bao gồm bất động sản.

Chủ tịch FSB Klaas Knot nhấn mạnh bất động sản là lĩnh vực dễ tổn thương do lãi suất cao. Vì vậy, giới chức trách cần giám sát chặt chẽ để phát hiện các dấu hiệu căng thẳng. Ảnh: Getty

Trong thư gửi cho các nhà lãnh đạo của nhóm các nền kinh tế lớn G20 trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi (Ấn Độ) trong tuần này, Klaas Knot, Chủ tịch FSB, nhận định đà phục phục hồi kinh tế toàn cầu đang mất động lực khi tác động của làn sóng tăng lãi suất ở các nền kinh tế lớn ngày càng được cảm nhận rõ rệt.

“Chắc chắn sẽ có thêm những thách thức và cú sốc nữa mà hệ thống tài chính toàn cầu sẽ phải đối mặt trong những tháng và năm tới”, ông nói.

Thị trường tài chính toàn cầu tương đối ổn định trong những tháng gần đây. Đó là điều đáng mừng sau khi cuộc khủng hoảng đầu năm nay dẫn đến cú sụp đổ của các ngân hàng khu vực ở Mỹ như Silicon Valley Bank cũng như khiến Credit Suisse, một ngân hàng lâu đời của Thụy Sĩ phải sáp nhập vào đối thủ UBS.

Tuy nhiên, rủi ro trong hệ thống tài chính toàn cầu vẫn còn dù sự lây lan từ các biến cố của ngành ngân hàng hồi tháng 2 và tháng 3 đã được kiểm soát. Ông nhấn mạnh, giới chức trách nên giám sát chặt chẽ chất lượng của các tài sản nhạy cảm với lãi suất chẳng hạn như bất động sản, lĩnh vực dễ bị tổn thương khi lãi suất cao. Chủ tịch FSB cũng kêu gọi tổ chức cung cấp tài chính cho lĩnh vực bất động sản quản lý rủi ro của họ một cách hợp lý.

FSB nhấn mạnh rằng, một hệ thống tài chính ổn định và linh hoạt là điều không thể thiếu để duy trì tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong môi trường hiện nay. Lạm phát mạnh và dai dẳng cũng như tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại có thể dẫn đến thua lỗ tín dụng lớn hơn ở các tổ chức ngân hàng và phi ngân hàng trong bối cảnh nợ toàn cầu đang ở các mức cao lịch sử.

Tác động từ các mức lãi suất cao ở các nền kinh tế lớn của phương Tây cần có thời gian để ngấm vào nền kinh tế thực vì nhiều hộ gia đình đã vay tiền ngân hàng với mức lãi suất cố định trước khi Cục Dự trữ liên Mỹ (Fed) Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát.

Knot kêu gọi thực hiện “đầy đủ và nhất quán” các quy định về vốn ngân hàng trên toàn cầu (Basel III) đã được các cơ quan quản lý nhất trí vào năm 2017 và có hiệu lực vào năm 2023.

Ông cũng chỉ ra sự cần thiết phải thiết lập các quy định chặt chẽ hơn đối với các tổ chức tài chính phi ngân hàng như tín dụng tư nhân đến các quỹ phòng hộ và công ty bảo hiểm. Theo đó, trọng tâm chính sách của FSB trong năm 2024 là giải quyết các rủi ro ổn định tài chính từ các khoản nợ ngày càng gia tăng trong lĩnh vực phi ngân hàng.

Hồi tháng 7, Mỹ tuyên bố sẽ chưa tiến hành các cải cách vốn ngân hàng Basel III cho đến giữa năm 2025, muộn hơn khoảng sáu tháng so với Liên minh châu Âu (EU) và Anh, vốn cũng tuyên bố trì hoãn thực thi Basel III để giúp các ngân hàng có thêm thời gian để điều chỉnh.

Basel III được xem là chuẩn mực để quản lý rủi ro của ngành ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn đang xem xét một loạt biện pháp tinh chỉnh để giải quyết một số lỗ hổng đã bộc lộ trong năm nay.

Các biện pháp này bao gồm thắt chặt các quy định về vốn và thanh khoản của các ngân hàng, đồng thời buộc Mỹ áp dụng Basel III đối với nhiều ngân hàng hơn.

Theo Financial Times, Business Standard

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới