(KTSG Online) – Nhu cầu điện tăng cao do hoạt động khai thác bitcoin và sản lượng thủy điện suy giảm trong bối cảnh thời tiết khô hạn dẫn đến tình trạng mất điện thường xuyên ở Lào trong thời gian gần đây. Vấn đề này là thách thức lớn đối với triển vọng của Lào với tư cách là nhà xuất khẩu thủy điện sang các nước Đông Nam Á.
- Lào nuôi tham vọng điện gió để giảm phụ thuộc vào thủy điện
- Lào cho phép tư nhân xây đường truyền tải điện nối với Việt Nam
Lào được mệnh danh là “viên pin” của Đông Nam Á nhờ tiềm năng xuất khẩu thủy điện. Nước này cung cấp nguồn năng lượng sạch rẻ nhất và ổn định nhất, đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ khử carbon ở một khu vực vực đang gặp khó khăn trong việc tăng quy mô năng lượng mặt trời và gió.
Nhưng hiện tại, Lào đang thiếu điện vì nhu cầu tăng cao do hoạt động “đào” bitcoin và thời tiết nắng nóng. Nhiều khu vực ở thủ đô Viêng Chăn chứng kiến tình trạng mất điện trong những tuần qua. Hỏa hoạn cũng xảy ra ở những nơi hệ thống điện bị quá tải.
Hôm 16-5, Đài truyền hình quốc gia Lào cho biết, mất điện là kết quả của nhu cầu tiêu thụ cao bất thường trong thời tiết nắng nóng, dẫn đến tình trạng quá tải máy biến áp và không đủ điện. Nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, dẫn đến nguy cơ chập mạch và hư hỏng đường dây điện do nhu cầu vượt quá khả năng của thiết bị phân phối điện hiện tại. Để giải quyết vấn đề, Tập đoàn điện lực quốc gia Lào (EDL) đã lập kế hoạch toàn diện để sửa chữa, thay thế và nâng cấp thiết bị phân phối.
Trao đổi với hãng tin Reuters bên lề hội nghị Tương lai năng lượng châu Á ở Bangkok (Thái Lan), diễn ra từ ngày 15 đến 17-5, Somboun Sangxayarath, cố vấn của EDL, cho biết chính sách thúc đẩy thành lập các trung tâm dữ liệu vào năm 2021 dẫn đến cơn bùng nổ “đào” bitcoin, hiện chiếm hơn 1/3 nhu cầu điện của Lào. Kết hợp với sản lượng thủy điện hạn chế do lượng mưa thấp hơn, điều này dẫn đến tình trạng mất điện thường xuyên.
Năm 2021, chính phủ Lào cấp phép khai thác và giao dịch bitcoin cho 6 công ty theo một chương trình thử nghiệm. Đến năm 2022, Ngân hàng trung ương Lào cấp phép hoạt động cho hai sàn giao dịch tiền mã hóa.
Các nhà điều hành trung tâm dữ liệu “đào” bitcoin đang tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch giá rẻ, khiến các nước châu Á như Lào trở nên hấp dẫn đới với họ. Với dân số chỉ 7 triệu người và công suất thủy điện tiềm năng lên đến 26,5 GW, Lào là một trong những nước giàu tài nguyên thủy điện nhất ở Đông Nam Á và là nơi lý tưởng để khai thác bitcoin có lợi nhuận và bền vững.
Thủy điện chiếm 80% sản lượng điện của Lào trong thập niên qua. Các nhà xuất khẩu điện độc lập ở Lào bán phần lớn thủy điện thông qua các thỏa thuận xuyên biên giới với Thái Lan và Việt Nam.
Sangxayarath cho biết, EDL đã trở thành nhà nhập khẩu điện ròng kể từ năm 2021 vì tập đoàn cần thêm công suất lên tới 600 megawatt (MW) vào các giai đoạn nhu cầu lên đỉnh điểm. Điều này khiến chi phí của EDL, vốn đang gánh nhiều nợ nần, tăng hơn gấp đôi.
“Trong mùa khô, chúng tôi không thể đáp ứng nhu cầu, do đó, trong vài năm qua, chúng tôi nhập khẩu nhiều điện hơn so với trước đây”, Sangxayarath nói.
Ông tiết lộ, để giảm nhu cầu nhập khẩu điện, Lào đang xây dựng các dự án thủy điện với tổng công suất 720 MW, dự kiến hoàn thành vào cuối năm sau.
Để cải thiện độ tin cậy của việc phát điện trong bối cảnh lượng mưa thất thường, Lào muốn tăng tỷ lệ sản lượng điện ngoài thủy điện lên 30% vào năm 2025 từ mức hơn 20% hiện nay. Nhưng mục tiêu đó có vẻ khó đạt được vì không có dự án lớn nào đang được triển khai.
“Chúng tôi có những dự án nhiệt điện than. Tuy nhiên, do các tổ chức khác nhau phản đối nên việc huy động vốn cho điện than trong giai đoạn này rất khó khăn”, ông nói và cho biết thêm Lào đang tìm cách xây dựng các dự án kết hợp thủy điện với điện gió, hoặc thủy điện với điện mặt trời.
Năm ngoái, giới chức trách Lào tuyên bố không cung cấp điện cho các dự án “đào” tiền mã hóa chưa vận hành. Dù vậy, Sangxayarath cho biết, EDL vẫn đang tích cực xem xét các đề xuất đầu tư mới và tìm cách tăng cường nguồn điện sẵn có.
Theo Reuters, Xinhua