Thứ Hai, 2/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Học sử đâu chỉ từ thầy cô

Pha Lập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Để học sinh ghi nhớ và thích thú với lịch sử nước nhà, ngoài nhà trường thì các loại hình nghệ thuật như phim ảnh, văn thơ, ca nhạc phải cùng vào cuộc.

Chỉ so với Trung Quốc thôi, mảng phim lịch sử của Việt Nam thua xa họ về số lượng. Dòng phim kháng Nhật của Trung Quốc, có thuyết minh tiếng Việt, phát không trên Youtube, có hàng ngàn phim lẻ và phim bộ. Còn số lượng phim Việt Nam về đề tài kháng Pháp, kháng Nhật, trên Youtube có thể đếm trên đầu ngón tay!

Với dòng phim cổ trang thời vua chúa của Trung Quốc lồng tiếng Việt trên mạng, người xem miễn phí có thể coi năm này qua năm khác, coi từ lúc đầu xanh đến đầu bạc, cũng chưa chắc hết. Đã vậy trên truyền hình trung ương và địa phương của Việt Nam hầu như ngày nào cũng chiếu dòng phim này của Trung Quốc.

Cũng khó trách các đài truyền hình, vì theo thống kê của wiki, tổng số phim cổ trang của Việt Nam sản xuất và phát hành từ sau 1975 đến nay, với nội dung liên quan từ thời thuộc Pháp trở về trước là gần 160, gồm cả phim màn ảnh rộng, phim truyền hình, phim chiếu trên mạng, phim  phát hành độc lập qua băng và đĩa DVD(*).

Phim cổ trang lấy cảm hứng từ những sự kiện, nhân vật trong chính sử, dã sử. Đến lượt mình, phim cổ trang tác động tới tình cảm, thái độ của người xem đối với nhân vật và câu chuyện lịch sử. Với số lượng phim cổ trang Việt quá ít ỏi so với phim cổ trang Trung Hoa lồng tiếng Việt, nỗi lo một số học sinh Việt Nam lẫn lộn sự kiện, nhân vật lịch sử Trung Quốc với Việt Nam e rằng còn kéo dài.

Trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam từng có phong trào và sau đó thành chỉ thị của Ban Bí thư: người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Vậy mà đến nay hình như chưa thấy ai đề xuất, khởi xướng phong trào người Việt Nam ưu tiên xem phim cổ trang Việt Nam.

Tiểu thuyết lịch sử của Việt Nam cũng có một số thành tựu. Tuy nhiên, bên cạnh chất lượng tác phẩm, còn một rào cản khiến nhiều tiểu thuyết lịch sử của Việt Nam ít được độc giả biết đến là khâu quảng bá, giới thiệu sách.

Đến nay, có lẽ chưa cuốn tiểu thuyết lịch sử nào của Việt Nam được truyền thông tốt bằng truyện dịch Tam Quốc diễn nghĩa của Trung Hoa. Cách đây 6 năm, tại một nhà sách ở TPHCM đã có cuộc trưng bày hơn 100 bản sách dịch Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung do nhiều dịch giả, nhiều nhà in khác nhau thực hiện. Trong đó có cả quyển Tam quốc diễn nghĩa chữ quốc ngữ sớm nhất tại Việt Nam do Nguyễn Liên Phong dịch, ấn hành năm 1907(**).

Còn bạn đọc muốn xem những dị bản viết tay hoặc bản in sớm nhất của Hoàng Lê nhất thống chí, cuốn tiểu thuyết chương hồi lịch sử nổi tiếng và được đánh giá cao của Việt Nam, phải cất công tìm đến thư viện chuyên ngành, thư viện trung ương.

Nhà văn Trần Thùy Mai, tác giả cuốn tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ thái hậu, từng trả lời báo chí: “Làm sao cho tuổi trẻ hứng thú tìm hiểu những nhân vật, những bài học trong sử nước nhà, đó là trách nhiệm của các nhà văn hóa. Các nhà văn, nhà làm phim cần phải góp tay vào việc đó, nếu không thì khó mà trách tại sao nhiều thanh thiếu niên của mình thuộc làu làu những chuyện về Đường Cao Tổ, Võ Tắc Thiên, mà biết rất lờ mờ về Hai Bà Trưng hay Quang Trung – Nguyễn Huệ”(***).

Nếu đặt mục đích chung là học sinh Việt Nam biết và hứng thú với lịch sử nước nhà thì phải có nhiều kênh chuyển tải như nhà trường, văn học, nghệ thuật, báo chí… Hiện nay, các kênh chuyển tải đó đang mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên thông. Như vậy, rất cần nhạc trưởng chỉ huy các kênh chuyển tải phối hợp nhịp nhàng với nhau để đạt mục đích chung.

————–

(*):https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_phim_c%E1%BB%95_trang_Vi%E1%BB%87t_Nam

(**): https://www.sggp.org.vn/doc-dao-cac-ban-dich-tam-quoc-dien-nghia-176628.html

(***): https://cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/Tieu-thuyet-lich-su-trong-doi-song-hien-dai-i524026/

1 BÌNH LUẬN

  1. Dân ta nhiều khi nắm sử Tàu rõ hơn sử Việt nhiều. Đơn giản là sự phổ biến quá nhiều phim ảnh lịch sử từ TQ. Đó là cách làm dễ hiểu và dễ thẩm thấu nhất trong việc truyền đạt lịch sử. Lịch sử, đơn giản là sự chân thực của dòng chảy cuộc sống, chứ không có gì to tát quá đến nỗi mỗi người dân Việt không thể cảm nhận được. Quan trọng là thái độ tôn trọng và học hỏi nghiêm túc từ lịch sử.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới