Thứ năm, 20/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Học cách thích ứng với chính sách thương mại thời Trump 2.0!

Bình An

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

A.I

(KTSG) - Kể từ khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà trắng, hoạt động thương mại toàn cầu luôn ở trong trạng thái đề phòng và “thấp thỏm” với những chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế 25% đánh vào tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.

Vào cuối tuần (ngày 7-2-2025), ông Trump cho biết sẽ sớm công bố mức thuế quan đối với nhiều quốc gia. Động thái này được xem là một sự leo thang trong nỗ lực phá bỏ và định nghĩa lại các mối quan hệ thương mại toàn cầu theo hướng có lợi cho Mỹ của chính quyền Trump 2.0. Ông Trump không nêu rõ những quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng nhưng cho rằng đó sẽ là một nỗ lực rộng lớn giúp giải quyết các vấn đề về ngân sách của Mỹ cũng như để thực hiện những cam kết trong chiến dịch tranh cử trước đó của ông.

Và như đã tuyên bố, ngay đầu tuần này (ngày 10-2, giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế 25% đánh vào tất cả mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Mức thuế này cao hơn thuế kim loại nhập khẩu vào Mỹ hiện nay. Bên cạnh đó, ông Trump cũng tuyên bố sẽ công bố mức thuế đối ứng tương đương với mức mà các đối tác thương mại áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trong ngày 11 và 12-2 và sẽ có hiệu lực gần như ngay lập tức.

Phản ứng trước thông tin này, cổ phiếu nhóm ngành tôn - thép đã đồng loạt giảm sâu trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 10-2). “Anh cả” HPG mất tới 4,6% giá trị với thanh khoản dẫn đầu toàn thị trường khi khớp lệnh hơn 60 triệu cổ phiếu. “Bộ đôi” HSG và NKG cũng lần lượt lao dốc 4,6% và 3,5%.

Đánh giá về tác động của chính sách áp thuế của Mỹ lên một số cổ phiếu thép, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) chịu ảnh hưởng trực tiếp khá thấp. Lý do là tỷ trọng xuất khẩu của Hòa Phát chỉ chiếm 30% tổng doanh thu, trong đó xuất sang Mỹ chiếm khoảng 5-10% doanh thu xuất khẩu. Vì vậy, nhìn chung doanh thu xuất khẩu vào thị trường Mỹ chỉ chiếm 1,5-3% tổng doanh thu của Hòa Phát.

Tuy nhiên, Hòa Phát có thể chịu tác động gián tiếp khi CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) và CTCP Thép Nam Kim (NKG) - hai đối tác lớn tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) lớn của Hòa Phát, có tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ khá cao. Việc gặp khó khăn về thuế quan có thể sẽ dẫn tới suy giảm nhu cầu mua HRC đầu vào của Hòa Phát từ các công ty này. Đối với sản phẩm tôn mạ, ACBS đánh giá Nam Kim chịu tác động lớn hơn Hoa Sen vì tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao hơn (chiếm 40-60% doanh thu và thị trường Mỹ đứng thứ 3 sau châu Á và châu Âu). Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu chỉ chiếm 40-50% tổng doanh thu của Hoa Sen, và thị trường Mỹ chiếm khoảng 15-20% doanh thu xuất khẩu.

Trước đó, ông Donald Trump đã công bố chính sách thuế quan đối với Mexico, Canada và Trung Quốc, ba đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - động thái đã gây ra những lo ngại đáng kể trên trường quốc tế và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia khác nhau. Tuy vậy, sau các cuộc thương lượng gần như ngay lập tức, Tổng thống Donald Trump đã trì hoãn mức thuế 25% đối với Mexico và Canada trong vòng một tháng, trong khi mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã có hiệu lực vào ngày 4-2 vừa qua.

Nhìn chung, những diễn biến gần đây cho thấy môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ đang tiềm ẩn nhiều rủi ro sau các quyết sách mới. Nhận thức được điều này, tại phiên họp Chính phủ ngày 5-2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ban ngành chuẩn bị kịch bản ứng phó cho khả năng chiến tranh thương mại trong năm nay.

Về cơ bản, có một số nguyên nhân khiến không ít nhà đầu tư lo ngại về khả năng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể rơi vào “tầm ngắm” của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Thứ nhất, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực Đông Nam Á. Trong năm 2024, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã vượt mức hơn 100 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu nhờ vào các ngành: điện tử và linh kiện; dệt may và giày dép; đồ gỗ và nội thất; máy móc và thiết bị cơ khí... Đây là một con số khá lớn, có thể khiến Washington xem xét việc áp thuế để cân bằng lại cán cân thương mại, giống như cách Mỹ đã và đang làm với các đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.

Thứ hai, Mỹ có thể sẽ lo ngại rằng một phần hàng hóa từ Trung Quốc có thể mượn xuất xứ Việt Nam để tránh thuế, từ đó làm suy yếu hiệu quả của cuộc chiến thương mại mà Mỹ đã áp đặt lên Trung Quốc trước đó. Một số báo cáo cho thấy nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển một phần sản xuất sang Việt Nam để tránh bị áp thuế cao khi xuất khẩu vào Mỹ. Chính quyền Mỹ có thể sử dụng điều này làm lý do để điều tra và áp thuế cao hơn lên một số ngành sản xuất tại Việt Nam.

Thứ ba là áp lực từ các ngành sản xuất nội địa của Mỹ. Các ngành công nghiệp của Mỹ, đặc biệt là dệt may, nội thất và điện tử, đang chịu áp lực từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp Mỹ có thể vận động hành lang để chính phủ nước này áp thuế bảo hộ, giúp sản phẩm nội địa cạnh tranh hơn.

Tuy vậy, vẫn có những giải pháp để Việt Nam giảm bớt nguy cơ bị Mỹ áp thuế mạnh lên hàng xuất khẩu như: tăng cường minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt với các mặt hàng dễ bị nghi ngờ như điện tử, dệt may, nội thất; đẩy mạnh đàm phán thương mại, tăng mua hàng nhập khẩu từ Mỹ, tăng cường đối thoại để bảo vệ lợi ích quốc gia... Song song với đó, việc đa dạng hóa thị trường, chuyển hướng xuất khẩu sang các nước khác ngoài Mỹ, như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc cũng là giải pháp cần được tính đến để từng bước thực hiện. Với sự bất ổn trong tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu ngày càng có xu hướng gia tăng như hiện nay, sự linh hoạt và nhanh chóng thích ứng sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp sống sót và vượt qua biến động!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới