(KTSG) - Nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và giai đoạn hiện nay mức độ thâm dụng vốn có xu hướng tăng lên, điều này một phần không nhỏ là do hiệu quả đầu tư giảm sút và các quyết định tăng lương hầu như không dựa vào tăng năng suất lao động.
Ở Việt Nam không có chỉ tiêu vốn (capital stock) mà chỉ có vốn đầu tư và tích lũy gộp tài sản (gross capital formation); ở đây vốn đầu tư là lượng tiền các thành phần sở hữu bỏ ra nhằm mục đích đầu tư và tích lũy gộp tài sản là lượng tiền đầu tư đến được với sản xuất. Theo số liệu ở trang web của Tổng cục Thống kê, tích lũy gộp tài sản luôn nhỏ hơn vốn đầu tư.
Trong giai đoạn 2000-2012, tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội luôn chiếm rất cao trong GDP, cao nhất là năm 2007, chiếm 46,52% trong GDP. Tuy nhiên trong những năm gần đây, tỷ trọng này có xu hướng giảm mạnh, đến năm 2021 chỉ còn có 34,1%.
Xem xét cơ cấu vốn đầu tư từ năm 2010-2021 cho thấy vốn đầu tư của khu vực nhà nước giảm hơn 10 điểm phần trăm (từ 34,9% năm 2010 còn 24,7% năm 2021); cơ cấu vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng từ 44,6% năm 2010 lên 59,5% năm 2021 và cơ cấu vốn đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm từ 20,5% năm 2010 xuống còn 15,8% năm 2021.
Hệ số ICOR (Incremental Capital-Output Ratio) thể hiện để tăng một đồng GDP cần đầu tư bao nhiêu đồng. Hệ số ICOR càng cao thì hiệu quả đầu tư càng thấp và ngược lại.
Tính toán hiệu quả đầu tư thông qua hệ số ICOR cho ba khu vực kinh tế nhà nước, ngoài nhà nước và FDI cho hai giai đoạn 2010-2015 và 2016-2021 cho thấy: giai đoạn 2016-2021 hiệu quả đầu tư kém hơn giai đoạn 2010-2015, hệ số ICOR giai đoạn 2010-2015 là 7 thì giai đoạn 2016-2021 là 9,1. Đáng chú ý là khu vực kinh tế nhà nước hệ số ICOR tăng từ 13,03 giai đoạn 2010-2015 lên 17,8 trong giai đoạn 2016-2021.
Hiệu quả đầu tư khu vực kinh tế ngoài nhà nước cũng giảm sút với hệ số ICOR của khu vực này là 6,2 giai đoạn 2010-2015 lên 9,4 trong giai đoạn 2016-2021. Chỉ có khu vực FDI có hiệu quả đầu tư giảm nhẹ, hệ số ICOR của khu vực này tăng nhẹ từ 6 trong giai đoạn 2010-2015 lên 6,5 trong giai đoạn 2016-2021.
Như vậy có thể thấy đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước tạo ra rất ít tăng trưởng. Một điều đáng chú ý là hệ số ICOR khu vực ngoài nhà nước giai đoạn 2010-2015 tương đương với của khu vực FDI, nhưng đến giai đoạn 2016-2021 hệ số này tăng lên 9,4. Chỉ hiệu quả đầu tư của khu vực FDI là ổn định và tốt nhất trong ba thành phần kinh tế. Khu vực này càng ổn định thì luồng tiền chi trả sở hữu càng nhiều và tiết kiệm của nền kinh tế ngày càng nhỏ đi.