Thứ năm, 9/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Học tại gia, sao phải như thế?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Học tại gia, sao phải như thế?

Nguyễn Quang Bình

Học tại gia, sao phải như thế?
Trong môi trường xã hội Việt Nam hiện nay, việc cho con cái đứng xa khỏi trường là một quyết định "đứt ruột" của bậc làm cha mẹ. Nguồn: linkedin.com

(TBKTSG Online)- Không tới trường, chấp nhận cho con cái học tại gia (homeschooling)…đó là một quyết định hết sức can đảm của hai vợ chồng giảng viên thuộc một trường đại học tại TPHCM, và đó không phải là trường hợp đơn độc. Nên học ở trường hay học tại nhà đang trở thành câu chuyện nóng hổi thu hút dư luận trên nhiều tờ báo trong nước từ nửa tháng nay.

Thật ra, đối với tuyệt đại đa số người Việt Nam, đã nói học hành thì không thể thiếu “nhà trường”. Nhưng nay, có người dám “tách bầy” để cho con mình học “trường nhà”, người không quen, nghe choáng! Thật ra, đối với quan niệm của dân nhiều nước khác, không cứ phải tới lớp mới được gọi là học hành. Ngay như trong xóm tôi ở thành phố Nha Trang, cặp vợ chồng người Anh đến sinh sống dăm bảy năm nay, con cái được cha mẹ chỉ dạy và các cháu tự học, do không có trường lớp phù hợp, bọn trẻ vẫn phát triển bình thường, gồm các kiến thức cơ bản trong đó có cả ngôn ngữ mẹ đẻ.

Thật ra, sống trong  môi trường xã hội nước ta hiện nay, khi để con cái đứng xa khỏi trường chắc chắn là một quyết định “đứt ruột”, cha mẹ phải giằng co lung lắm mới đi đến lần đoạn tuyệt dứt khoát. Như ở thời cái tờ hộ khẩu còn là lá bùa hộ mệnh, nhiều người không dám bỏ xứ mà đi không phải vì sợ xa quê, mà ngại không có hộ khẩu e mình bị cho ra ngoài rìa xã hội. Bỏ hộ khẩu còn dễ, bỏ trường để con học tại gia, muôn phần day dứt khi chính người quyết định lại là người từng đứng lớp!

Không dám làm thầy bói, tôi vẫn cảm nhận cặp vợ chồng giảng viên “cả gan” cấp phép cho con ở nhà học chắc phải trải qua một đợt khủng hoảng nội tâm ghê gớm, như bản thân tôi đã từng quặn thắt khi quyết định cho con mình không tới trường cách nay hơn cả chục năm dù lúc bấy giờ cháu đang học lớp 12 của trường M.C. tại TPHCM.

Liệu thi cử thế nào, công ăn việc làm mai này của con mình ra sao, tác động của dư luận và xoay xở của nó trong cộng đồng sẽ thế nào…nhất là trong một xã hội mà người ta chuộng “bằng” hơn trọng “chứng”, quý “ngân” hơn trọng “nhân”…Nhìn qua nhìn lại, không mấy ai dám tách khỏi hệ thống ấy, đứng riêng ra là chuốc khổ cho mình và người thân, nhất nữa đó là núm ruột của mình. Có thể nhiều người cho đó là lập dị, tiêu cực. Thật ra phải xem đó là một phản ứng tích cực đầy bản lĩnh, hết sức nhân bản và đầy trách nhiệm công dân.

Cho con học ở nhà, vấn đề không cần bàn đó là tốt hay xấu, cũng không quá lo là hệ thống giáo dục nước nhà có chấp nhận cái “hệ đào tạo” này hay không dù nhiều vị quản lý giáo dục cổ xúy “xã hội hóa giáo dục”, nhưng thường xoáy về phần xã hội đóng góp vật chất nhiều hơn.

Vấn đề đưa ra được nhiều người lên tiếng ủng hộ, nếu nó không xuất phát từ một thực tế nào đó thì ít ra là một dự cảm cho một thay đổi hay yêu cầu thay đổi vì một mục tiêu tốt hơn.

Giáo dục, ít nhiều được hiểu là truyền thụ kiến thức, đào tạo con người. Thế mà, chuyện thành công của dạy và học không nhất thiết phải xây dựng trên nền tảng của sự thông thái của người thầy và sự thông đạt của học trò, mà chính là mối dây yêu thương. Đố ông thầy giỏi và cậu học trò “siêu” đạt được mục tiêu cuối cùng và cao nhất của một bộ môn dạy học nếu như trong lớp không hợp nhau. Bất kỳ một nền giáo dục nào, dù có tiên tiến hiện đại đến mấy, cũng đều phải thất bại nếu không dựa trên nền tảng yêu thương tương tác giữa tâm hồn cao thượng của vị thầy và người trò. Một tấm lòng yêu thương, biết tôn trọng lẫn nhau không chút trí trá là cơ sở quan trọng cho kết quả thành công của một bài giảng, lớp học nói theo phạm vi nhỏ và một nền giáo dục theo nghĩa rộng hơn. 

Liệu ta dám nhìn thẳng nói thật rằng hiện nay không ít thầy cô đã phải biến mình thành “thợ giảng” hơn là “thợ xây tâm hồn”, có lẽ do thu nhập chỉ vừa dăm cọc ba đồng nhưng công việc và trách nhiệm của thầy cô thì lớn, không chỉ đối với xã hội mà cả với gia đình họ. Trường sư phạm nay không còn hấp dẫn, thí sinh giỏi và khá đều đâm đơn qua những ngành nghề khác, vì ở đó bảo đảm có công ăn việc làm ngay khi ra trường, và hệ số lương và lương hưu cao hơn, khả năng tiến thân dễ hơn như nghề nhà binh hay công an chẳng hạn.

Những ai tâm huyết với thế hệ trẻ có thể thấy rất rõ khủng hoảng quan hệ thầy-trò đưa đến cái hệ lụy lớn hơn, đó là khủng hoảng về đánh giá và giá trị. Học đường là nơi chuẩn bị cho bạn trẻ vào đời với cá tính và khả năng riêng biệt của họ. Nhưng cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến ngày nay hình như không còn dựa trên thực lực chính bản thân bạn trẻ và nhà trường nỗ lực vu đắp. Nếu như xưa, nhờ có thi đua học đường để con trẻ tự mình tìm đến chân thiện mỹ và khi ra đời lao động với thành tâm cống hiến của mình, thì nay cơ hội thi thố kiếm công ăn việc làm càng hiếm hoi vì nhiều nơi “nén bạc xé toạt” ước vọng tham gia lao động của bạn trẻ, dù không xìa tiền đi nữa thì phải qua quan hệ thân hữu “có trong nhà mới ra ngoài đường”, làm chệch hướng “qui trình, quy luật”  của quan hệ xã hội trước đây. Nhiều công sở cũng từng lập ra ban bệ tuyển dụng người tài, đặt ra qui chuẩn “như thật”, nhưng nhiều khi đàng sau đó là những đút lót, toan tính, xếp đặt …mà bản thân thầy cô đôi khi chính là nạn nhân, thậm chí dù rành rành “chuyện thường ngày ở huyện” ấy cũng không dám bày tỏ nửa lời trên bục giảng.

Xây dựng con người trong và cho cách mạng công nghiệp 4.0, đó là một xã hội thay đổi nhanh giữa các phương tiện kỹ thuật tương tác, kết nối…các giá trị tinh thần và vật chất xoay nhanh nhưng đừng tưởng thế giới hiện nay và ngày mai là “ảo”. Không, con người thời đại 4.0 vẫn sống cuộc sống thực của nó với hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc. Nếu nhà trường vì một nhiệm vụ nào khác mà quên vế rất “con người” này, thì cha mẹ phải kéo con mình về đời thực của chính nó và truyền thống đạo đức gia đình, tế bào của xã hội. Đó là cái cớ để họ đem con về học tại gia mà không cần áy náy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới