Chủ Nhật, 6/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hiểu đúng và đủ để ứng phó hiệu quả với CBAM

Cẩm Hà

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đa số doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đầy đủ và chính xác về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Điều này dẫn tới lo lắng thái quá hoặc chuẩn bị ứng phó không hiệu quả.

Có doanh nghiệp gạo, nhựa nghĩ mình thuộc diện áp dụng CBAM

Nhận xét nói trên của bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM, người trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với cơ chế này, tại tọa đàm do Tạp chí Công Thương tổ chức mới đây.

EU, trong nỗ lực từ khá sớm để thực hiện mục tiêu trở thành lục địa đầu tiên trên thế giới trung hòa về carbon, đã ban hành CBAM nhằm thiết lập thương mại công bằng - theo nghĩa hàng nhập khẩu cũng phải chịu các chi phí tương tự như hàng xuất khẩu, bao gồm cả chi phí phát thải. Lộ trình thực hiện CBAM được chia thành ba giai đoạn. Giai đoạn chuyển tiếp từ 1-10-2023 đến tháng 12-2025, các nhà nhập khẩu EU chưa bị áp thuế carbon mà chỉ phải tuân thủ nghĩa vụ báo cáo lượng carbon phát thải. Giai đoạn vận hành từ tháng 1-2026 đến năm 2034, các nhà nhập khẩu EU sẽ bị tính thuế carbon, tức phải mua các chứng chỉ phát thải carbon (hay còn gọi là chứng chỉ CBAM), tương ứng với lượng phát thải carbon ở hàng hóa mà họ nhập khẩu từ các nước có mức thuế phát thải thấp hơn hoặc không đánh thuế này. Giai đoạn vận hành CBAM toàn bộ sẽ bắt đầu từ năm 2034.

Cơ chế CBAM ban đầu sẽ áp dụng cho nhập khẩu điện, nhôm, sắt thép, xi măng, phân bón và hydro. Bốn trong số sáu mặt hàng này là nhóm ngành chính Việt Nam xuất khẩu vào EU (nhôm, sắt thép, xi măng và phân bón).

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết thời gian qua hiệp hội đã tìm hiểu thông tin liên quan về CBAM và cập nhật trong các bản tin hàng tháng để phổ biến tới doanh nghiệp. Nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề về CBAM; các khóa đào tạo cho cán bộ chủ chốt liên quan đến xuất khẩu của doanh nghiệp về cơ chế này cũng như tác động đến xuất khẩu trong tương lai... đã được tổ chức. Bản thân doanh nghiệp ngành thép cũng đã tích cực tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm năng lượng, hướng đến giảm phát thải carbon.

Đối với doanh nghiệp, không có lộ trình duy nhất cho tất cả. Tùy thuộc hiện trạng công nghệ, phát thải, chiến lược kinh doanh, điều kiện về tài chính, nguồn lực, doanh nghiệp xây dựng lộ trình phù hợp nhất cho mình để ứng phó với CBAM.

Không phải doanh nghiệp nào cũng nhanh chóng chuẩn bị để thích ứng với CBAM như vậy. Theo bà Nguyễn Hồng Loan, ngoại trừ một số doanh nghiệp trong những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp đã nghiên cứu và chuẩn bị nghiêm túc, còn lại đại bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa hiểu đầy đủ và chính xác về CBAM, dẫn tới những phản ứng, chuẩn bị chưa hiệu quả.

Chẳng hạn, có doanh nghiệp trong ngành gạo và nhựa nghĩ mình thuộc đối tượng áp dụng cơ chế CBAM trong khi không phải như vậy! Hoặc nhiều doanh nghiệp hiểu lầm rằng, khi xuất khẩu sang EU, mức phát thải phải vượt trên ngưỡng EU quy định thì mới chịu tác động của CBAM trong khi CBAM bao trùm toàn bộ phát thải của sản phẩm.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp rất lo lắng áp dụng CBAM thì họ sẽ phải chịu giá carbon bằng giá carbon của EU. Tuy nhiên, bà Loan cho biết, giá carbon áp dụng theo chứng chỉ CBAM sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ phân bổ hạn ngạch miễn phí trên thị trường carbon ở EU và được điều chỉnh theo lộ trình tăng dần từ năm 2026 đến 2034. Ngoài ra, nếu nước xuất khẩu có áp dụng định giá carbon trong nước thì giá phải chi trả cho chứng chỉ CBAM sẽ có sự bù trừ và điều chỉnh với giá của carbon trong nước.

Cung cấp thông tin chính thống hỗ trợ doanh nghiệp

Chỉ còn hơn một năm nữa, CBAM sẽ bước vào giai đoạn vận hành chính thức. Số lượng mặt hàng áp dụng CBAM rất có thể không dừng ở con số 6 hiện nay mà sẽ nhiều hơn. Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, các ngành tiềm ẩn phát thải carbon cao, có khả năng dẫn đến hiện tượng rò rỉ carbon như dệt may, da giày sẽ có khả năng bị EU đưa vào diện đề xuất áp dụng cơ chế này. Mặt khác, không chỉ EU mà những nước khác như Mỹ, Canada, Úc... cũng đang nghiên cứu áp dụng CBAM hoặc giải pháp khác tương tự.

Trước thực tế như vậy, bà Loan cho rằng, doanh nghiệp cần có nhận thức đúng và đủ về các quy định và yêu cầu của CBAM mới có thể xây dựng lộ trình ứng phó, theo đó, cần có một kênh chính thống để cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Đinh Quốc Thái cũng đề xuất phải có cơ quan đầu mối chủ trì việc hướng dẫn ứng phó với CBAM. “Trong bối cảnh có các nguồn thông tin nhiều chiều, ngành thép mong muốn tiếp cận được các thông tin chính thống hướng dẫn để thích ứng”, ông Thái nói.

Các phân tích cho thấy, nếu không có hướng dẫn của cơ quan đầu mối chính thức, doanh nghiệp có thể mất rất nhiều công sức chuẩn bị mà vẫn không đáp ứng yêu cầu của CBAM. Hoặc có những doanh nghiệp vội vã mua tín chỉ carbon trong khi các yêu cầu, hướng dẫn của EU vẫn chưa rõ ràng - điều này có thể gây lãng phí, thậm chí thiệt hại về tài chính.

Ngày 24-8-2024, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các biện pháp hiệu quả ứng phó với cơ chế CBAM, bao gồm việc xây dựng và triển khai Đề án ứng phó với cơ chế СВАМ.

Ông Ngô Chung Khanh cho biết sẽ có bốn nhóm giải pháp được tập trung triển khai. Theo đó, phải xây dựng giá carbon, điều này rất quan trọng để khi EU có hướng dẫn cụ thể hơn, chúng ta sẽ có căn cứ để xác định được việc có được bù trừ trong tín chỉ CBAM. Đồng thời, tuyên truyền đúng, chính xác về cơ chế CBAM cũng như tập huấn để hướng dẫn doanh nghiệp, giúp họ chuẩn bị tốt hơn. Cùng với đó, có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giảm phát thải carbon; tạo ra nguồn tài chính xanh để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất xanh hơn, ít phát thải hơn; tìm kiếm, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp. Đi liền với các biện pháp để chuẩn bị sẵn sàng ở trong nước, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đấu tranh để có được những cam kết linh hoạt tốt nhất cho Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp, bà Loan cho rằng không có lộ trình duy nhất cho tất cả. Tùy thuộc hiện trạng công nghệ, phát thải, chiến lược kinh doanh, điều kiện về tài chính, nguồn lực, doanh nghiệp xây dựng lộ trình phù hợp nhất cho mình để ứng phó với CBAM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới