Hồi tưởng về bạn bè và sự hợp tác
Vũ Quang Việt
(TBKTSG) - Tôi không biết lý do gì anh Võ Như Lanh mời tôi làm cộng tác viên thường xuyên của TBKTSG ngay từ số đầu tiên. Và từ đó tôi gắn bó với TBKTSG và viết tương đối thường xuyên...
TS. Vũ Quang Việt. |
Gần như tôi rất ít viết cho tờ báo nào ở trong nước khi bàn về các vấn đề kinh tế.
Năm 1984, sau khi thăm Việt Nam về, tôi viết một bài rất dài “Đôi nét về tình hình kinh tế Việt Nam 1975-1983”, đến 13 trang đánh máy chữ nhỏ li ti đăng trên báo Đất Việt ở Canada. Bài viết phân tích tỉ mỉ cách làm kế hoạch ở Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa, và cho rằng không thể phát triển dựa trên kế hoạch giá mà phải dựa vào giá thị trường. Tôi tìm tòi tài liệu trên báo chí Việt Nam, nhưng lúc đó rất hiếm nên phải vào Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hiệp quốc mượn, rồi ghi chú và ước tính GDP, cũng như các chỉ số quan trọng khác để phân tích, so sánh vì khi đó Việt Nam tính theo phương pháp của Liên Xô, coi tất cả mọi dịch vụ trừ chuyên chở hàng hóa là “ăn theo”, không đóng góp thêm gì vào phát triển.
Sau đó là bài thứ hai vào năm 1988, “Kinh tế Việt Nam, lạm phát và giải pháp”, dài khoảng 80 trang đánh máy, với khá đầy đủ số liệu về kinh tế tự tính theo phương pháp SNA của Liên hiệp quốc, bao gồm từ sản xuất, ngân sách, tiền tệ, giá cả. Điều tôi thấy rõ là mức thu thuế quá thấp so với GDP, chỉ khoảng 9%, so với mức trung bình 15% ở các nước nghèo. Thuế chủ yếu đánh vào nông dân và sản xuất nhỏ do bị bắt vào hợp tác xã và sau đó bị bắt nộp sản lượng quá cao khi áp dụng khoán. Doanh nghiệp lớn cũng nộp sản lượng nhưng ngược lại được cấp chi phí “đầu vào” với giá kế hoạch cực thấp nhập từ Liên Xô và Đông Âu qua vay mượn. Coi như không có thuế xuất nhập khẩu. Nhà nước in tiền để tiêu là điều đương nhiên và do đó gây lạm phát phi mã, tới gần 500% năm 1986, 300% năm 1987 và 1988 (hàng tháng tăng hơn 20% rồi xuống trên 10% trong khi lãi suất lúc cao nhất cũng chỉ có 5-6%). Lúc đó Quỹ Dự trữ ngoại tệ chỉ còn 20 triệu đô la Mỹ. Vay nợ Liên Xô và khối Đông Âu từ xăng dầu, sắt thép để dùng là chính.
Bây giờ thì các nhà kinh tế đều có thể dễ dàng nhìn thấy giải pháp nhưng lúc đó hiểu và tìm được cách thực hiện không phải dễ dàng vì có quá nhiều “lực cản”. Cứ xem tình hình Venezuela hiện nay thì rõ, lạm phát lên 10 triệu phần trăm, nói chung là không ai dám dùng tiền nhà nước in nữa.
Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài do nhóm ông Nguyễn Xuân Oánh, giúp soạn thảo ra đời. Ông Oánh là cựu Thống đốc Ngân hàng và Phó thủ tướng miền Nam trước đây. Sau 1975, ông ở lại, rồi làm tư vấn cho ông Võ Văn Kiệt nên tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều lần, kể cả được ông mời ngủ lại nhà để trao đổi. Cũng thời gian này, tôi gặp Nhóm Thứ Sáu, thông qua ông Oánh. Ông lái xe con cóc Volkswagen cũ rích đưa tôi đến ăn cơm tối chung với nhóm ở nhà bếp của Công ty Cholimex. Nơi đó, tôi đã làm quen, trao đổi với nhiều anh như Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Nguyễn Ngọc Hồ, Trần Trọng Thức. Đây là những người bạn tôi thường gặp gỡ khi có dịp về Việt Nam, cùng ăn cơm tối chung. Nhóm Thứ Sáu cũng có bản đề án chống lạm phát riêng mà sau này tôi mới biết.
Cách đây nhiều thập niên, Việt Nam tính GDP theo phương pháp của Liên Xô, coi tất cả mọi dịch vụ - trừ chuyên chở hàng hóa, là “ăn theo”, không đóng góp thêm gì vào phát triển. Ảnh: Thành Hoa |
Có lẽ trong những dịp gặp Nhóm Thứ Sáu, tôi gặp anh Võ Như Lanh. Lại biết anh là một trong những thủ lĩnh của phong trào sinh viên miền Nam nên dễ gần gũi, mỗi lần về tới Sài Gòn là gặp nhau. Sau này khi viết bài cho TBKTSG, có lần tôi nêu ý kiến tranh luận một số vấn đề nêu ra trong dự thảo Đại hội Đảng (nếu tôi nhớ không lầm là khóa 8 năm 1996) khi đã quyết chấp nhận kinh tế nhiều thành phần nhưng vẫn muốn giữ vai trò chủ đạo của quốc doanh nên dự kiến đặt mức trần 40% cho GDP thuộc khu vực ngoài quốc doanh. Nhờ tham gia xây dựng Hệ thống Tài khoản quốc gia cho Việt Nam (SNA), tôi biết rõ là GDP thuộc khu vực ngoài nhà nước đã vượt hơn 40% nên cho rằng quyết định đặt trần như thế Nhà nước sẽ ép thành phần kinh tế tư nhân xuống thì mới đạt chỉ tiêu. Anh Lanh cho rằng chưa thể đăng ngay nhưng sẽ trao đổi với cấp trên, thông qua ông Phạm Chánh Trực, lúc đó là Phó chủ tịch UBND TPHCM và người có trách nhiệm với TBKTSG trước lãnh đạo thành phố. Khi bài được đăng, tôi biết là Thành ủy đã có ý kiến riêng. Sau Đại hội trên, chữ “quốc doanh chủ đạo” được thay bằng “kinh tế nhà nước làm chủ đạo”, và tiếp tục cho đến tận ngày nay vì “kinh tế nhà nước” bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, khu vực hành chính, quân đội, công an, cũng như dịch vụ giáo dục, y tế công,... thì tất nhiên là to đùng.
Những bài tôi viết thường các anh biên tập đều trao đổi lại khi thấy cần sửa, và chưa bao giờ tự đổi ngược ý kiến của người viết mà có lần tôi đã bị ở tờ báo khác. Tôi rất biết ơn tờ báo đã ủng hộ tôi phát biểu đúng quan điểm của mình, và tôi nghĩ với cách làm như thế tờ báo đã tạo uy tín và sự tín cẩn của người viết các bài mang tính phân tích, nhận định và bình luận.
Có thể tôi có ý kiến về kinh tế Việt Nam như thế là nhờ khi làm tư vấn cho ông Nguyễn Cơ Thạch, tôi đã phải tự tính GDP để phân tích và khuyến nghị ông ấy xây dựng SNA của Liên hiệp quốc cho Việt Nam. Ông Thạch giới thiệu tôi gặp ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và được ông Kiệt đồng ý với ý kiến này vì cả hai ông đều thấy cần thông tin kinh tế dựa trên tiêu chuẩn quốc tế để hiểu rõ về kinh tế Việt Nam. Nhờ vậy, tôi đã trực tiếp tham gia xây dựng bản đề án. Việc này không có gì khó khăn vì trước đó tôi đã xây dựng đề án cho Thái Lan, rồi Malaysia. Và khi đang thực hiện đề án cho Việt Nam tôi cũng là tư vấn chính cho Trung Quốc về cùng vấn đề, nhưng chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện vì Trung Quốc nói rằng họ chỉ muốn biết nó như thế nào để từ đó xây dựng SNA “mang đặc trưng Trung Quốc”.
Việc giúp Việt Nam xây dựng SNA vào năm 1988 không có gì khó khăn. Vì vào lúc đó, tôi đã tham gia trực tiếp trong rất nhiều năm vào việc soạn thảo SNA 1993 của Liên hiệp quốc, và làm việc cùng với André Vanoli - một chuyên gia đầu ngành, rất nhiều kinh nghiệm của Pháp, mà tôi coi là linh hồn của hệ thống mới này, xây dựng toàn bộ các bảng biểu số liệu làm thí dụ cho SNA1993, và chính nhờ đó tôi học hỏi, nắm rõ hệ thống này.
Cũng qua trách nhiệm nghiên cứu SNA, tôi đã soạn bản thảo cho ba tập sách sau này được Liên hiệp quốc xuất bản. Đó là: Handbook of Input-Output Table Compilation and Analysis (UN, 1999), Links between Business Accounting and National Accounting (UN, 2000), National Accounts: A Practical Introduction (UN, 2003). Cho nên vào năm 1988, tôi không chỉ muốn giúp Việt Nam xây dựng SNA làm cơ sở cho điều hành kinh tế mà còn mong Việt Nam trở thành nước đầu tiên ứng dụng SNA1993 ở châu Á. Tôi đã tác động với ông David Smith, Trưởng đại diện UNDP lúc đó được đặc cách phê chuẩn dự án không quá 700.000 đô la Mỹ. Ông đồng ý ngay dự án mà tôi soạn trong thời gian cực ngắn.
Dự án không chỉ cung cấp máy tính mini-computer, xe cộ, chuyên gia về mọi lĩnh vực thống kê kinh tế, kể cả điều tra, xây dựng phần mềm máy tính không chỉ để xử lý số liệu mà để giải các thuật toán phức tạp mà còn cung cấp cả máy in để in bảng hỏi điều tra, sách và tài liệu soạn huấn luyện lý thuyết và hướng dẫn thực hiện SNA vì lúc đó nhà in không thể cung cấp với chất lượng tốt. Rồi cả chi phí phụ cấp cho người thực hiện Tổng điều tra cơ sở kinh tế ở Việt Nam lần đầu theo đúng chuẩn của Liên hiệp quốc. Việc cấp phụ cấp này khi đời sống lúc đó cực kỳ khó khăn, cũng là quyết định mang tính đặc cách của ông Smith.
Bảng cân đối liên ngành đầu tiên ra đời năm 1989, sau đó là năm 1996, 2000 và 2007, với quy mô lúc đầu là 113 ngành sản phẩm và sau này lên tới 164 ngành, cũng đòi hỏi thuật toán khá phức tạp mà tôi nói đến ở trên. Lúc đó và cho đến bây giờ, Bùi Trinh là người chuyên toán có khả năng xử lý. Bảng này là cơ sở để tính GDP theo phương pháp sản xuất và sử dụng, cho phép tính GDP những năm sau dựa vào điều tra chọn mẫu.
Trong quá trình thực hiện SNA ở Việt Nam tôi đã nhận được sự hợp tác rất chặt chẽ của anh Nguyễn Văn Chỉnh, người rất đam mê và sống hết mình cho SNA; anh Nguyễn Quán, thư ký dự án cũng thế. Và tất nhiên là cả sự hợp tác của nhiều anh chị khác lúc đó và sau này trở thành rường cột của Vụ Tài khoản quốc gia.
Tất cả công việc của các chuyên gia Liên hiệp quốc và tôi làm đều miễn phí vì được tính vào thời gian nghiên cứu và hợp tác chính thức trong nhiệm vụ của chúng tôi. Chi phí chỉ để trả cho những chuyên gia mà Liên hiệp quốc phải thuê. Nhưng có thể nói, việc hợp tác với Việt Nam hay các nước như Thái Lan, Malaysia và Indonesia cũng đã giúp chúng tôi, những người làm nghiên cứu ở Liên hiệp quốc nắm rõ các vấn đề thực tế ở các nước đang phát triển để đưa ra các khuyến nghị chính thức trong SNA1993, cũng như SNA2008 sau đó mà tôi ngồi trong ghế ban thư ký, vừa đúng theo lý thuyết mà các nước phát triển cao cũng có thể thực hành, vừa giúp xử lý các vấn đề thường ít gặp ở các nước phát triển cao.
Thế là hệ thống SNA Việt Nam ra đời. Tuy thế, nó mới dừng lại ở sản xuất và tiêu dùng chứ chưa đạt được sự phân phối kết quả sản xuất (thu nhập, khấu hao, lợi nhuận, thuế và các chuyển nhượng) và sử dụng kết quả sản xuất (thu nhập, chi tiêu, để dành) và vay nợ khi đầu tư của các khu vực thể chế như doanh nghiệp công và tư, hộ gia đình dưới tư cách người sản xuất, Nhà nước và hộ gia đình dưới tư cách người tiêu dùng. Đây là sự kết hợp giữa sản xuất, dòng tài chính (flows of funds) và tài sản mà Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) thường xuyên sử dụng để điều hành chính sách tiền tệ.
Anh Nguyễn Văn Chỉnh rất tâm huyết và muốn thực hiện nhưng lực bất tòng tâm, vì cần sự hợp tác chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, mà việc minh bạch hóa thông tin về thuế, dòng tiền, vốn và nợ trong nền kinh tế lúc đó còn rất khó khăn. Điều này sau này tôi đã thực hiện được cho Ngân hàng Trung ương Philippines với thiết kế hệ thống hoàn chỉnh có thể dễ dàng lập lại ở nước khác.
Những vấn đề thống kê khác như điều chỉnh mùa vụ (seasonal adjustment) hoặc chỉ số dây chuyền (chain indexing) thay đổi năm gốc hàng năm, là những phương pháp nhằm đo lường tốc độ tăng trưởng kinh tế chính xác hơn cũng là điều Việt Nam chưa thực hiện. Vấn đề thiết kế phương pháp điều tra và xử lý kết quả, để có thể vừa soạn GDP cả nước và từng vùng chính xác cũng là vấn đề Việt Nam cần thực hiện. May mắn là cho đến nay tôi vẫn tiếp tục được một số nước và tổ chức quốc tế tài trợ nghiên cứu và ứng dụng những vấn đề này. Và tôi làm việc với tinh thần là các thiết kế đều có thể thực hiện được ở những nước đang phát triển, dùng máy vi tính với phần mềm thông dụng như Excel, mà không cần đến phần mềm chuyên dụng tốn kém. Những kinh nghiệm và tài liệu biên soạn, tôi đều sẵn sàng chia sẻ với Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Những bài tôi viết trên TBKTSG sau này cũng là nhờ kinh nghiệm sống và hợp tác một cách cơ bản với Việt Nam những năm 1982-2000.
Bài viết sử dụng một số thông tin trong bài tôi viết trước đây “Quan hệ với ông Nguyễn Cơ Thạch”, trang 262-273, Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.