Thứ hai, 26/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Hiệu ứng Starbucks’ – mối tương quan mặt bằng và thương hiệu

Song Hảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có một mối liên lạc rất rõ ràng giữa mặt bằng và thương hiệu. Thương hiệu phải trưng mặt ra ở các mặt bằng đắc địa, giá thuê ngất ngưởng để thu hút sự chú ý. Cũng có mặt bằng phải năn nỉ các thương hiệu lớn “làm thương hiệu” cho mình, bằng cách hạ giá thuê và dành nhiều ưu đãi…

Giữa tháng 5, một thương hiệu cà phê Việt mới toanh chuẩn bị thế chỗ Starbucks trên đường Hàn Thuyên, quận 1 của TPHCM. Địa điểm trên đường Hàn Thuyên từng được Starbucks thuê với giá 520 triệu đồng/tháng. Khi hết hợp đồng vào tháng 8-2024, chủ nhà “hét” 750 triệu đồng mỗi tháng. Starbucks dứt khoát ra đi. Sự chờ đợi dài theo tháng của chủ cho thuê cuối cùng cũng trao chìa cho một khách quý: Chuỗi cà phê nội địa Adoré - World Coffee thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Thực phẩm Á Long - công ty con của Tập đoàn Asia Dragon Group.

Ra đời năm 1993, Tập đoàn Asia Dragon Group hoạt động đa ngành như sản xuất, phân phối, bán lẻ, logistics, thực phẩm, nhà hàng khách sạn và bất động sản… Á Long có nhà máy sản xuất cà phê ở Nhơn Trạch, Đồng Nai và mặt hàng cà phê hòa tan của hãng này được bán ở Aeon Mall từ tháng 12-2024. Sự hiện diện của Adoré - World Coffee ở Hàn Thuyên, đúng nơi xưa của Starbucks bỗng chốc thu hút được sự chú ý của dư luận rằng thương hiệu này “túi rủng rỉnh và chịu chi” để tạo thanh thế cho nhãn hàng mới của mình.

Mối tương quan không lộ diện trên hợp đồng

Trở lại câu chuyện tại sao Starbucks rời mặt bằng Hàn Thuyên. Không phải gã khổng lồ này không có tiền hoặc không muốn chi. Hồi tháng 4 vừa rồi, Starbucks đã mở cửa hàng flagship (lớn nhất) Starbucks Reserve Roastery ở tòa nhà Bitexco, giá thuê được đồn đoán rằng 1 tỉ đồng mỗi tháng.

Tương tự, McDonald’s cũng rời khỏi mặt bằng “dát vàng” trên đường Trần Hưng Đạo ở quận 1. Nhiều người tin rằng giá mặt bằng quá đắt, ngoài tầm với của thương hiệu nổi tiếng này. Đặc biệt là trong bối cảnh sức mua giảm và doanh nghiệp đang bắt đầu cắt giảm chi phí.

Liệu có phải các thương hiệu “tiền muôn bạc vạn” quá keo kiệt hay bị hố khi rời mặt bằng “quá đắt” mà rồi chuyển sang thuê một nơi “đắt hơn”?

“Lý do thương hiệu không đủ sức chi hay cắt giảm ngân sách khó chấp nhận hơn. Có thể họ đã không thể đạt được hợp đồng thuê mặt bằng dài hạn trong 10 năm, như họ đã từng ký trước đây. Chủ cho thuê chỉ muốn tái ký hợp đồng từng năm một để dễ tăng giá. Điều này lại không phù hợp với kế hoạch phát triển dài hạn của đối tác nước ngoài”, ông Lê Minh Vũ - một chuyên gia ngành F&B - phân tích với Kinh tế Sài Gòn.

Mặt bằng và thương hiệu có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ, tác động qua lại, đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của doanh nghiệp, nhất là trong dài hạn. Mặt bằng là một yếu tố hữu hình và trực quan, đóng vai trò quan trọng trong việc khắc họa hình ảnh của thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Ngược lại, một thương hiệu lớn sẽ mang lại giá trị và thu hút cho mặt bằng kinh doanh.

“Dòm mặt tính tiền”

Nhiều năm trước đây, chủ một thương hiệu F&B nội địa đã thuê cửa hàng ở trung tâm thương mại trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1 với giá 45 đô la/mét vuông/tháng. Nhưng ông lại kêu ca rằng Starbucks, Phúc Long hay Highlands lại được thuê với giá rẻ hơn rất nhiều, chỉ 11 đô la. Điều này được ông Lê Minh Vũ lý giải: “Bởi các công ty vận hành trung tâm thương mại, các tòa nhà đang cần những thương hiệu này để đánh bóng tên tuổi thương hiệu bất động sản họ đang quản lý và kinh doanh”.

Năm 1998, huyền thoại bóng rổ Magic Johnson và Starbucks đã thực thi sáng kiến Urban Coffee Opportunities (UCO) ở các khu đô thị nghèo, bị lãng quên. Các cửa hàng Starbucks của Johnson trở thành động lực kinh tế, thu hút doanh nghiệp khác, tạo việc làm ổn định, dùng nhà cung cấp địa phương và hỗ trợ cộng đồng. Ông xóa bỏ định kiến các khu vực đa số người da đen và Mỹ Latinh là nghèo, không đủ tiền mua cà phê. Các cửa hàng Starbucks của Johnson đã trở thành trung tâm cộng đồng và hình mẫu phát triển.

 

 

 

 

 

Cũng có một số trường hợp các thương hiệu lớn được thuê với giá rất rẻ, ở các tòa nhà như LéMan ở Nguyễn Đình Chiểu, The Vista ở Thủ Đức, Worc@Q2, Lê Văn Việt ở Gò Vấp…

“Đó là khi thương hiệu đang “làm thương hiệu” cho mặt bằng”, theo Đỗ Duy Thanh, Giám đốc kiêm nhà sáng lập FnB Director - doanh nghiệp chuyên tư vấn và đào tạo ngành F&B.

Không gian vật lý đóng vai trò là điểm tiếp xúc hữu hình giúp xây dựng bản sắc thương hiệu. Còn một thương hiệu mạnh sẽ nâng cao giá trị và sức hấp dẫn của không gian đó.

Các thương hiệu lớn sẽ tăng cường nhận diện thương hiệu cho bất động sản, thu hút thêm khách thuê là các thương hiệu nhỏ, làm tăng giá trị mặt bằng. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh cho trung tâm mua sắm, bởi các thương hiệu có tiếng đã có lượng khách ổn định sẽ tạo nguồn thu ổn định cho chủ mặt bằng. Cuối cùng thì hình ảnh và uy tín của trung tâm mua sắm được nâng cao.

Không chỉ về giá thuê…

Các nhà nghiên cứu nước ngoài từ lâu đã tranh luận về “hiệu ứng Starbucks”, tức là làm giá bất động sản - nhà ở hay mặt bằng cho thuê - tăng cao hơn và nhanh hơn.

Hai nhà kinh tế học Jikyong Choi và Jorge Guzman của trường Kinh doanh Columbia và nhà xã hội học Mario L. Small của Đại học Columbia còn chỉ ra rằng, Starbucks mở ở một nơi chưa có một quán cà phê tương tự sẽ giúp “tinh thần kinh doanh địa phương” tăng thêm 5-11,8%. Cả ba vị đều cho rằng tỷ lệ này tương đương với 1,1-3,5 doanh nghiệp mới mỗi năm và kéo dài bảy năm(1).

Họ cũng cho rằng sự hiện diện của một cửa hàng Starbucks mới gửi tín hiệu đến mọi người về một khu phố đang phát triển. Hoặc có thể Starbucks chỉ thực sự giỏi trong việc dự đoán và chọn đúng địa điểm để chuyển đến.

Nghiên cứu mới từ Đại học Columbia còn đi theo một hướng khác - tinh thần kinh doanh. Một trong ba hướng nghiên cứu chính của các nhà khoa học Đại học Columbia là xem xét mối quan hệ đối tác giữa Starbucks và cầu thủ bóng rổ huyền thoại Earvin “Magic” Johnson sau chuyển sang làm doanh nhân. Ở những nơi mà Johnson tham gia, hiệu ứng lớn hơn nhiều: số lượng các startup tăng 29,7%.

(1) https://www.inc.com/bill-murphy-jr/starbucks-third-place-entrepreneurship-study.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới