Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hỗ trợ hãng hàng không để phục hồi kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Hỗ trợ hãng hàng không để phục hồi kinh tế

Ngô Huỳnh

(KTSG Online) – Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa một lần nữa gửi công văn đề xuất giải pháp hỗ trợ ngành hàng không. Theo TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hiệp hội này thì "việc đề xuất hỗ trợ của chúng tôi có thể nói là thận trọng, biết người biết ta" và mục tiêu của hỗ trợ hàng không là nhằm mang lại lợi ích thiết thực, lâu dài không chỉ cho ngành mà cho nhà nước, cho ngân hàng, cho xã hội… Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Doãn Nề quanh việc này.

Hỗ trợ hãng hàng không để phục hồi kinh tế
TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam

Điều kiện cần: Vốn và "hộ chiếu vaccine"

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa dự thảo các giải pháp hỗ trợ hàng không? Ông bình luận gì về các giải pháp này?

Chúng tôi rất cảm ơn Bộ KHĐT đã quan tâm sâu sát, hiểu rõ khó khăn của các doanh nghiệp hàng không, từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực, mang tính khả thi cao để hỗ trợ các hãng hàng không. Đó là việc giảm 70% thuế bảo vệ môi trường, và cho hãng hàng không vay gói tái cấp vốn lãi suất bằng 0% để hỗ trợ thanh khoản. Ngoài ra, các hãng hàng không sẽ được vay dài hạn gói hỗ trợ giảm lãi suất 4% – 5%  trong 5 năm để duy trì nguồn lực và chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau đại dịch, đồng thời xem xét tiếp tục giảm 50% phí hạ cất cánh, dịch vụ khác tại các cảng hàng không…          

Hiệp hội vừa có văn bản gửi Bộ KHĐT tập hợp, kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ. Lần này, Hiệp hội có kiến nghị gì mới, thưa ông?

Lần này, chúng tôi bổ sung và nhấn mạnh 2 giải pháp hỗ trợ cấp bách cho các hãng hàng không. Đó là việc đẩy nhanh tiêm phòng vắc xin (vaccine) ngừa Covid-19, cho phép sử dụng "hộ chiếu vaccine", nghiên cứu các giải pháp và thời gian cách ly phù hợp. Thứ hai là hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Đối với vaccine, Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nới lỏng quy định về đi lại, cách ly đối với những người đã tiêm phòng vaccine. Từng bước nới lỏng các quy định nhập cảnh và cách ly đối với khách đã tiêm vaccine đầy đủ và có kế hoạch sớm triển khai khai thác trở lại các đường bay quốc tế để những người đã có hộ chiếu văc xin và có kết quả âm tính trong 3 ngày trước khi bay được phép bay đến du lịch ở Việt Nam.

Đối với vay vốn ưu đãi lãi suất, có hai hình thức chính. Thứ nhất là lãi suất 0%. Theo Thông tư 04/2021, NHNN quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines (VNA) vay 4.000 tỉ đồng với lãi suất 0%. Đề nghị Bộ KHĐT báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế tái cấp vốn cho khoản vay hỗ trợ thanh khoản 4.000 tỉ đến 6.000 tỉ đồng cho các hãng hàng không căn cứ vào quy mô, thị phần, vai trò, đóp góp cụ thể của từng hãng.

Thứ hai là các hãng được vay gói dài hạn 25.000 tỉ đồng với lãi suất giảm 4% trong 3-5 năm trong dài hạn theo các chương trình, dự án để duy trì nguồn lực và gia tăng năng lực cạnh tranh chuẩn bị phục hồi sau đại dịch.

Điều kiện đủ: Tốc độ giải ngân và thừa nhận "hộ chiếu vaccine"

Tại sao lại là "hộ chiếu vaccine" trong khi vốn ưu đãi mới là yếu tố mang tính sống còn của các hãng hàng không, thưa ông?

Đúng là vốn đang mang tính sống còn với các hãng hàng không. Trải qua 3 đợt bùng phát dịch Covid-19, nguồn lực của các hãng đã dần cạn kiệt. Đợt bùng phát thứ 4 này vào đúng cao điểm Hè, mùa làm ăn quan trọng nhất trong năm của các hãng hàng không. Doanh thu tháng 5 và 6 của các hãng giảm 90% so với cùng kỳ, đặc biệt khó khăn về nguồn thu. Trong khi đó, ước tính đến giữa tháng 6, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng VNA, Vietjet và Bamboo đã lên tới 36.000 tỉ đồng (riêng VNA chiếm phần lớn).

Vốn vay rất cấp bách, chúng tôi đã đề xuất cả năm nay nhưng chưa được giải quyết (riêng gói cho VNA đã được duyệt nhưng vẫn chưa được giải ngân). Để được duyệt, vay, các hãng chắc sẽ vẫn phải chờ bằng đơn vị tháng, quý. Cho nên phải có cơ chế hỗ trợ thì ngân hàng mới giải quyết nhanh.

Chúng tôi đề xuất giải pháp nới lỏng hạn chế đi lại đối với những người đã tiêm phòng vắc xin ở trong và ngoài nước để kích cầu du lịch, hàng không. Các hãng, các doanh nghiệp du lịch có nguồn thu bù đắp phần nào chi phí.

Chi phí vận hành hãng hàng không rất lớn, riêng VNA và Vietjet cần hơn 100 tỉ đồng/ngày để vận hành mức tối thiểu trong dịch nhưng giờ địa phương nào cũng cấm đến. Người tiêm vaccine rồi vẫn bị ứng xử như người chưa tiêm là chưa thỏa đáng, chưa tận dụng lợi thế để họ lên tuyến đầu khôi phục kinh tế.

Như các bạn đã biết, Liên minh châu Âu và nhiều quốc gia đã cho phép bay quốc tế không áp dụng cách ly đối với khách đã có "hộ chiếu vaccine". Nhiều hãng hàng không, ngành du lịch và kinh tế của nhiều quốc gia đang phục hồi, phát triển nhanh chóng. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường đến hết năm 2021 cho các hãng hàng không, lý do gì Hiệp hội xin giảm nhiều hơn?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời cho phép giảm 30% thuế bảo vệ môi trường, như thế là rất quý với các hãng hàng không. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là lượng khách bay đã giảm 90%, không bay thì không dùng đến xăng. Như vậy giảm thuế xăng 30% cho các hãng hàng không không còn ý nghĩa.

Khi xét giảm thuế, chúng ta dự báo đến tháng 5 là khôi phục bay nội địa bình thường, tháng 7 là có thể bay quốc tế nhưng diễn biến dịch phức tạp, kéo dài, tiến độ tiêm vắc xin chậm, thiệt hại của các hãng ngày càng lớn, ảnh hưởng không tốt đến kế hoạch bật dậy sau dịch. Chính vì vậy Hiệp hội đề nghị giảm 70% thuế bảo vệ môi trường đến hết năm 2022 để các hãng giảm chi phí, có thêm nguồn lực hồi phục. 

Cần nới lỏng hạn chế đi lại của những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trong ảnh là hoạt động tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân TPHCM. Ảnh: Trịnh Hoàng.

Hàng không cất cánh gánh nhiều trọng trách

Nhưng nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại cần hỗ trợ, tại sao Hiệp hội vẫn kiên trì đề nghị hỗ trợ ngành hàng không?  

Chúng tôi đã cân nhắc kỹ, thậm chí đã đặt vai mình là Chính phủ để nhận diện sâu, rộng hơn khó khăn của các ngành, lĩnh vực và nguồn lực không dư giả gì của Chính phủ. Từ đó mới đề xuất các giải pháp hỗ trợ để duy trì và bật dậy sau dịch.

Hàng không là động lực phát triển kinh tế. Theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP quốc gia. Vì thế chính phủ các nước trên thế giới, kể cả những nước nước nợ công rất lớn vẫn ưu tiên hỗ trợ rất nhiều cho hàng không. Ước tính số tiền hỗ trợ cho hàng không thế giới năm 2020 và 2021 khoảng 280 tỉ đô la Mỹ. So với thế giới thì hỗ trợ hàng không nước ta rất hạn chế. 

Hàng không nước ta có dư địa phát triển tốt, khả năng cạnh tranh cao ở thị trường quốc tế và là cầu nối của Việt Nam với thế giới. Hàng không và du lịch như răng với môi, hỗ trợ hàng không là hỗ trợ ngành du lịch đang sử dụng khoảng 3 triệu lao động, doanh thu 36 tỉ đô la Mỹ/năm (năm 2019, chiếm 9,2 GDP) của nước ta.  

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, nếu được khai thông cơ chế, dòng vốn vay sẽ giúp doanh nghiệp bật dậy sau dịch Covid-19. Ảnh minh họa: ĐVCC

Trong ngành hàng không, riêng các hãng hàng không đã nộp ngân sách trên 20.000 tỉ đồng thuế, phí trực tiếp, gián tiếp mỗi năm nhưng đại dịch đã khiến số nộp ngân sách năm 2020 của ngành giảm tới 60%. Hàng không duy trì, phục hồi sẽ đóng góp thiết thực cho ngân sách quốc gia.

Đó là chưa kể hàng không hồi phục còn đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… của đất nước.

Chính vì thế, việc đề xuất hỗ trợ của chúng tôi có thể nói là thận trọng, biết người biết ta. Ví như gói giảm lãi suất chẳng hạn, ngân hàng thừa vốn, lợi nhuận cao nhưng vốn đầu tư lại đang tập trung vào bất động sản và chứng khoán rủi ro cao, không mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế… Trong khi đó nhiều ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ rất cần hỗ trợ vốn để vượt qua đại dịch. Do đó, ngân hàng cần có cơ chế để cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang khó khăn được vay để duy trì, phát triển.

Chính phủ hỗ trợ 4% lãi suất trong 3-5 năm cho các hãng hàng không thì tính ra cũng chỉ vài ngàn tỉ. Trong khi hàng không phục hồi, riêng khoản đóng góp cho ngân sách sẽ lớn gấp đôi, gấp ba… trong nhiều năm. Đây thực chất là khoản đầu tư của Chính phủ, là nuôi dưỡng nguồn thu. 

Hỗ trợ cho hàng không hồi phục, bật dậy là nhằm mang lại lợi ích đa mục tiêu lâu dài, cho nhà nước, cho ngành hàng không, ngân hàng, cho xã hội…

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới