Thứ sáu, 17/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hoạt động kinh doanh song hành cùng trách nhiệm

Dạ Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Việc các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến trách nhiệm xã hội (CSR) đánh dấu một bước mở rộng quan trọng trong tư duy làm kinh tế, từ theo đuổi lợi nhuận sang kiến tạo lợi ích. Giá trị đóng góp cho cộng đồng giờ đây trở thành một trong những thước đo hàng đầu phản ánh tính hiệu quả của mô hình kinh doanh.

Thông điệp trên là điểm nhấn xuyên suốt Lễ tổng kết Saigon Times CSR 2024, nơi tôn vinh 40 doanh nghiệp với các hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng. Chương trình do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm 14-11-2024 tại TPHCM.

Toàn cảnh buổi tọa đàm với chủ đề “Vì một tương lai bền vững” trong khuôn khổ Lễ tôn vinh Saigon Times CSR 2024. Ảnh: SGT

Trong lần thứ 6 được triển khai, chương trình Saigon Times CSR tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những dự án CSR nổi bật, thể hiện nỗ lực bảo vệ môi trường và kiến tạo nền kinh tế bền vững. Tại sự kiện, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã tái khẳng định tầm quan trọng của hoạt động trách nhiệm xã hội trong chiến lược kinh doanh.

Việc xây dựng uy tín thương hiệu và chú trọng phát triển nguồn lực con người trở thành những ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt. Thông qua các hoạt động CSR, doanh nghiệp từng bước tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng, để rồi niềm tin đó chuyển hóa thành những thành quả cụ thể, tạo ra giá trị tích cực cho cả doanh nghiệp và cộng đồng.

Lợi ích song hành cùng trách nhiệm

Phát biểu tại sự kiện, ông Joseph Low, Chủ tịch khối bất động sản của Công ty Keppel Việt Nam, cho biết thực hành trách nhiệm xã hội là việc làm cần thiết để doanh nghiệp xây dựng lòng tin với các bên liên quan, trong đó có khách hàng, các đối tác và nhân viên công ty. Sự tin tưởng này là bảo chứng cho triển vọng thành công trong dài hạn, góp phần phát huy giá trị của thương hiệu trên thương trường, đồng thời nâng cao sức hấp dẫn của công ty trong mắt người lao động.

Trên thực tế, sự xuất hiện của thế hệ người tiêu dùng mới đã và đang thay đổi môi trường kinh doanh. Khách hàng giờ đây không chỉ chú trọng chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm nhiều hơn đến giá trị doanh nghiệp đóng góp cho xã hội. Với những đòi hỏi khắt khe, công chúng, nhất là những người trẻ, đang tái định hình các ưu tiên của giới kinh doanh, buộc cộng đồng doanh nghiệp thích nghi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường.

Khảo sát vào năm 2024 của Công ty Deloitte cho thấy gần một nửa nhân viên thuộc thế hệ Gen Y (Millennials) (1983-1994) và Gen Z (1995-2005) đã hoặc đang cân nhắc thay đổi công việc để phù hợp hơn với giá trị cá nhân về môi trường và xã hội(1). Nhóm dân số này cũng đồng thời là những người tiêu dùng có ý thức rõ ràng về tính bền vững, có thể dành thời gian để tìm hiểu về hoạt động của doanh nghiệp và sẵn sàng trả nhiều hơn cho các sản phẩm “xanh” hơn.

Ông Craig MacLean, Tổng giám đốc Công ty Anheuser-Busch InBev Việt Nam, BU SEA, cho biết trong một số ngành nghề, việc sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm diễn ra ngay tại địa phương, do đó thành công của công ty cũng không thể tách rời sự phát triển của không gian nơi doanh nghiệp tồn tại. Điều này phần nào giải thích tại sao hoạt động kinh doanh của công ty có mối liên hệ sâu sắc với cộng đồng. Do đó, ông MacLean cho rằng đầu tư bài bản vào chiến lược CSR vừa giúp công ty giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội, vừa trực tiếp tạo ra thành quả tương xứng.

Ở một góc nhìn khác, ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và khối bất động sản nhà ở của Công ty Frasers Property Việt Nam, khẳng định thực hành CSR có thể giúp hài hòa lợi ích giữa các bên và thúc đẩy hình thành những giá trị doanh nghiệp mang tính dài hạn.

Với Frasers Property, thành công của các dự án bất động sản tích hợp yếu tố môi trường và xã hội đã thể hiện tính thiết thực của việc quan tâm đúng mức đến trách nhiệm cộng đồng. Hướng đi này không chỉ là một yêu cầu của thực tiễn mà còn là chiến lược kinh doanh thông minh, giúp các doanh nghiệp thu hút tệp khách hàng giàu tiềm năng và tạo ra lợi nhuận bền vững, nhất là khi ngày càng nhiều nhà đầu tư đề cao yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Toàn diện từ cách tiếp cận

Tại sự kiện, ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin, đã nhấn mạnh cam kết toàn diện của công ty đối với trách nhiệm xã hội. Với nguồn lực mạnh mẽ, doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động như cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại nhiều địa phương.

Trong khi đó, với Keppel, công ty đặt mục tiêu lan tỏa tác động tích cực trong xã hội thông qua các hoạt động CSR cụ thể hàng ngày. Doanh nghiệp tổ chức hội thảo để nâng cao nhận thức về hoạt động xã hội cho nhân viên, khuyến khích khách hàng ứng dụng các thực hành bền vững, đồng thời trao đổi với đối tác về việc triển khai các giải pháp xanh cho từng dự án.

Dù mỗi doanh nghiệp có một lộ trình CSR riêng, việc đánh giá hiệu quả hoạt động thường xuyên là yêu cầu không thể thiếu để đảm bảo các sáng kiến cộng đồng mang lại ý nghĩa thực chất. Theo bà Bùi Thị Mai Hoài, Giám đốc Viện Tài chính Bền vững (SFI) tại Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), bên cạnh các số liệu thống kê tài chính mang tính truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc xem xét các yếu tố phi tài chính như số lượng tham gia và mức độ hăng hái của nhân viên, cách tiếp nhận và phản hồi từ các đối tác. Điều này giúp các doanh nghiệp có cái nhìn bao quát hơn về giá trị tạo ra thông qua các hoạt động CSR, góp phần đưa đến những điều chỉnh phù hợp và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn.

Theo bà Bùi Thị Mai Hoài, có bốn khía cạnh mà doanh nghiệp cần chú ý khi đo lường lợi ích của các hoạt động CSR, tuần tự đó là cách thu thập và đối tượng thu thập dữ liệu, cách phân tích và đánh giá dữ liệu để đưa ra những nhận định khách quan, cách truyền tải thông tin cũng như góc nhìn nổi bật từ các chương trình CSR đến đối tác và các bên liên quan trọng yếu, cuối cùng là cách doanh nghiệp kết hợp các yếu tố nói trên vào việc cải thiện hiệu quả hoạt động CSR trong tương lai.

Bên cạnh đó, ông Craig MacLean cũng cho rằng sự minh bạch rất cần thiết trong các chương trình CSR. Tại Anheuser-Busch InBev, tính bền vững được tích hợp vào hoạt động của công ty với các mục tiêu rõ ràng và được truyền đạt đầy đủ tới tất cả bộ phận. “Chúng tôi minh bạch về cách khởi đầu và những mục tiêu mà mình hướng tới”, ông Craig MacLean nói. “Chúng tôi bám sát tiến độ đặt ra và áp dụng chỉ tiêu rõ ràng cho toàn bộ hoạt động doanh nghiệp”, ông khẳng định.

Lợi ích cộng đồng là mục tiêu

Khó có thể phủ nhận vai trò ngày càng quan trọng của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong thời buổi hiện nay. Như các chuyên gia đã chia sẻ, CSR không đơn thuần là một dự án đơn lẻ, ngắn hạn, mà dần được tích hợp sâu vào hoạt động kinh doanh, từng bước trở thành một phần trong bản sắc và văn hóa doanh nghiệp.

Đặt trong bối cảnh các vấn đề toàn cầu về xã hội và môi trường đang trở nên bức thiết, các doanh nghiệp hiểu rằng thành công kinh doanh bền vững không thể đạt được nếu thiếu đi sự phát triển lan tỏa và hài hòa của cộng đồng xung quanh. Với nguồn lực và sức ảnh hưởng lớn, cách doanh nghiệp đứng trước cơ hội hiện thực hóa tầm nhìn về một xã hội nơi lợi nhuận kinh doanh song hành với lợi ích bao trùm cho cả cộng đồng.

(1) https://www.deloitte.com/content/dam/assets-shared/docs/campaigns/2024/deloitte-2024-genz-millennial-survey.pdf?dlva=1

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới