Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hình ảnh các nhà sư khất thực – Nét đẹp ở xứ Lào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hình ảnh các nhà sư khất thực - Nét đẹp ở xứ Lào

Bài và ảnh: Lâm Văn Sơn

Đoàn khất thực lặng lẽ di chuyển trên đường phố.

(TBKTSG Online) - Cảnh các nhà sư đi khất thực và dân chúng Lào dâng cúng phẩm vật, lương thực cho các nhà sư là một trong những nét độc đáo trong văn hóa tâm linh và sinh hoạt hàng ngày của người Lào. Có thể nói, du khách đã đến Lào mà chưa có dịp thức dậy sớm để xem cảnh khất thực thì chưa thực sự biết về nước Lào.

Tôi đến thành phố Pakse thuộc tỉnh Champasak vào một buổi chiều. Pakse phát âm tiếng Việt là Pắc-xế. Champasak là một trong ba thành phố có vua trước đây của Lào. Ba thành phố có vua này thay nhau trị vì đất nước Lào; đó là Luang Prabang ở phía Bắc, Champasak ở phía Nam và thủ đô hiện nay là Viêng Chăn ở miền Trung Lào.

Khách sạn Champasak Palace nằm bên bờ sông Sédon, là một nhánh nhỏ của sông Mekong. Vào buổi chiều dòng sông ở đây thật yên ả, êm đềm. Dòng nước như đứng lại, rất ít tàu bè, tôi chỉ nhìn thấy vài chiếc thuyền câu hay giăng lưới của người dân địa phương lênh đênh giữa dòng. Cảnh vật không tấp nập, ồn ào của nhiều tàu ghe qua lại như ở vùng hạ lưu sông Mekong.

Chiếc cầu và dòng sông Sédon êm đềm nhìn từ khách sạn Champasak Palace.

Rất may mắn là từ nơi tôi ở - Champasak Palace - chỉ cần băng qua đường đi một đoạn là đến một ngôi chùa Lào nơi tôi đi dò tìm buổi chiều hôm trước cho chương trình sáng sớm hôm sau là đi xem đoàn sư đi khất thực - một trải nghiệm hấp dẫn không thể bỏ qua khi đi Lào.

Gần 5 giờ sáng, tôi thức dậy chuẩn bị để 5 giờ 30 sáng có mặt tại chùa. Vì không chắc chắn thời gian các nhà sư xuất hành nên tôi phải đến sớm và chờ đợi. Trên đường đến chùa, tôi đã nhìn thấy hai bên đường và xa xa nhiều người đã ra đường với các lễ vật dâng cúng. Những người ở nơi không phải là tuyến đường các đoàn khất thực đi qua thì phải đến tận chùa; người ta đứng trước cổng chùa, mang theo giỏ mây, hay giỏ tre đựng cơm hay cơm nếp nóng bên trong. Cùng đứng trước cổng chùa với tôi là một anh chàng người Lào, đi mô tô đến.

Một ngôi chùa Lào không tường rào chung quanh; sự cách biệt giữa chùa và bên ngoài chỉ là một ranh giới vô hình thân thiện và gần gũi với cuộc sống.

Thế là tôi yên tâm là chương trình khất thực vẫn không thay đổi. Người dân Lào xem việc mang thức ăn đi dâng cho các nhà sư mỗi sáng là một việc làm tỏ lòng tôn kính đối với chư tăng (một trong tam bảo), nhiều người tin rằng đó còn một việc làm tu nhân tích đức cho con cháu. Tôi đứng chờ ở cổng chùa.

Chùa ở Lào thường không xây tường rào bao bọc chung quanh tạo ra sự cách biệt. Sự cách biệt giữa chùa và bên ngoài chỉ là một ranh giới mỏng, một ranh giới vô hình thân thiện và gần gũi với cuộc sống, một cách rất bình thường như nhà ở Nam bộ ngày xưa cũng không có rào ngăn cách.

Hình ảnh tăng sĩ khất thực và dân chúng dâng cúng thực phẩm là nét văn hóa rất đặc trưng của các quốc gia theo tín ngưỡng Phật giáo. Giờ đi khất thực có thể khác nhau nhưng luôn thực hiện trước 12 giờ trưa.

Thấy còn sớm, và cũng chưa thấy bóng dáng nhà sư nào cả, tôi đi quay trở lại con đường nơi có người dân chuẩn bị để xem họ làm những gì. Những con đường nơi chắc chắn đoàn sư sẽ đi qua, người dân bắt đầu trải chiếu trên vỉa hè, sắp xếp đồ lễ để chuẩn bị cho buổi lễ khất thực. Người dân xếp hàng, quỳ gối, lưng quay ra đường. Trên tay họ, mỗi người cầm một giỏ cơm hay cơm nếp lớn, nhỏ khác nhau và được làm chủ yếu bằng mây, tre. Họ khoác ‘cà piêng’ - một tấm vải dài và rộng chừng 2 tấc mang chéo qua người. Vải thường được thêu hoa văn rất đẹp và họ đi chân trần để thể hiện lòng thành kính của mình đối với sư. Đa số người dân quỳ ở tư thế đó và chờ cho đến khi đoàn sư khất thực đi qua.

Một người dân Lào đến cổng chùa để dâng cơm cho sư, do nhà ở không nằm trên đoạn đường của đoàn khất thực đi qua.

Đúng 6 giờ sáng, một vị sư trẻ đi từ chánh điện ra. Đến tháp trống ở cổng chùa, sư leo lên tháp tay cầm dùi đánh 3 hồi trống... Các vị sư trẻ tuổi lục tục khăn gói, tay nải xỏ trên cánh tay, hai tay bưng bình bát trước ngực ra tập trung trên khoảng sân bên trong cổng chùa và họ bắt đầu chia làm 3 đoàn, mỗi đoàn chừng 20 người đi theo 3 hướng, một băng qua lộ, một theo lối bên phải chùa, một theo lối bên trái của chùa. Người dân lúc bấy giờ đã quỳ sẵn và kính cẩn dâng lễ vật. Từng người một, từng người một các vị sư chìa bình bát ra hạ xuống trước người đang quỳ để nhận lễ vật. Thường mỗi bình bát chỉ múc một vá (1 muỗng lớn) cơm hay cơm nếp hoặc một vắt cơm vì các sư còn tiếp tục đi nhiều nơi.

Các nhà sư xếp thành hàng dài đi chân trần, vai khoác bình bát, chậm rãi và từ từ đi quanh phố để nhận lễ dâng cúng của người dân. Đồ lễ dâng cúng gồm thức ăn chín, xôi, bánh, trái cây, nước lọc và hương hoa để các sư độ nhật trong ngày, đặc biệt là không dâng tiền.

Dẫn đầu các đoàn sư đi khất thực thường là các "hủa chua", theo tiếng Lào. Đó là những vị sư tu lâu năm, các sư trụ trì và các "a chang" là sư thầy, theo sau đó là các tì kheo và sa di là các sư trẻ; tất cả các sư đều không mang giày dép. Mỗi nhà sư khoác theo một chiếc bình bát bằng nhôm sạch sáng bóng, có dây đeo và có nắp đậy bằng vải.

Khi đoàn sư đi đến chỗ nhóm những người dân đang quỳ gối, lần lượt từng nhà sư mở nắp chiếc bình bát bằng nhôm và lần lượt từng người dân múc một nắm cơm hay nếp trong chiếc giỏ đã chuẩn bị sẵn đặt vào bình bát. Khi người dân cuối cùng trên đoạn đường quỳ dâng lễ đặt nắm cơm hay nếp cho nhà sư cuối cùng, lúc bấy giờ cả đoàn sư dừng lại, xếp thành hàng dài, đứng đối diện với người dân và bắt đầu đọc kinh cầu chúc may mắn cho những người dâng cúng này.

Khất thực là một trong những truyền thống của người Lào theo đạo Phật. Hướng dẫn viên cho biết đoàn sư đi khất thực không chỉ toàn là các nhà sư đã xuất gia, trọn đời tu hành theo đạo Phật mà còn có cả những người chỉ tự nguyện vào chùa tu học trong một thời gian để tỏ lòng tôn kính cha, mẹ và sẽ trở về đời sống của một người bình thường.

Ra khỏi cổng chùa các sư chia thành 3 đoàn, theo 3 hướng đi. Một đoàn băng ngang lộ, một đoàn rẽ bên trái và một đoàn đi bên phải chùa.
Người dân quỳ sẵn để đón đoàn sư khất thực. Họ khoác tấm "cà piêng"  mang chéo qua người và đi chân trần để thể hiện lòng thành kính của mình đối với sư.
Lần lượt từng nhà sư mở nắp chiếc bình bát bằng nhôm và lần lượt từng người dân múc một nắm cơm hay nếp trong chiếc giỏ đã chuẩn bị sẵn đặt vào bình bát.

Trên đường đi quanh phố các vị sư đi một cách yên lặng, không ai nói chuyện với ai. Sau khi đi đủ một vòng, các vị sư tập trung về chùa để dùng bữa. Mỗi ngày, các sư chỉ ăn một bữa duy nhất trước giờ chính Ngọ (Giờ Ngọ từ 11g00 đến 13g00, chính Ngọ là đúng 12 giờ trưa).

Đoàn sư đi khất thực không chỉ toàn là các nhà sư đã xuất gia, trọn đời tu hành theo đạo Phật mà còn có cả những người tự nguyện vào chùa tu học trong một thời gian để tỏ lòng tôn kính cha, mẹ và sẽ trở về đời sống của một người bình thường.

Những thức cúng từ khất thực thường được chia ra làm bốn phần. Phần dành cho các sư đồng tu nếu họ bị bệnh, phần thứ hai dành cho người nghèo hoặc khách viếng chùa, phần thứ ba dành cho những con vật nuôi trong chùa như chó, mèo và phần còn lại dành cho người đi khất thực dùng. Vào ngày đầu tháng, thường các sư không đi khất thực mà thời gian đó người dân vào chùa để dâng lễ.

Nhìn từ trên cao, đoàn sư khất thực trông như một dải lụa màu vàng cam uốn lượn ngoằn ngoèo trên phố, chậm rãi chuyển động một cách nhẹ nhàng, thanh tịnh, một sự vận động lặng lẽ giữa lòng phố chợ, nhân gian.

Đi tu là một việc khá phổ biến ở Lào, nhất là đối với người đàn ông. Và khất thực là một trong nhiều hình thức tu tập của người theo đạo Phật xuất hiện từ khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khai sáng đạo. Truyền thống khất thực này giúp cho người tu hành vừa độ nhật, vừa dẹp bỏ lòng sân si, kiêu mạn, đồng thời gián tiếp tạo công đức cho người cúng dường. Ở Lào, khất thực và cúng dường là một nếp sinh hoạt quen thuộc với mỗi người dân.

Ngày nay, trong chương trình du lịch tới Lào, các nhà tổ chức tour thường gợi ý cho du khách quan sát hình ảnh khất thực mỗi sáng hoặc tham gia một cách tự nguyện. Du khách mua một giỏ thức ăn từ những người bán hàng trên phố và cũng chờ đoàn các nhà sư đi qua, kính cẩn đặt đồ lễ vào bình bát một cách thành tâm như sự trải nghiệm những giây phút yên lặng, bình an trong tâm tưởng. Điều đó giúp cho những người từ phương xa đến cảm nhận được giá trị sâu sắc của thân tâm an lạc, của lòng từ bi bác ái, nhận ra những gì đang diễn ra trong cuộc sống như một giấc mơ rồi cũng sẽ tan biến theo dòng chảy của thời gian.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới