Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Hoạt động xuất khẩu chững lại, chỉ số PMI giảm nhẹ

Gia Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hoạt động xuất khẩu bị chững lại khiến chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global trong tháng 11 đạt 50,8 điểm, thấp hơn mức 51,2 điểm của tháng 10.

Chỉ số PMI tháng 11 đạt 50,8, thấp hơn mức 51,2 của tháng trước đó. Ảnh minh họa: L. Hoàng

Theo S&P Global, hoạt động sản xuất trong tháng vừa qua diễn biến khá trái chiều. Một số doanh nghiệp ghi nhận sự gia tăng đáng kể về đơn hàng mới và sản lượng, trong khi các doanh nghiệp khác lại gặp khó khăn do nhu cầu yếu kém, đặc biệt là từ thị trường quốc tế, , TTXVN đưa tin.

Mặc dù vẫn ghi nhận tăng trưởng, hoạt động sản xuất của Việt Nam trong tháng 11 đã có dấu hiệu chững lại với sản lượng và số đơn đặt hàng mới đã tăng chậm lại.

Sự sụt giảm mạnh của đơn hàng xuất khẩu đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất. Để đối phó với tình hình kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải cắt giảm nhân công. Việc giảm nhân lực và tăng trưởng đơn hàng đã khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng quá tải, dẫn đến việc chậm trễ trong giao hàng.

Khảo sát của S&P Global cũng cho thấy, thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục kéo dài và nghiêm trọng hơn, gây ra nhiều gián đoạn trong hoạt động sản xuất do các vấn đề về vận tải và khan hiếm nguyên vật liệu.

Sự kết hợp giữa việc giảm nhu cầu thị trường, khó khăn trong chuỗi cung ứng và nhu cầu kiểm soát chi phí đã khiến các doanh nghiệp phải giảm hoạt động mua hàng và tiêu thụ tồn kho một cách đáng kể. Đây là lần thứ 2 trong trong 3 tháng qua, các công ty giảm mua hàng.

Dù niềm tin kinh doanh đang giảm, các nhà sản xuất vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng sản xuất trong năm tới, dựa trên những kế hoạch cụ thể như ra mắt sản phẩm mới và mở rộng kinh doanh.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nhận định rằng sự phục hồi của ngành sản xuất Việt Nam sau cơn bão số 3 đã bị chững lại do nhiều yếu tố, bao gồm sự suy giảm nhu cầu quốc tế, việc các doanh nghiệp tập trung vào kiểm soát chi phí và những khó khăn trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, ông vẫn lạc quan về triển vọng trong tương lai khi nhu cầu được dự báo sẽ tăng trở lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới