(KTSG Online) - Mặc dù được pháp luật Việt Nam công nhận và khuyến khích từ lâu, hòa giải thương mại vẫn chưa thật sự trở thành lựa chọn phổ biến của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
- Tranh chấp thương mại quốc tế công cũng có thể giải quyết bằng… trọng tài
- Trọng tài thương mại khi ‘kinh tế tư nhân là trụ cột’
Trong bối cảnh các tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất phức tạp, hòa giải thương mại được xem là một phương thức giải quyết xung đột văn minh, ít tốn kém và có thể duy trì quan hệ hợp tác giữa các bên.

Nền tảng pháp lý vững chắc nhưng thực tiễn hạn chế
Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại và nhiều văn bản pháp luật liên quan đã thiết lập cơ sở pháp lý cho việc công nhận và tổ chức hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng vụ việc hòa giải thương mại được ghi nhận chính thức vẫn ở mức rất khiêm tốn, so với các phương thức truyền thống như tòa án hoặc trọng tài.
Mặc dù không có một thống kê đầy đủ về số lượng vụ việc hòa giải thương mại trên toàn quốc, theo số liệu từ Trung tâm hòa giải Việt Nam (VMC) - trung tâm hòa giải thương mại đầu tiên được đăng ký và hoạt động tại Việt Nam - từ năm 2018 đến năm 2024, trung tâm chỉ tiếp nhận 42 vụ tranh chấp, tức là trung bình 6 vụ tranh chấp mỗi năm (**).
Con số này không tương xứng với tiềm năng của phương thức hòa giải thương mại trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế. Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều yếu tố như nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng doanh nghiệp, sự thiếu hấp dẫn của hệ thống pháp luật hỗ trợ, hoặc những rào cản văn hóa khi sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Điều này phản ánh rõ thực tế: dù có nền tảng pháp lý, thói quen và nhận thức của doanh nghiệp về công cụ này vẫn còn rất hạn chế.
Tâm lý “thắng - thua” và lo ngại tính cưỡng chế
Một trong những rào cản lớn khiến doanh nghiệp chưa mặn mà với hòa giải là tâm lý thích “phân định đúng – sai” rõ ràng và kỳ vọng vào phán quyết có tính cưỡng chế. Trong khi đó, kết quả hòa giải chỉ có giá trị ràng buộc pháp lý khi các bên tự nguyện thỏa thuận và được công nhận theo thủ tục nhất định.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng việc đưa tranh chấp ra hòa giải có thể bị đối tác diễn giải như một dấu hiệu yếu thế, từ đó ảnh hưởng đến vị thế thương lượng và hình ảnh thương hiệu. Tâm lý này phổ biến đặc biệt ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ - vốn thường ít nguồn lực pháp lý nội bộ.
Thiếu chuyên nghiệp hóa và hệ sinh thái hỗ trợ
Bên cạnh rào cản về nhận thức, một yếu tố đáng lưu ý khác là sự thiếu vắng các trung tâm hòa giải thương mại có tính chuyên môn cao và độc lập tại Việt Nam. Không ít trung tâm hòa giải thương mại chỉ tồn tại trên danh nghĩa, thiếu đội ngũ hòa giải viên thương mại được đào tạo bài bản, quy trình chuẩn hóa và sự kết nối với cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, chưa có cơ chế khuyến khích tài chính hoặc chính sách công cụ hỗ trợ đi kèm - như giảm án phí khi đã thử hòa giải thương mại, miễn lệ phí công nhận thỏa thuận hòa giải thương mại thành... khiến doanh nghiệp chưa có động lực cụ thể để lựa chọn phương thức này.
Cần một chiến lược toàn diện để thay đổi
Để thúc đẩy hòa giải thương mại trở thành một kênh giải quyết tranh chấp hiệu quả và phổ biến, cần một chiến lược dài hạn với sự phối hợp của nhiều chủ thể: Nhà nước, tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các trung tâm hòa giải độc lập.
Trước hết, cần lồng ghép điều khoản hòa giải thương mại vào hợp đồng thương mại như một bước khởi đầu bắt buộc trước khi khởi kiện. Tiếp đó là nâng cao chất lượng và uy tín của các trung tâm hòa giải thương mại, thông qua đào tạo chuyên sâu và minh bạch hóa quy trình.
Cuối cùng, xây dựng “văn hóa thương lượng” trong môi trường kinh doanh - nơi việc giải quyết bất đồng không bị xem là thất bại mà là một phần tất yếu của hợp tác - sẽ là nền tảng bền vững để hòa giải thương mại thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
-----------------------------------
(*) Luật Sư, Trọng Tài Viên, Công Ty Luật TNHH FIRST COUNSEL, Trung Tâm Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Tiền Giang (TGAC)
(**) Theo Báo Cáo Thường Niên VIAC 2024 của Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC)