Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên: ngoài tâm huyết cần thực làm

Mai Nguyễn Hoàng Nam (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mặc dù đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên nhưng nhiều chương trình vẫn còn mang nặng tính hình thức, thiếu tính quy hoạch, tầm nhìn và chưa có các hỗ trợ thiết yếu, đủ để tạo ra những kỳ lân từ sinh viên.

Điều này không những gây thất thoát nguồn lực của xã hội, tốn kém ngân sách Nhà nước mà còn không tạo ra được những doanh chủ xứng tầm.

Văn phòng một startup ở Hà Nội. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam được xem là một đỉnh trong “tam giác vàng khởi nghiệp” ở Đông Nam Á cùng với Singapore và Indonesia. Ảnh: Reuters

Trao quyền nhầm người

Thực tế hiện nay, có rất ít giám đốc vườn ươm tại các trường đại học, trưởng làng Techfest, giám đốc trung tâm đổi mới sáng tạo… là người từng khởi nghiệp thành công. Phần lớn trong số này thường xuất thân từ giảng viên hoặc là người có doanh nghiệp nhưng thuộc lĩnh vực chuyên môn giảng dạy nên được hưởng lợi thế sẵn có.

Vì vậy, dù đội ngũ này có tâm huyết cao nhưng vẫn thiếu tư duy hệ thống, khiến nhiều vườn ươm thường vận hành khá rời rạc, thiếu liên kết và không ít trong số đó chỉ quan tâm đến thành tích riêng.

Đặc biệt, nhiều cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc cấp trung ương, sở, ban, ngành còn đưa các kiến thức liên quan đến mô hình kinh doanh (business model) vào tập huấn cho nội dung khởi nghiệp như mô hình Canvas, SWOT, phân tích số liệu tài chính, xác định rủi ro, trách nhiệm xã hội… Những kiến thức này thường dùng để phân tích cho các doanh nghiệp đã vận hành lâu năm trên thị trường, có dữ liệu cụ thể và có thể dùng những số liệu đó để dự đoán về tương lai hay đánh giá sâu doanh nghiệp, chưa phù hợp với doanh nghiệp mới bắt đầu tính gia nhập thị trường.

Trong khi đó, để tiếp cận khởi nghiệp cho sinh viên, quan trọng nhất là giúp sinh viên có thể thiết kế được bộ nhận diện thương hiệu rõ ràng ngay từ đầu, từ cách đặt tên thương hiệu, slogan, phân dòng sản phẩm, cho đến thiết kế bao bì, MVP (Minimum Viable Product - sản phẩm khả dụng tối thiểu)...

Startup cần được tư vấn để tránh được điểm yếu thường gặp của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có việc thiếu định hướng cho bộ nhận diện có thể vươn xa ra quốc tế. Với các dự án khởi nghiệp sinh viên, việc hướng dẫn họ cách để bán được đơn hàng đầu tiên, cách tối ưu chi phí tiếp thị nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả theo từng giai đoạn, xây dựng thương hiệu cá nhân trong khởi nghiệp và kỷ nguyên số… mới thực sự cần thiết.

Hiện nay, nhiều khóa tập huấn về đào tạo giảng viên nguồn cho khởi nghiệp vẫn có cán bộ giảng dạy là các giảng viên lâu năm tại một số vườn ươm tạo thuộc trường đại học chứ không phải là các nhà khởi nghiệp thành công. Theo người viết bài này, đây là một quy trình không hợp lý trong giáo dục.

Việc khởi nghiệp đòi hỏi rất những ứng biến linh hoạt, năng lực quán xuyến thời gian và sự hy sinh về vật chất, tinh thần của những nhà khởi nghiệp trong giai đoạn đầu. Chính vì vậy, việc đọc một vài tài liệu về khởi nghiệp rồi đi giảng lại cho sinh viên sẽ không thể giúp các dự án thành công. "Người truyền lửa" phải là người từng trải, thực làm, có kinh nghiệm và khả năng truyền tải kiến thức (phương pháp sư phạm).

Vì vậy, nên đặt lại trọng tâm trong việc hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên và kết nối với những nhà khởi nghiệp có nhiều thành tựu, kêu gọi sự cống hiến cho cộng đồng của những người này để hỗ trợ cho những người mới bắt đầu.

Thi, thi, thi, lại thi… và sau đó thì sao?

Hiện nay, không ít trường đại học tổ chức từ 2-3 cuộc thi khởi nghiệp trong năm. Thiết nghĩ, sự phân tán và đầu tư quá nhiều vào các cuộc thi có thể khiến sinh viên xao lãng chuyên ngành chính.

Mặc dù chưa có một thống kê nào về tỷ lệ học lực của các thí sinh trước và sau khi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp ở trường nhưng thực tế đã có những nhóm sinh viên lấy dự án của mình tham gia rất nhiều cuộc thi của những trường đại học khác nhau. Điều đáng suy ngẫm là các dự án đó gần như không có bất kỳ sự chuyển biến nào về mặt kinh doanh sau nhiều tháng tham gia thi.

Trong khi trên thế giới, nhiều chương trình được tạo ra nhằm giúp sinh viên có khát khao và động lực cống hiến, muốn tạo ra những startup có thể thay đổi thực tại thì tại Việt Nam lại có tình trạng làm dự án chỉ để... đi thi. Điều này dẫn đến tình trạng một số nhóm sinh viên chỉ tập trung mục đích “săn giải” còn tỷ lệ dự án đạt giải được tiếp tục triển khai vào thực tế là bao nhiêu thì khó mà biết được.

Điều này rất lãng phí vì những đơn vị tổ chức, tư vấn, hỗ trợ đào tạo... phải bỏ nhiều tiền bạc, thời gian cho các cuộc thi nhưng lại không tạo ra thêm bất cứ giá trị nào về mặt kinh doanh cho những dự án khởi nghiệp.

Dự án khởi nghiệp rất cần hỗ trợ truyền thông

Vừa qua, một bạn trẻ Việt Nam đã lọt vào danh sách những gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi tại châu Á (Forbes 30 Under 30 Asia 2024) nhờ vào những cống hiến dành cho UpYouth - một tổ chức phi lợi nhuận tập trung hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại Việt Nam. Sự khác biệt lớn nhất của UpYouth so với phần đa các tổ chức ươm tạo trong đại học khác nằm ở việc kêu gọi được vốn đầu tư hoặc cho vay vốn với các dự án startup cần hỗ trợ. Điều này vô cùng cần thiết với các startup “thực làm”.

Ngoài ra, các đơn vị ươm tạo tại đại học có thể là cầu nối cho những dự án startup của sinh viên được hỗ trợ sản xuất, gia công miễn phí, hỗ trợ đầu ra trong giai đoạn đầu. Các vườn ươm có thể tổ chức các hội chợ thương mại, công nghệ nhằm giúp các startup sinh viên tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là những triển lãm, hội chợ này phải có khách hàng có nhu cầu thực tế, tránh làm kiểu hình thức để lấy thành tích, có hình ảnh nhưng không có giá trị thương mại, không có giá trị hợp tác.

Về mặt truyền thông báo chí, trong các chương trình liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên, hiện đa phần các tin tức được đăng tải chủ yếu tập trung vào phát biểu của các quan chức cấp cao, chính quyền, tổ chức trường học. Điều này gần như không có bất kỳ giá trị hay lợi ích nào cho các statup mà chỉ giúp tạo uy tín cho chương trình.

Về quảng cáo báo chí, với một đơn vị khởi nghiệp trong giai đoạn đầu, điều họ cần không nhất thiết phải là bài PR (quảng cáo) mà đơn giản là những dạng bài viết giúp khách hàng biết đến sự tồn tại của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, những sinh viên mới khởi nghiệp thường không có kinh phí để làm việc này. Vì vậy, họ rất cần sự giúp sức từ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp.

--------------------

(*) Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh Quốc tế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới