(KTSG Online) – Trong tuần qua, đà suy giảm không ngừng của chỉ số Nasdaq 100 trên thị trường chứng khoán Mỹ, nơi quy tụ cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới như Apple, Amazon, Aphabet, Meta, Microsoft..., đang làm dấy lên nỗi lo bong bóng công nghệ bùng vỡ.
Chỉ số Nasdaq 100 vừa trải qua một tuần giảm điểm liên tục hơn 1% mỗi phiên giao dịch, điều chưa từng xảy ra kể từ đầu thập niên 2000 khi bong bóng dot-com bùng vỡ, dẫn đến cú sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ do mức định giá quá cao của các công ty internet. Chỉ có khác một điều là trong tuần qua thị trường chỉ giao dịch trong 4 ngày vì hôm 17-1 là ngày nghỉ lễ.
Nhưng đối với các nhà đầu tư vướng vào đợt bán tháo, có gì đó đã thay đổi. Chỉ số Nasdaq 100 từng trải qua tuần giảm điểm liên tục vào thời kỳ bong bóng dot-com, lần đầu tiên vào tháng 4-2000 và sau đó là vào tháng 9 năm 2001 sau khi xảy ra vụ khủng bố 11-9. Sau các đợt bán tháo đó, Nasdaq 100 tiếp tục giảm thêm 28% trước khi chạm đáy vào khoảng một năm sau.
George Pearkes, nhà chiến lược tại Công ty Bespoke Investment Group, nói: “Nếu bạn nhìn vào hai trường hợp trước đó, bạn sẽ thấy thị trường suy giảm khủng khiếp sau tuần giảm điểm liên quan đến sự kiện 11-9, trong khi đó, những gì xảy ra sau tuần giảm điểm hồi tháng 4-2000 được xem “lượt đi” của cú sụp đổ bong bóng công nghệ. Do vậy, đà suy giảm liên tục mọi ngày trong một tuần của chỉ số Nasdaq là điềm báo xấu”.
Chỉ số Nasdaq 100 giảm 7,5% trong tuần qua khi cơn bán bán tháo mạnh mẽ ở nhóm cổ phiếu đầu cơ lan sang phần còn lại của thị trường. Kết quả kinh doanh đáng thất vọng từ “những đứa con cưng” trong đại dịch như nền tảng phát truyền hình và phim ảnh trực tuyến Netflix càng xác nhận cho mối lo lắng của giới đầu tư rằng khi nền kinh tế phục hồi, lợi thế tăng trưởng của ngành công nghệ sẽ biến mất.
Giá cổ phiếu Netflix giảm đến 21,8% trong phiên giao dịch hôm 21-1 sau khi công ty này công bố kết quả kinh doanh quí 4-2021 cho thấy tốc độ tăng trưởng thuê bao kém so với dự báo và chậm nhất kể từ năm 2015, nếu tính cả năm 2021. Cú giảm giá mạnh khiến vốn hóa của Netflix bốc hơi gần 50 tỉ đô la Mỹ.
Các cổ phiếu công nghệ khác như Tesla, Amazon Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) giảm 4-6%. Thêm vào đó, các cổ phiếu công nghệ được định định giá cao trong một thời gian dài, tạo dư địa lớn cho một đợt giảm giá mạnh. Với mức giảm gần 12% trong tháng 1, chỉ số Nasdaq 100 đang trải qua tháng tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Chris Murphy, đồng giám đốc bộ phận chiến lược phái sinh tại Công ty Susquehanna International Group, nhận xét: “Với hiện tượng bán mạnh vào giờ cuối cùng trong phiên giao dịch và bán đều đặn mỗi ngày ở chỉ số Nasdaq 100, có vẻ như nhà đầu tư tổ chức đã thực hiện chiến lược bán gấp lẫn bán rỉ rả để thoát ra khỏi thị trường”.
Rất khó để nói liệu đây có phải là sự khởi đầu của quá trình tạo đáy hay điều gì đó tồi tệ hơn đối với chỉ số Nasdaq 100. Cuộc khảo sát mới nhất của Ngân hàng Bank of America, thực hiện với các nhà quản lý quỹ toàn cầu, cho thấy tỷ trọng phân bổ tài sản ròng của họ cho lĩnh vực công nghệ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.
George Pearkes, nhà chiến lược tại Công ty Bespoke Investment Group, nói: “Nếu có làn sóng bán thanh lý đang diễn ra, bạn phải tự hỏi liệu chỉ số Nasdaq 100 có thể giảm thêm bao nhiêu nữa. Mặt khác, tâm lý tiêu cực và bán cổ phiếu liên tục này là những gì mà những nhà đầu tư đi ngược xu hướng đang tìm kiếm và xem đó như một dấu hiệu tâm lý bi quan quá mức”.
Trong tuần qua, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và chỉ số S&P 500 cũng lần lượt giảm 4,6% và 5,7%.
Các nhà phân tích ở Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ đang bị định giá quá cao nên điều chỉnh giảm là tất yếu, chứ không phải đang hướng đến một cú bùng vỡ bong bong công nghệ khác. Họ dự báo chỉ số S&P 500 có thể giảm 10-20% trong nửa đầu năm nay khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng tốc siết chặt chính sách tiền tệ. Họ nhận định Fed sẽ nâng lãi suất 4 đợt trong năm nay, thay vì 3 đợt và mỗi đợt sẽ tăng 25 điểm cơ bản.
Theo Bloomberg