(KTSG Online) - Ngoại trừ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit sẽ miễn phí bản quyền giống thanh long ruột đỏ cho tất cả những thị trường còn lại, thay vì chỉ có thời hạn 5 năm như tuyên bố trước đó.
Về việc chia sẻ bản quyền đối với giống thanh long ruột đỏ LD1, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đã có văn bản chính thức cam kết sẽ không thu phí bản quyền (bản quyền giống thanh long ruột đỏ được Hoàng Phát Fruit mua bản quyền từ Viện Cây ăn quả miền Nam từ năm 2017 - PV) cho tất cả những thị trường mà các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu, ngoại trừ hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước đó, tại cuộc họp với các bên liên quan, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit thông tin chỉ miễn phí trong thời hạn 5 năm, tính từ thời điểm tháng 2-2023.
Đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit chính thức cam kết bằng văn bản sẽ thu phí bản quyền đối với các doanh nghiệp xuất khẩu vào hai thị trường này với mức 30 đồng/kg cho số lượng 5.000-15.000 tấn; 20 đồng/kg đối với số lượng 20.000-25.000 tấn và 10 đồng/kg cho số lượng 25.000 tấn trở lên.
Trước đó, tại cuộc họp với các bên liên quan, thì bà Thoa cho biết, mức thu phí được Hoàng Phát áp dụng như sau: nếu doanh nghiệp nào xuất khẩu cho hợp đồng 5.000-15.000 tấn, thì công ty thu phí 30 đồng/kg; hợp đồng 15.000-25.000 tấn là 20 đồng/kg và từ 25.000 tấn trở lên là 10 đồng/kg.
Hoàng Phát Fruit cam kết, đối với doanh nghiệp xuất khẩu dưới 5.000 tấn thanh long/năm, thì đơn vị này sẽ cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong văn bản cam kết, bà Thoa cho biết, đơn vị này hiện có trên 132 héc ta vùng nguyên liệu trồng thanh long ruột đỏ LD1 với sản lượng cung ứng khoảng 5.000 tấn. Trong đó, có 32 héc ta là trang trại của công ty, 70 héc ta đơn vị này hợp tác bao tiêu với bà con nông dân và khoảng 30 héc ta diện tích trồng khảo nghiệm giống với Công ty tư vấn và đầu tư phát triển nghề vườn (thuộc Viện cây ăn quả miền Nam).
Theo bà Thoa, đơn vị này cũng đang ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn Nhật Bản và Hàn Quốc với giá 40.000 đồng/kg, cho nên, Hoàng Phát sẽ cung cấp đủ sản lượng theo mong muốn của doanh nghiệp có nhu cầu xuất đi Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, với cam kết chính thức bằng văn bản như nêu trên, thì không rõ doanh nghiệp xuất khẩu ở mức từ trên 15.000 tấn đến dưới 20.000 tấn, thì Hoàng Phát Fruit sẽ áp dụng mức phí như thế nào (?).
Còn đối với với nông dân, những hộ có đầy đủ giấy tờ chứng minh là giống thanh long ruột đỏ LD1 do Viện Cây ăn quả miền Nam cung cấp giống, sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ được Hoàng Phát Fruit bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường khoảng 20-30%.
Với những trường hợp nông dân tự ý sản xuất giống thanh long ruột đỏ LD1 để trồng hoặc tự ý mua bán giống với nhau mà không thông qua Viện Cây ăn quả miền Nam (trước năm 2017) và Hoàng Phát Fruit (sau năm 2017), vẫn được bán tại thị trường trong nước và xuất khẩu, ngoại trừ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đối với hợp tác xã có trồng giống thanh long ruột đỏ LD1 muốn mở rộng sản xuất, Công ty Hoàng Phát Fruit sẽ hướng dẫn kỹ thuật để sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản và Hàn Quốc và bao tiêu sản phẩm.
Trên thực tế, dù phần lớn diện tích trồng thanh long của Loang An là loại ruột đỏ LD1, nhưng theo thông tin ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long của tỉnh cung cấp cho KTSG Online, không thể xác định được chính xác có bao nhiêu diện tích có thể xác định được nguồn gốc giống.
Trao đổi với KTSG Online, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Dương Xuân cho biết, đã có hàng trăm hộ nông dân đến trực tiếp trại giống của Viện cây ăn quả miền Nam để mua cành (không có hợp đồng mua bán – PV) về nhân giống và bán lại cho các nông dân khác sản xuất.
Số liệu tính toán từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam đạt 642,95 triệu đô la Mỹ, giảm 38,4% so với năm 2021. Trong đó, ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, thì có khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhập khẩu thanh long của Việt Nam.