Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hiểu đúng quy định về mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp

LS. Nguyễn Văn Phúc - LS. Nguyễn Nhật Dương(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Các cơ quan có thẩm quyền đẩy mạnh thanh tra quy trình phát hành trái phiếu tại nhiều doanh nghiệp. Một số tập đoàn lớn bị điều tra, xử lý vi phạm. Điểm chung trong các vụ việc này được báo chí đề cập là việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu liên quan đến mục đích sử dụng vốn huy động hoặc gian dối trong phát hành trái phiếu.

Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp khác phải hủy bỏ kế hoạch phát hành trái phiếu, hoặc phải mua lại trái phiếu trước hạn. Tình hình đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường trái phiếu được xem là một trong những kênh huy động vốn chính của doanh nghiệp.

Một vấn đề mà cho đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn đó là: sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu như thế nào là đúng mục đích theo quy định?

Theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 16-9-2022 (NĐ65, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp), doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu cho các mục đích: (i) thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; (ii) cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp; (iii) mục đích phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Có thể thấy, ngoài việc loại bỏ mục đích “tăng quy mô vốn hoạt động”, NĐ65 còn sửa đổi mục đích “cơ cấu lại nguồn vốn” thành “cơ cấu lại nợ” của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Cũng theo nghị định này, về phương án phát hành trái phiếu, trường hợp phát hành trái phiếu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, doanh nghiệp cần nêu cụ thể về tình trạng pháp lý và các rủi ro đầu tư của chương trình, dự án; trường hợp để cơ cấu lại nợ, doanh nghiệp cần nêu cụ thể giá trị, kỳ hạn của khoản nợ được cơ cấu. Ngoài ra, hiện vẫn chưa có quy định, hướng dẫn nào cụ thể hơn về mục đích phát hành trái phiếu.

Hiểu sao cho đúng về mục đích “thực hiện chương trình, dự án đầu tư”?

Luật Đầu tư 2020 quy định đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh, thông qua các hình thức: (i) đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; (ii) đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; (iii) thực hiện dự án đầu tư; (iv) đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC; và (v) các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.

Nếu áp dụng nội dung quy định này vào mục đích phát hành trái phiếu tại NĐ65 nêu trên thì chỉ có trường hợp “thực hiện dự án đầu tư” của chính doanh nghiệp phát hành trái phiếu là thực sự rõ ràng.

Ngoài ra, không có quy định nào cụ thể về “thực hiện các chương trình đầu tư” nêu ở NĐ65, do đó, không thể chắc chắn liệu rằng một chương trình đầu tư có thể bao gồm việc doanh nghiệp đầu tư thành lập tổ chức kinh tế mới, hoặc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại doanh nghiệp khác, hoặc hợp tác thông qua hợp đồng BCC hay không.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không phải để thực hiện dự án đầu tư của chính doanh nghiệp đó mà có thể thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thành lập công ty dự án, góp vốn vào công ty con (công ty dự án) hoặc góp vốn với một hoặc nhiều bên trong hợp đồng BCC.

Phạm vi hoạt động đầu tư theo pháp luật đầu tư là rất rộng, đơn cử trường hợp doanh nghiệp thành lập tổ chức kinh tế và hoạt động kinh doanh sau đó của tổ chức cũng chính là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Do đó, việc để ngỏ mục đích “thực hiện chương trình, dự án đầu tư” có thể khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc xác định mục đích phát hành trái phiếu.

Một vấn đề mà cho đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn băn khoăn đó là: sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu như thế nào là đúng mục đích theo quy định?

Theo chúng tôi, ở thời điểm hiện tại, khi vận dụng quy định này vào thực tế, gần như các cơ quan có thẩm quyền đang hiểu rằng doanh nghiệp chỉ được sử dụng tiền huy động từ kênh trái phiếu để tự mình thực hiện và quản lý hoạt động đầu tư, mà không thể thông qua một đơn vị trung gian để thực hiện hoạt động này. Đây là một cách hiểu mà chúng tôi cho rằng cần phải điều chỉnh để không hạn chế quyền được đầu tư, kinh doanh hợp pháp đã được ghi nhận tại Luật Đầu tư 2020.

Hiểu sao cho đúng về “cơ cấu lại nợ doanh nghiệp”?

Tương tự, đối với mục đích cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp, NĐ65 cũng không làm rõ các khoản nợ mà doanh nghiệp có thể cơ cấu. Trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp có thể phát sinh nhiều khoản nợ, như đến từ nghĩa vụ đối với người lao động, nhà cung cấp; các khoản nợ từ hợp đồng hợp tác; các khoản nợ vay, thậm chí là nợ trái phiếu.

Do đó, liệu doanh nghiệp có thể hiểu rằng “nợ” mà NĐ65 đề cập bao gồm tất cả các khoản nợ phải trả áp dụng theo chế độ kế toán doanh nghiệp hay không, vẫn là một câu hỏi lớn.

Đồng thời, việc liên tục xuất hiện những thông tin trái chiều về trái phiếu doanh nghiệp hiện nay làm cho các nhà đầu tư cá nhân hoang mang, dẫn đến việc không ít người yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn.

Điều này khiến doanh nghiệp đang khó lại càng thêm khó khi phải xoay xở nguồn tài chính để mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư. Liệu rằng một doanh nghiệp phát hành lô trái phiếu sau nhằm trả lãi hoặc mua lại trái phiếu từ các lô trước có được NĐ65 chấp nhận hay không, khi mà việc này không khác gì một hình thức đảo nợ.

Có thể thấy, mặc dù Chính phủ đã có những sửa đổi, điều chỉnh đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hướng siết chặt hơn, nhưng việc để mở và chưa có những hướng dẫn cụ thể về mục đích phát hành trái phiếu khiến cho không ít doanh nghiệp đang phải loay hoay với nhiều cách hiểu khác nhau.

Cho đến khi chưa hiểu đúng về mục đích phát hành trái phiếu, doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn rủi ro bị xử phạt vi phạm hành chính cũng như trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp đối với các cá nhân liên quan.

Do vậy, Bộ Tài chính cần sớm ban hành thông tư để hướng dẫn doanh nghiệp hiểu đúng về mục đích phát hành trái phiếu, bảo đảm việc phát hành và sử dụng nguồn vốn tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới có thể phát huy hết tiềm năng của kênh huy động vốn từ trái phiếu, góp phần đưa doanh nghiệp cũng như nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hậu Covid-19 này.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới