(KTSG Online) - Bên cạnh đạt được nhiều kết quả về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023, tỉnh Đồng Nai vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó đáng chú ý là hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Thông tin trên được UBND tỉnh Đồng Nai cung cấp tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của địa phương này vào ngày 29-12.
- Bắt Chủ tịch Công ty LDG liên quan vụ 488 căn biệt thự trái phép ở Đồng Nai
- Đồng Nai đề nghị điều chỉnh chi phí giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Theo UBND tỉnh, trong năm 2023, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn đạt gần 246,45 ngàn tỉ đồng, tăng 5,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,21% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của KTSG Online, tốc độ tăng trưởng GRDP nói trên thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng ban đầu là 7,5 đến 8,5% của tỉnh đặt ra. Đây cũng là mức tăng thấp so với những năm bình thường gần đây (trừ năm 2021 do Covid-19).
Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp năm nay tăng 5,27% so với cùng kỳ năm ngoái, và là mức tăng thấp nhất so với nhiều năm qua (trừ năm 2021).
Dù chỉ số sản xuất tăng so năm 2022, nhưng trên thực tế hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn, chưa có dấu hiệu tích cực.
Tại cuộc họp báo, báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho thấy, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn như thiếu hụt đơn hàng, chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường xã hội chậm. Trong đó các ngành sản xuất chủ lực như dệt, may mặc, sản xuất da và giày da, hóa chất, sản phẩm điện tử... đang bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Tình hình này dẫn đến nhiều lao động bị mất việc hoặc giảm giờ làm, giảm thu nhập. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh có hơn 80.000 công nhân, lao động nghỉ, giãn việc và gần 40.000 người bị mất việc, thôi việc (theo Tuổi Trẻ Online).
Một khó khăn khác theo UBND tỉnh Đồng Nai là việc triển khai các thủ tục đầu tư các dự án trong nước gặp nhiều vướng mắc về các quy định theo luật. Dù công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch, các chương trình, dự án được tập trung thực hiện nhưng triển khai trên thực tế vẫn chậm so với kế hoạch đã đề ra.
Về thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt kết quả thấp so với dự toán. Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh khoảng 58.035 tỉ đồng, đạt 94% so với dự toán; tổng chi ngân sách địa phương khoảng 24.418,7 tỉ đồng, đạt 94% dự toán giao đầu năm và bằng 95% so với cùng kỳ. Hay về giải ngân đầu tư công với kết quả dự ước đạt 90% kế hoạch.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 đạt 21,714 tỉ đô la, giảm 11,73%; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 15,78 tỉ đô la, giảm 17,12% so cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký mới giảm; số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh tăng...
Điểm sáng hiếm hoi về kinh tế mà tỉnh đạt được trong năm 2023 là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 12%, doanh thu dịch vụ du lịch tăng hơn 40%. Giá trị xuất siêu trên địa bàn đạt khoảng 6 tỉ đô la. Các khu công nghiệp đã cho thuê đạt tỷ lệ hơn 85,6% diện tích đất cho thuê.