Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hóa đơn ‘ma’: doanh nghiệp bị phạt oan đến bao giờ?

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cuối tuần trước, Tổng cục Thuế có văn bản gửi các cơ quan báo chí, khẳng định sẽ xử lý nghiêm hành vi gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp. Công văn 1798 - đẩy khó cho doanh nghiệp - không được nhắc tới. Vì thế, khả năng doanh nghiệp sẽ tiếp tục phải giải trình nếu bên bán xuất hóa đơn “ma” và chịu thiệt kép: vừa bị lừa hóa đơn, vừa bị phạt vì sai phạm của người khác mà vốn dĩ mình không kiểm soát được.

Trong văn bản này, Tổng cục Thuế cho biết, việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc từ ngày 1-7-2022 là bước cải cách sâu rộng, tác động lớn đến công tác quản lý thuế; đồng thời tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế.

Tuy nhiên, thời gian qua, “một bộ phận người nộp thuế” lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách đã thành lập doanh nghiệp không nhằm sản xuất, kinh doanh mà chỉ để mua bán và sử dụng hóa đơn khống. “Một số doanh nghiệp” có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao đã tham gia mua bán hóa đơn bất hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế, hoàn thuế..., gây thất thu cho ngân sách.

Cụ thể, cơ quan thuế đã nhận diện những hành vi vi phạm như: xuất khống, mua bán hóa đơn (trong đó có trường hợp là hóa đơn giả) để trục lợi; lập hóa đơn sai quy định để hợp thức hóa, giảm chi phí đầu vào để giảm thuế phải nộp, kê khai không đúng, không đủ; không xuất hóa đơn cho hàng hóa xuất khẩu; hóa đơn chiết khấu thương mại lại lập thành hóa đơn điều chỉnh...

Điển hình là một số vụ án đã và đang được cơ quan công an điều tra như tại Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình... Hành vi, thủ đoạn của các doanh nghiệp hết sức tinh vi, phạm vi thực hiện trên cả nước, thời gian diễn ra từ khi thành lập đến khi bỏ địa điểm kinh doanh hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trong thời gian ngắn.

Bức xúc còn lớn hơn khi cơ quan thuế địa phương yêu cầu doanh nghiệp giải trình về những hóa đơn đã giao dịch với những doanh nghiệp thuộc diện có rủi ro về thuế nói chung, chứ không chỉ với 524 doanh nghiệp nêu trong Công văn 1798.

Trước tình hình này, ngành thuế đưa ra hai giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và khai thác tối đa cơ sở dữ liệu lớn (big data) trong quản lý thuế và quản lý hóa đơn điện tử. Thứ hai, kiên quyết xử lý những hành vi cố tình vi phạm sử dụng hóa đơn điện tử bất hợp pháp.

Như vậy có thể hiểu, ngành thuế sẽ tiếp tục triển khai Công văn 1798/TCT-TTKT ban hành ngày 16-5-2023 về việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp, dù cộng đồng doanh nghiệp rất bức xúc do rơi vào cảnh “quýt làm cam chịu” và giới chuyên gia, luật sư cho rằng cần phải thu hồi văn bản này, vì ngành thuế không thể đẩy trách nhiệm của mình sang doanh nghiệp(1).

Công văn 1789 yêu cầu các doanh nghiệp giải trình về những hóa đơn đã giao dịch với 524 doanh nghiệp có rủi ro về thuế nêu trong phụ lục. Doanh nghiệp bức xúc vì lúc họ mua hàng thì bên xuất hóa đơn vẫn hoạt động; hóa đơn điện tử do cơ quan thuế cấp mã nên cũng không thể nói là hóa đơn không hợp lệ. Hơn nữa, trách nhiệm quản lý các doanh nghiệp đã bỏ trốn sau khi bán hàng thuộc về cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh. Vì vậy, bắt họ phải giải trình về các hóa đơn mua hàng hóa từ doanh nghiệp bỏ trốn, phải chịu trách nhiệm về việc làm của doanh nghiệp khác là rất vô lý.

Bức xúc còn lớn hơn khi cơ quan thuế địa phương yêu cầu doanh nghiệp giải trình về những hóa đơn đã giao dịch với những doanh nghiệp thuộc diện có rủi ro về thuế nói chung, chứ không chỉ với 524 doanh nghiệp kể trên. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải bỏ thời gian, công sức giải trình hàng loạt nội dung với cơ quan thuế và đối diện với nguy cơ bị xử phạt dù không làm gì nên tội!

Theo giới chuyên gia, Công văn 1798 cho thấy ngành thuế đang né trách nhiệm. Công văn này không những gây phiền hà cho doanh nghiệp mua hàng mà còn khiến doanh nghiệp bất an, rủi ro, không thể yên tâm làm ăn và đi ngược lại những chỉ đạo của Chính phủ về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, về thể thức ban hành quy định pháp luật, việc công văn chứa quy phạm pháp luật là không đúng quy định và cần phải thu hồi.

Đúng là phải xử lý nghiêm các doanh nghiệp có những hành vi tiếp tay cho việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp hoặc cố tình sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn để khấu trừ tiền thuế. Bởi lẽ việc này gây thất thu cho ngân sách và có dấu hiệu cấu thành tội trốn thuế do sử dụng hóa đơn không hợp pháp, tội mua bán trái phép hóa đơn được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, ngành thuế không thể chỉ vì “một bộ phận người nộp thuế”, “một số doanh nghiệp” vi phạm mà bắt hàng ngàn doanh nghiệp làm ăn chân chính phải giải trình; càng không thể đẩy quả bóng trách nhiệm của mình sang chân doanh nghiệp - vốn cũng đang sức tàn lực kiệt vì đại dịch và diễn biến kinh tế vô cùng khó khăn.

Các chuyên gia khuyên doanh nghiệp mua hàng có thể khiếu nại hành chính tới cơ quan thuế về hành vi làm sai; trường hợp cơ quan thuế vẫn không giải quyết thỏa đáng, doanh nghiệp mua hàng có thể khởi kiện ra tòa. Có lẽ không doanh nghiệp nào chọn cách này vì họ biết rằng “chờ được vạ thì má đã sưng”, “con kiến kiện củ khoai”. Thay vào đó họ sẽ “cắn răng” đi giải trình, nộp phạt và mãi không hiểu vì sao những công văn vô lý của ngành thuế vẫn được ban hành, được tồn tại và làm khổ họ!

(1) https://tuoitre.vn/ra-cong-van-lam-kho-doanh-nghiep-xu-ly-ra-sao-20230710085854438.htm

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết rất hay, doanh nghiệp ấm ức mà không biết kêu ai. Lúc giao dịch kiểm tra trên hệ thống thì đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ kia vẫn hoạt động bình thường. Nhưng thời gian sau họ bỏ trốn thì lại bị quy trách nhiệm rồi phạt… rất vô lý.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới