Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Hơn 10 tỉ đô la vốn ngoại rót vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong tổng số hơn 15,4 tỉ đô la vốn nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay thì ngành công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được hơn 10 tỉ đô la.

Công nghiệp chế biến - chế tạo thu hút hơn 10 tỉ đô la Mỹ vốn ngoại trong 7 tháng. Ảnh minh họa: TL

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, tuy vốn đăng ký mới của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch, song vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh.

Cụ thể theo cơ quan xúc tiến đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay có 927 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 5,72 tỉ đô la, tương ứng giảm 7,9% và giảm 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng thời gian trên, có 579 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,24 tỉ đô la, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm nay, có 2.072 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,58 tỉ đô la, tương ứng giảm 13,8% và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 11,5 tỉ đô la, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do vốn cam kết mới giảm mạnh nên tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm nay đạt trên 15,41 tỉ đô la, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỉ đô la, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 7 tháng đầu năm nay. Trong đó, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả với số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ cho mỗi dự án.

Đơn cử như dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu đô la; dự án Công ty TNHH Fujifilm Business Innovation Việt Nam (TPHCM), tăng hơn 494 triệu đô la; dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh tăng gần 306 triệu đô la, tại Nghệ An 260 triệu đô la và tăng 127 triệu đô la tại Hải Phòng...

Các chuyên gia kinh tế và tư vấn đầu tư cho rằng nguyên nhân khiến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn vốn ngoại là nhờ lợi thế về nguồn lao động, ổn định chính trị và tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng.

Vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng giúp người lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, giúp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua cung ứng các sản phẩm, linh kiện cho các tập đoàn lớn trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam.

Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỉ đô la, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 526,2 triệu đô la và gần 465 triệu đô la.

Đã có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỉ đô la, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27,3% so với cùng kỳ. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,26 tỉ đô la, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 48,2% so với cùng kỳ. Với dự án Lego tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỉ đô la, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỉ đô la, chiếm 8,55% tổng vốn đầu tư.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới