(KTSG Online) - Trong tháng Tám vừa qua, hoạt động của các nhà máy ở châu Á, bao gồm Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi. Dù vậy, giới phân tích cảnh báo, tăng trưởng chậm lại của Mỹ cùng với sự không chắc chắn về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay đang phủ bóng lên triển vọng của các nhà máy ở khu vực này.
- Áp lực chi phí có thể ngăn đà phục hồi sản xuất của châu Á
- Hoạt động sản xuất ở châu Á phục hồi không đồng đều
Báo cáo công bố hôm 2-9 của Caixin/S&P Global cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc tăng lên 50,4 điểm trong tháng 8 từ mức 49,8 điểm trong tháng 7. Mức tăng này cao hơn dự báo của các nhà phân tích và vượt 50 điểm, ngưỡng phân biệt tăng trưởng và suy giảm.
Chỉ số PMI của Caixin/S&P Global, chủ yếu theo dõi các doanh nghiệp nhỏ, định hướng xuất khẩu, lạc quan hơn so với chỉ số PMI chính thức được Cục Thống kê quốc gia Trumg Quốc (NBS) công bố hôm 31-8, cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục sụt giảm trong tháng 8.
Chỉ số PMI của NBS chủ yếu dựa vào kết quả khảo sát các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà nước. Theo Erica Tay, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Maybank, chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc ngày càng tồi tệ cho thấy tác động tiêu cực của cơn suy thoái bất động sản đối với các công ty công nghiệp nặng.
Hoạt động của nhà máy ở Hàn Quốc và Đài Loan cũng mở rộng trong tháng trước. Trong khi đó, Nhật Bản chứng kiến tốc độ suy giảm sản xuất chậm lại một phần nhờ nhu cầu chip toàn cầu mạnh mẽ. Sản lượng lượng ô tô của nước này cũng đang phục hồi sau những vụ bê bối về dữ liệu kiểm định an toàn khiến một số nhà máy phải tạm ngừng sản xuất.
Chỉ số PMI ngành sản xuất của Nhật Bản do ngân hàng au Jibun Bank khảo sát đã tăng lên 49,8 điểm trong tháng 8, dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng thứ hai liên tiếp. Dù vậy, dữ liệu mới nhất cải thiện hơn so với tháng 7 khi chỉ số PMI của Nhật Bản rơi xuống 49,1 điểm.
Khảo sát của S&P Global cho thấy, chỉ số PMI ngành sản xuất Hàn Quốc tăng lên 51,9 điểm trong tháng 8, từ mức 51,4 điểm trong tháng 7, một phần nhờ niềm tin mạnh mẽ của khách hàng và số lượng đơn đặt hàng mới ở thị trường nội địa. Chỉ số PMI của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đã duy trì tăng trưởng bốn tháng liên tiếp.
“Lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc chứng kiến bức tranh tươi sáng hơn trong tháng 8”, Usamah Bhatti, chuyên gia kinh tế củ S&P Global nói và cho biết thêm, sản lượng nhà máy của Hàn Quốc trong tháng trước tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4-2021.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất ở Malaysia và Indonesia suy yếu trong tháng 8, nhấn mạnh tổn thương mà một số nền kinh tế trong khu vực đang đối mặt do tình trạng tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Malaysia đứng ở mức 49,7 điểm trong tháng trước, không thay đổi so với tháng 7. Chỉ số PMI ngành sản xuất của Indonesia giảm xuống 48,9 điểm từ mức 49,3 điểm trong tháng 7, với hai chỉ số phụ về sản lượng và đơn hàng mới giảm mạnh nhất trong ba năm.
“Ngành sản xuất ở những nền kinh tế có thế mạnh sản xuất chip hoạt động khá tốt. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc sẽ tiếp tục cản trở hoạt động sản xuất của châu Á trong một thời gian khá dài”, Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nói.
Ông lưu ý, nhu cầu chậm lai của Mỹ có thể gây thêm tổn thương cho các nền kinh tế châu Á, vốn đang chứng kiến hậu quả từ sự tăng trưởng chậm chạp của Trung Quốc.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, các nền kinh tế châu Á đang hướng tới kịch bản “hạ cánh mềm” khi lạm phát ở mức vừa phải tạo cơ hội cho các ngân hàng trung ương trong khu vực lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng. Tổ chức này dự đoán, tăng trưởng của châu Á sẽ chậm lại về mức 4,5% trong năm nay và 4,3% vào năm 2025, chậm lại với mức tăng 5% trong năm 2023
Theo Reuters, WSJ