(KTSG Online) – Dữ liệu lạm phát của Mỹ nóng hơn dự kiến đã xóa sạch thành quả của đợt phục hồi giá trái phiếu trên toàn cầu từ tháng 12 năm ngoái. Nhà đầu tư bán tháo trái phiếu vì dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất vào tháng 7 thay vì tháng 3 như kỳ vọng trước đó.
- Lợi suất trái phiếu chính phủ trên toàn cầu lên mức cao nhất 15 năm
- Doanh nghiệp Âu, Mỹ chạy đua phát hành trái phiếu tận dụng chi phí vay giảm
Chỉ số nợ toàn cầu của Bloomberg, chuyên theo dõi trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp tiêu biểu trên thế giới đã giảm 3,5% trong năm nay và xóa sạch thành quả tăng từ đầu tháng 12-2023. Trong phiên giao dịch hôm 13-2, chỉ số này giảm 0,72% sau khi hàng loạt trái phiếu bị bán tháo do thị trường đón nhận dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến.
Trái phiếu trên toàn cầu rơi vào đà giảm giá sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell đẩy lùi các kỳ vọng của thị trường về việc Fed có thể nới lỏng tiền tệ vào tháng 3 tới. Trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình CBS đầu tháng này ông nhấn mạnh, mục tiêu lạm phát về mức 2% trong tháng 3 là không chắc chắn.
Nhà đầu tư càng giảm giảm kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất sớm khi mới đây đón nhận thông tin lạm phát của Mỹ trong tháng 1 mạnh hơn dự kiến. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ tăng 0,3% so với tháng 12 và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cao hơn dự báo trước đó của những nhà kinh tế với mức tăng 0,2% so với tháng trước và 2,9% so với năm ngoái. Các nhà giao dịch trên thị trường lãi suất tương lai hiện dự báo Fed tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed vào tháng 7.
Goldman Sachs và Oxford Economics đặt cược tháng 5 cho lần cắt giảm lãi suất đầu tiên. Các ngân hàng như Bank of America, Morgan Stanley, Comerica Bank dự đoán Fed sẽ bắt đầu xoay trục chính sách tiền tệ vào tháng 6.
“Tôi không nghĩ 2024 sẽ là năm của trái phiếu. Vào đầu năm, thị trường đã quá tin tưởng rằng vấn đề lạm phát của Mỹ đã biến mất”, Andrew Lilley, chiến lược gia trưởng về lãi suất tại Barrenjoey, nói với The Australian Financial Review.
“CPI của Mỹ trong tháng 1 là yếu tố thay đổi cuộc chơi. Kỳ vọng xu hướng lạm phát giảm tốc, tạo cơ hội cho Fed chủ động giảm lãi suất sớm đang biến mất”, Prashant Newnaha, nhà chiến lược lãi suất củaTD Securities bình luận.
Newnaha cho rằng, khi CPI của Mỹ bắt đầu đầu dịch chuyển lên mức cao hơn, Fed sẽ chưa thể giảm lãi suất sớm. Điều này sẽ tạo xung lực giảm giá trái phiếu hơn nữa. Các nhà giao dịch hiện chỉ dự đoán Fed tiến hành 3 đợt giảm lãi suất trong năm nay thay vì 6-7 đợt như kỳ vọng vào cuối năm ngoái.
Theo Amy Xie Patrick, người đứng đầu chiến lược thu nhập cố định của Pendal Group, sức mạnh của nền kinh tế Mỹ khiến trái phiếu chính phủ trở nên kém hấp dẫn vào lúc này. Bà đã dừng đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ để tập trung nhiều hơn vào trái phiếu doanh nghiệp.
“Tín dụng doanh nghiệp là lựa chọn dễ dàng hơn vì động lực kinh tế vẫn đủ mạnh để hỗ trợ các tài sản rủi ro”, Xie Patrick nói.
Trong khi đó, Raphael Bostic, thành viên của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) dự báo, lạm phát chỉ trở về gần mức mục tiêu 2% vào cuối năm 2024. Với triển vọng đó, động thái giảm lãi suất đầu tiên của Fed chỉ diễn ra vào mùa hè tới.
Bostic bày tỏ ngạc nhiên trước sức mạnh của thị trường lao động Mỹ sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế tạo ra 353.000 việc làm mới trong tháng 1. Con số này cao hơn nhiều so với kỳ vọng và đưa tỷ lệ thất nghiệp về mức dưới 4% trong tháng thứ 24 liên tiếp.
Ông cho rằng, các điều kiện kinh tế hiện tại có thể duy trì giá cả ở mức cao. Bởi khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, mọi người có nhiều tiền hơn để chi tiêu, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tăng giá hơn.
Theo Bloomberg, Financial Review