Hồ sơ Panama & những cá nhân quyền lực
Thụy Lê
(TBKTSG Online) - Hồ sơ Panama là lượng tài liệu mật khổng lồ tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực giấu tài sản của họ tại những thiên đường thuế. Với hơn 11,5 triệu tài liệu mật nằm trong 2,6 terabyte dữ liệu, hồ sơ Panama phơi bày mối quan hệ tài chính của hơn 140 chính trị gia ở 55 nước, kết nối đến các công ty nước ngoài tại 21 thiên đường thuế.
![]() |
Những nhân vật quyền lực được nêu tên trong Hồ sơ Panama. Ảnh Internet |
Theo tài liệu mới vừa được công bố vào ngày 9/5 vừa qua tại trang web www.icij.org, có 72 chính trị gia/lãnh đạo và người có liên quan được công bố tại mục những cá nhân quyền lực.
Những nhân vật đáng chú ý
Trong số 72 người nói trên, có 12 lãnh đạo/nguyên lãnh đạo quốc gia, 18 nhóm/cá nhân có mối quan hệ/ liên quan đến các lãnh đạo quốc gia; 32 chính trị gia/quan chức nhà nước và 10 cá nhân có mối quan hệ/liên quan đến các chính trị gia/quan chức nhà nước.
Các cá nhân này nằm ở 52 quốc gia, trong đó các quốc gia có nhiều người nhất là Trung Quốc 4 người, Ireland 3 người, Argentina 3 người, Ecuador 3 người, vương quốc Anh 3 người. Nếu phân bổ theo khu vực thì châu Phi có 19 người, châu Á 17 người (trong đó Trung Đông là 8 người), châu Âu 20 người, Mỹ Latin và vùng Caribean là 16 người.
Trong tổng số 72 người này, có 34 người còn đương nhiệm, chiếm 47%. Đáng chú ý có một số chính trị gia đã bị bắt như Bạc Hy Lai (cựu ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc) bị bắt năm 2013; Pavlo Lazarenki (cựu thủ tướng Ukraine) bị kết án năm 2004; Karim Wade (con trai cựu Tổng thống Senegal Abdoulaye Wade) bị bắt năm 2013.
Trong số 12 lãnh đạo quốc gia khi thông tin bị rò rỉ thì có những người vẫn đang tại chức như Mauricio Macri, Tổng thống Argentina từ 2015 đến nay; Sigmundur Davíð Gunnlaugsson, Thủ tướng Ireland từ năm 2013 đến nay; vua Salman bin Abdulaziz bin Abdulrahman Al Saud, Quốc vương Ả rập Saudi từ 2015 đến nay; Khalifa bin Zayed bin Sultan Al Nahyan, Tổng thống Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất từ năm 2000 đến nay; Petro Poroshenko, Tổng thống Ukraine từ năm 2014 đến nay.
Trong số 18 nhóm/cá nhân có liên quan đến các lãnh đạo quốc gia có một số nhân vật đáng chú ý như gia đình Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan; Đặng Gia Quý (Deng Jiagui ) là anh rể Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Lý Tiểu Lâm (Li Xiaolin) con gái cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng; Arkady Rotenberg và Boris Rotenberg, bạn thời thơ ấu của Tổng thống Nga Vladimir Putin; Sergey Roldugin cũng là bạn thân của Tổng thống Putin; Hafez Makhlouf là bà con của Tổng thống Ai Cập Bashar Assad; Ian Cameron là cha của Thủ tướng Anh David Cameron; Mohd Nazifuddin bin Mohd Najib là con trai Thủ tướng Malaysia Najib Razak và các con của Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.
Ở nhóm 32 chính trị gia/quan chức nhà nước có 17 người vẫn đang tại chức với các chức vụ trải rộng từ thống đốc ngân hàng, các bộ trưởng, thẩm phán tòa án, tướng tá quân đội cho đến các thị trưởng thành phố, đại biểu quốc hội, chủ tịch/giám đốc các tập đoàn/công ty nhà nước. Trong số này có một số nhân vật đáng chú ý như Stavros Papastavrou nguyên cố vấn cho cựu Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras và từng là trưởng nhóm đàm phán nợ của Hy Lạp trước Liên minh châu Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng trung ương châu Âu; Ang Vong Vathana – Bộ trưởng tư pháp Campuchia từ năm 2004 đến nay; Bjarni Benediktsson, Bộ trưởng kinh tế tài chính Ireland từ năm 2013 đến nay; Ólöf Nordal, Bộ trưởng Bộ nội vụ Ireland từ năm 2014 đến nay; Paweł Piskorski, Chủ tịch Đảng Dân chủ Ba Lan từ năm 2009 đến nay.
Trong số 10 cá nhân có liên quan đến các chính trị gia/quan chức nhà nước có các nhân vật đáng chú ý như Jasmine Li là cháu gái của nguyên ủy viên Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc Giả Khánh Lâm; Kojo Anan là con trai của cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Anan; Micaela Domecq Solís-Beaumont là vợ của Miguel Arias Cañete - Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề khí hậu và năng lượng; Patrick Henri Devillers là bạn của cựu ủy viên Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc Bạc Hy Lai.
Phản ứng và hành động sau khi thông tin rò rỉ
Hồ sơ Panama được xem là vụ phanh phui lớn nhất từ trước đến nay về các hoạt động tài chính bất hợp pháp như rửa tiền và trốn thuế, tuy nhiên theo như giải thích của ICIJ thì không phải tất cả những cá nhân/tổ chức có liên quan đều phạm luật, mà thật ra trong đó có những thực thể hoàn toàn hợp pháp.
Đối với người trong cuộc thì đa số cho rằng họ chỉ tránh/lách thuế hoặc muốn để tài sản ra nước ngoài để tránh bị tấn công bởi các băng nhóm tội phạm, các quy định về thắt chặt tiền tệ, cho việc thừa kế hoặc chuẩn bị thừa kế cũng như những rủi ro về chính trị. Ở phần hồi đáp phía dưới mỗi câu chuyện của các nhân vật thì hầu hết các lãnh đạo/chính trị gia đều cho rằng mình không liên quan hoặc không có/không còn mối quan hệ cũng như mối liên quan, liên hệ với những cá nhân được đề cập đến. Trong khi đó, cũng có những nhân vật từ chối phản hồi dù ICIJ nhiều lần liên hệ yêu cầu cung cấp thông tin/bình luận.
Tuy nhiên, sau khi thông tin bị rò rỉ thì một số chính khách đã buộc phải từ chức như: Thủ tướng Ireland Gunnlaugsson, quyền Bộ trưởng Công nghiệp, Năng lượng và Du lịch Tây Ban Nha Jose Manuel Soria, Giám đốc nhà băng Hypo Vorarlberg của Áo Michael Grahammer.
Trong khi đó, chính quyền một số nước đã tuyên bố sẽ vào cuộc và điều tra những cá nhân có liên quan đến việc trốn thuế, dựa trên dữ liệu công bố của ICIJ.
Liên quan:
- ICIJ công bố dữ liệu hơn 200.000 công ty trong Hồ sơ Panama