Hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn “cứu” nhà máy nước sạch
Văn Nam
Hồ Dầu Tiếng xả nước đầy mặn về hạ lưu sông Sài Gòn - Ảnh: Văn Nam |
(TBKTSG Online) – Hồ thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa từ sáng ngày mai, 8-3, bắt đầu đợt xả nước xuống sông Sài Gòn với lưu lượng 30 m3/giây trong 72 giờ liên tục để đẩy mặn, giúp nhà máy nước Tân Hiệp lấy nước thô nhằm ổn định nguồn nước sạch cung cấp cho người dân TPHCM.
Theo thông báo của Công ty thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, đây là lần xả nước đẩy mặn sông Sài Gòn lần thứ 5 từ đầu năm 2016 đến nay để “cứu” các nhà máy nước sạch ở hạ nguồn trước diễn biến xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai trong những ngày gần đây.
Thông tin từ Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho thấy, từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều nhà máy nước như Tân Hiệp, Bình An, Thủ Đức, BOO Thủ Đức đã nhiều lần ngưng lấy nước thô hoặc khó khăn trong xử lý nước do độ mặn trong nước sông Sài Gòn, Đồng Nai lên cao, có thời điểm lên 250 mg/lít, thậm chí có lúc tăng vọt lên mức 600 mg/lít.
Dự báo tình trạng xâm nhập mặn còn tiếp tục gây ra những tác động xấu trực tiếp đến hệ thống cấp nước của TPHCM ít nhất đến tháng 4-2016.
Hiện nay, áp lực đến nguồn nước sạch cho hàng chục triệu dân TPHCM không chỉ đến từ biển (xâm nhập mặn) mà còn do chính bàn tay con người gây ra. Hiện hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai đang phải gánh nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt dẫn đến nguồn nước sông ô nhiễm hữu cơ, vi sinh.
Đối với sông Sài Gòn, các chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ, ammonia, hàm lượng chất rắn, vi sinh … đã vượt quy chuẩn Việt Nam, dẫn đến nhu cầu hóa chất sử dụng cho xử lý nước tăng, chi phí xử lý nước cũng tăng. Còn đối với sông Đồng Nai mặc dù chất lượng nước thô tốt hơn sông Sài Gòn nhưng một số chỉ tiêu ô nhiễm cũng đang gia tăng trong những năm gần đây như hữu cơ, ammonia, hàm lượng vi sinh…
Cần giải pháp bền vững
Theo Sawaco, về lâu dài, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát tốt dẫn tới những bất lợi như thiếu nước, suy giảm chất lượng nước nghiêm trọng hơn.
Theo một chuyên gia trong ngành xử lý nước, giải pháp xả nước từ hồ chứa thượng nguồn đẩy mặn cho sông Sài Gòn để ổn định việc lấy nước thô của các nhà máy nước sạch hạ nguồn chưa hẳn là giai pháp căn cơ và gây nhiều lãng phí.
Theo ông Trương Khắc Hoành, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn, để đây mặn cho sông Sài Gòn giúp nhà máy nước Tân Hiệp lấy nước thô an toàn công suất 300.000 m3/ngày thì trên thượng nguồn cách đó 60 – 70 km là hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa phải xả hàng triệu mét khối nước mỗi ngày. Theo ông Hoành, đây là sự lãng phí nguồn nước tự nhiên ở thượng nguồn.
Một trong những giải pháp bền vững được ông Hoành cho là khả thi đối với TPHCM trong tương lai là xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng – Phước Hòa về cấp trực tiếp cho các nhà máy nước Tân Hiệp (Hóc Môn), Kênh Đông (Củ Chi) để thay thế nguồn nước thô lấy từ sông Sài Gòn.
Một giải pháp dài hạn khác giúp TPHCM chống chọi với biến đổi khí hậu, ổn định nguồn nước sạch cho người dân thành phố được Sawaco đưa ra gồm cải tiến công nghệ xử lý nước, nâng dung tích các công trình chứa nước sạch, tăng thời gian dự trữ nước, xây dựng thêm các bể chứa tại các nhà máy nước và bể chứa ngầm trên mạng lưới cấp nước (trước mắt năm 2016 này sẽ xây một bể chứa nước sạch 100.000 m3 cho các nhà máy nước Thủ Đức), chuyển các công trình khai thác nước ngầm sang chế độ dự phòng để đảm bảo an toàn nguồn nước cho người dân trong tình huống khẩn cấp.
Hiện nay, ngành cấp nước ở TPHCM đang tính đến ba phương án ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để dự trữ đủ nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước sạch nếu có tình huống bất lợi xảy ra.
Về ngắn hạn, thành phố sẽ xây dựng hồ dự trữ có dung tích chứa đủ cung cấp cho nhà máy nước Tân Hiệp từ 1-3 ngày trong điều kiện sông Sài Gòn bị nhiễm mặn quá cao hoặc có sự cố ô nhiễm bất thường.
Về trung hạn, thành phố sẽ xây dựng hồ có dung tích chứa lớn hơn, tối thiểu đủ cung cấp trong 15 ngày kết hợp với chức năng điều hòa chống ngập song song với chức năng dự trữ cấp nước sinh hoạt. Trong dài hạn, thành phố cũng đang nghiên cứu đến việc khai thác các nguồn nước mới từ các hồ đầu nguồn (Dầu Tiếng, Trị An). Tuy nhiên, giải pháp đưa nước trực tiếp từ các hồ đầu nguồn về xem ra khó khả thi bởi khoảng cách xa, chi phí đầu tư lớn.
Theo ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng giám đốc Sawaco, để triển khai các giải pháp được khả thi, đạt hiệu quả, sắp tới Sawaco sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia trong và nước ngoài góp ý cho các phương án xây hồ dự trữ nước thô cho TPHCM. Ông Hải nhấn mạnh rằng chính quyền thành phố cũng lên kế hoạch cho Sawaco triển khai các phương án lấy nước thô từ các hồ Dầu Tiếng, Trị An, Phước Hòa thay thế cho nguồn nước sông Sài Gòn, Đồng Nai.
Xem thêm: